VN ĐƯA THÊM DÂN CƯ RA SINH SỐNG Ở TRƯỜNG SA
Bắt chước Trung Cộng gia tăng thêm cư dân sinh sống trên quần đảo
Hoàng Sa, nhà cầm quyền VN vừa đưa thêm 100 dân ra Trường Sa. Giới
truyền thông lề đảng cho biết con số 100 người này gồm 12 quan chức cấp
xã, 6 giáo viên tiểu học, một y tá và 21 gia đình ngư phủ của tỉnh Khánh
Hòa.
Số người này sẽ sinh sống tại thị trấn Trường Sa, đảo Song Tử Tây và
đảo Sinh Tồn. Lễ tiễn đưa được tổ chức vào chiều thứ Ba vừa qua ở Cam
Ranh, và được tàu hải quân chở ra Trường Sa. Cần nhắc lại là huyện
Trường Sa được VN thành lập vào năm 1982, và đặt dưới quyền quản trị của
tỉnh Khánh Hòa với số dân vào khoảng 300 người. Hiện Trung Cộng chưa có
phản ứng nào về tin này, nhưng vào tháng Ba năm ngoái, nhà cầm quyền
Bắc Kinh đã giận dữ phản đối khi VN đưa 6 tu sĩ Phật giáo ra trụ trì các
chùa ở Trường Sa.
Trong một biến chuyển khác, liên quan đến Biển Đông, thì báo chí
Trung Cộng cho biết là Trung Cộng đã đưa một tàu lặn thám hiểm đáy biển
đến Biển Đông. Tân Hoa Xã cho biết chiếc tàu lặn mang tên Giao Long đã
rời cảng Giang Tô để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu các tài nguyên dưới
đáy biển trong vòng 110 ngày.
2 NGƯỜI CHẾT VÌ VỠ ĐẬP THỦY ĐIỆN Ở GIA LAI
Vào sáng hôm qua, đập thủy điện Ya Krel 2 ở huyện Đức Cơ tỉnh Gia Lai
đã bị vỡ với ít nhất là 2 người bị cuốn trôi và hàng trăm mẫu hoa màu
bị hủy diệt dưới làn nước lũ.
Đập Ya Krel chưa chính thức hoạt động mà chỉ ở giai đoạn tích nước.
Và mặc dù chỉ mới tích được 60% lượng nước nhưng con đập dài 200 thước
đã bị vỡ một đoạn dài 40 thước vào lúc 5 giờ sáng hôm qua. Đập thủy điện
Ya Krel 2 nằm sát biên giới Campuchia, được xây dựng từ năm 2009 thuộc
hạ lưu sông Pô Kô. Công trình thủy điện này sẽ có hai cỗ máy phát điện,
với công suất 5.5 MW và phí tổn xây dựng khoảng 6 triệu Mỹ kim.
Hiện chưa biết rõ số người chết và mức thiệt hại về tài sản. Điều may
mắn là lúc đập vỡ thì nhiều người dân chưa ra đồng làm việc. Nhưng
chính quyền Campuchia đã nỗ lực di tản cư dân ở lòng hồ Sê San trên nước
họ. Cần nói thêm là vào tháng 11 năm ngoái, tại tỉnh Kontum cũng xảy ra
vụ vỡ đập Dak Mek 3 trong khi đang xây dựng. Nguyên nhân cũng vì công
ty trúng thầu rút ruột công trình và làm ăn cẩu thả, tương tự như ở các
đập thủy điện khác.
QUỐC NẠN MỚI TẠI VN: HỎA HOẠN HOÀNG HÀNH KHẮP NƠI
Sau những quốc nạn như tham nhũng, gian lận thi cử và tử nạn giao
thông, đất nước VN đang trực diện với một quốc nạn mới sau nhiều năm
phát triển hỗn loạn về đô thị, với hàng loạt các vụ cháy nổ diễn ra liên
tục với mức độ kinh hoàng ở khắp 3 miền, được tường thuật hằng ngày
trên các báo chí trong nước.
