Thứ Sáu, ngày 21.06.2013
Đất nước này rất cần những thanh
niên trẻ can đảm, khẳng khái, có thừa dũng khí như anh em Đinh Nhật Uy
để đương đầu với thế lực bạo quyền đen tối đang dìm dân tộc xuống hố sâu
vực thẳm. Trong chuyên mục "Lá Thư Tuổi Trẻ" tuần này, mời quý thính
giả nghe lá thư Thư của Nguyễn Đông An gửi đến anh Đinh Nhật Uy với
giọng đọc của Mỹ Linh.
Anh Nhật Uy thân quí!
Cái ngày đó rồi cũng tới, đúng không anh? Cái ngày mà trong nhật ký
của anh và bạn bè sẽ ghi rằng đây là ngày chán ghét, xấu xí và đen đủi
nhất trong cuộc đời mặc dù mình đã chuẩn bị và sẵn sàng đón nhận mọi
thứ... Cái ngày mà lẽ ra, nếu làm một công dân ở một nước tiến bộ nào
đó, nó sẽ như mọi ngày, không có biến cố nào trong cuộc đời, nhưng
nghiệt nỗi, chúng ta đang làm một dân đen dưới triều đại Cộng sản, một
thứ chủ nghĩa mà mọi ý thức tự do đều là kẻ thù số một của nó, mọi suy
nghĩ trái chiều với nó hoặc không cam chịu ngậm miệng làm theo nó đều có
thể bị ngồi tù. Hơn hết, chúng ta đang sống dưới sự ngự trị của công
an, chó săn và nhà tù!
Thật tâm mà nói, em rất cảm phục cách lựa chọn của các anh, cũng
giống như em từng cảm phục gia đình nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn ở Quảng Nam.
Anh biết không, nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn cùng hai con của mình là Huỳnh
Thục Vy và Huỳnh Trọng Hiếu đã dũng cảm đấu tranh suốt mười mấy năm nay,
chấp nhận mọi nguy hiểm và công khai tuyên bố họ không chấp nhận sự tồn
tại của đảng Cộng sản Việt Nam cũng như sự quản lý của nhà nước và lãnh
đạo nhân dân của nó là bất minh, không chính danh. Nhiều lần gia đình
ông tuyệt đối không bỏ phiếu cử tri cho dù các cán bộ địa phương đã mang
thùng phiếu đến tận nhà ông để từ năn nỉ đến đe nẹt, hăm dọa, gia đình
ông vẫn không chấp nhận vì một nhà nước mà theo ông là nó vừa dốt nát,
vừa tham lam, lại vừa vô liêm sỉ.
Và, câu chuyện của bạn Đinh Nguyên Kha, Phương Uyên vẫn còn chưa
nguội thì bây giờ em nghe thêm câu chuyện về anh, em thật sự cảm phục,
anh Nhật Uy ạ. Đặc biệt, trong lúc anh bị bắt, anh là một nhà doanh
nghiệp, giám đốc một công ty mà loại hình kinh doanh của nó được xem là
thời thượng ở Việt Nam hiện nay. Khác với những doanh nghiệp chỉ biết
khư khư giữ cục tiền và ôm chân đám cán bộ địa phương để bợ đỡ, vay mượn
và tìm cách mở rộng diện tích kinh doanh, anh đã không làm thế, anh đã
chọn riêng cho mình một con đường, dù khó khăn, chông gai và nguy hiểm
luôn rình rập và, rất có thể, mọi thứ anh có được lâu nay sẽ bị bọn họ
cướp cạn, phá hủy. Nhưng anh đã dũng cảm chọn con đường này, em thật sự
cảm phục!
Thử nghĩ, trong một đất nước mà mọi người đều sợ hãi, đều ngậm miệng,
chịu đấm ăn xôi và chỉ biết vâng dạ nhà cầm quyền, mặc cho họ tác oai
tác quái, làm mưa làm gió và tham lam vô độ, thì đất nước đó có còn là
đất nước của con người hay là một cái chuồng lớn mà con người đóng vai
trò làm súc vật của chế độ? Và mãi cho đến bây giờ, khi mà con người
không còn chuyện xếp hàng chờ phát lương thực của thời tem phiếu, cũng
không còn phải lạy dạ bà lương thực hay ông thuế vụ nào nhưng con người
vẫn cứ phải sợ hãi nhà nước mặc dù mình không làm gì sai, vì sao?
Vì nhà nước Cộng sản tuy không giữ chế độ tem phiếu, không duy trì
nền kinh tế bao cấp nhưng trong giáo dục và mọi thứ hoạt động khác của
họ đều bao cấp chẳng khác gì những năm 1980. Sở dĩ họ bỏ cơ chế bao cấp
vì họ không thể trụ nổi nếu như nền kinh tế bao cấp duy trì thêm vài năm
nữa, họ cũng thừa biết nếu giữ kinh tế bao cấp, sẽ có biến và không
chừng Việt Nam hiện nay đã là một nước tư bản. Chính vì thế, họ đã kịp
thời cởi bỏ cái gánh nặng đó để tồn tại. Nhưng, mọi thứ suy nghĩ bảo
thủ, độc tài khác lại được gắn trong nền giáo dục, trong hoạt động kinh
tế, văn hóa, chính trị và xã hội. Đặc biệt, họ không bao giờ chấp nhận
một cá nhân nào làm giàu chính đáng. Tất cả mọi hoạt động kinh tế tư
nhân bị bóp nhỏ đến mức khó tồn tại nếu không liên kết và phụ thuộc vào
kinh tế nhà nước. Mọi ưu tiên đều dành cho các tập đoàn kinh tế nhà nước
mặc dù sự tồn tại của chúng giống như một cái ổ tham nhũng và phá sản.
Vẫn có những tập đoàn kinh tế tư nhân thành đạt, ăn nên làm ra, nhưng
thực chất, đó chỉ là hình thức, bản chất của nó lại là sân sau của
những cán bộ cấp cao. Những tập đoàn này chứa đầy các cổ phần ma của cán
bộ Cộng sản và cũng là nơi rửa tiền, nơi xâm hại thiên nhiên và nơi lừa
mị quốc dân để chiếm đất. Kết cục, mọi hoạt động trong khu vực kinh tế
tư nhân bị bóp đến tê liệt, khiến cho mọi ông chủ luôn có khuynh hướng
quay sang dựa vào thế lực chính trị. Và đó là cái mà nhà nước Cộng sản
đã thành công trong nhiều năm để duy trì độc tài. Nhưng gần đây thì
khác, sự mở rộng nhãn quan về nhân quyền, dân chủ và khoa học đã giúp
cho nhiều doanh nhân nhận ra mình đã bị xỏ mũi quá lâu, không thể chấp
nhận bị xỏ mũi thêm. Những nhà đấu tranh dân chủ có xuất thân từ doanh
nhân như anh Lê Thăng Long và anh không phải là ít. Họ chấp nhận mọi rủi
ro và sống đúng nghĩa một con người thời đại mới, sẵn sàng đối mặt với
cường quyền. Họ là những anh hùng.
Sự có mặt và những hoạt động của những doanh nhân giống như anh và
anh Lê Thăng Long sẽ làm cho đất nước này tốt đẹp hơn, làm cho nền kinh
tế này có yếu tố sòng phẳng, minh bạch và tiến bộ hơn. Đó là những gì
nền kinh tế này cần, dân tộc này cần và xa hơn một chút là nhân loại này
dung chứa được.
Xin cầu chúc anh và quí thân bằng quyến thuộc thật mạnh khỏe, an lạc.
Cho em gửi lời thâm tạ bậc thân sinh của anh, vì hai vị đã sinh ra và
nuôi nấng, dạy dỗ được những người con đáng kính như anh và Đinh Nguyên
Kha anh nhé!
Kính thư
Nguyễn Đông An.
No comments:
Post a Comment