Vụ hỏa hoạn mới nhất diễn ra vào trưa hôm qua tại tỉnh An Giang, với
85 căn nhà bị thiêu rụi hoàn toàn ở xã Vĩnh Xương thuộc thị xã Tân Châu,
nhưng may mắn là không có ai thiệt mạng. Hai tuần trước đây, một vụ
cháy xe bồn chở xăng tại Hà Nội, ngay trước một cây xăng và đối diện một
quân y viện, đã khiến 11 nhân viên cứu hỏa bị thương.
Làn sóng hỏa hoạn trong thời gian qua tại các khu công nghiệp, chung
cư cao tầng, và đặc biệt là tại các cây xăng trong thời gian qua đã
khiến cho một số đại biểu quốc hội CSVN nêu lên vấn đề sửa luật phòng
cháy chữa cháy. Tuy nhiên nhiều người tin rằng quốc nạn này khó có thể
bị đẩy lùi, tương tự như quốc nạn giao thông mà năm nào quốc hội này
cũng nêu ra, nhưng con số người chết vẫn cứ tiếp tục gia tăng.
DÂN NHA TRANG BIỂU TÌNH BAO VÂY NHÀ MÁY GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
Vào hôm thứ Ba, hơn 100 người dân thuộc xã Vĩnh Phương, thành phố Nha
Trang, đã biểu tình trước cổng nhà máy sản xuất thuốc lá Khatoco để
phản đối nhà máy này gây ô nhiễm môi trường sinh sống của cư dân.
Cần biết là nhà máy Khatoco chỉ mới hoạt động vào cuối năm ngoái,
nhưng liên tục bị người dân phản đối vì tiếng động quá ồn, mùi hôi thối
và bụi bặm, gây tác hại nặng nề đến đời sống và sinh hoạt hằng ngày của
người dân. Trước sự biểu tình giận dữ của người dân, công ty Khatoco đã
mở cuộc gặp gỡ với nhà cầm quyền địa phương và đại diện cư dân. Trong
cuộc gặp, công ty này đề nghị nhà cầm quyền cho phép di dời những gia
đình ở gần nhà máy khoảng 50 thước để thành lập một vòng đai an toàn.
Trong khi đó thì vào hôm qua, một cuộc tuần hành đã diễn ra ở thủ đô
Phnom Penh nhằm đòi hỏi chính quyền Campuchia phải bảo vệ môi trường
bằng cách đình chỉ các vụ cưỡng chế đất đai, phá rừng lấy gỗ của các
công ty VN, và không xây đập thủy điện ở hạ lưu sông Mekong. Những người
biểu tình này đến từ 24 tỉnh và đưa một thỉnh nguyện thư lên bộ tư
pháp, quốc hội và bộ ngoại giao Campuchia.
DỊCH SỐT XUẤT HUYẾT BÙNG PHÁT TẠI SINGAPORE
Giới hữu trách Singapore vào hôm qua thông báo là họ đang tận lực
chận đứng dịch sốt xuất huyết đang bùng phát tại đảo quốc này. Họ cho
biết là từ đầu năm chỉ có 2 người chết, nhưng trong tuần qua con số
người nhiễm bệnh đã lên tới con số kỷ lục là 820 người. Chính phủ
Singapore hiện phân phát thuốc diệt muỗi đến từng gia đình và gia tăng
lực lượng kiểm tra dịch bệnh.
Theo một thông cáo báo chí vào đầu tuần này, giới chức y tế Singapore
cho biết là có hơn 9300 người nhiễm bệnh sốt xuất huyết trong năm nay
và sắp đạt mức 14 ngàn bệnh nhân của năm 2005, tức năm bộc pháp dữ dội
dịch sốt xuất huyết ở đảo quốc này.
Theo giới chuyên gia, tình hình ngày càng nghiêm trọng vì thời tiết
quá ấm, tạo môi trường thuận lợi để loài muỗi Aedes mang vi khuẩn sốt
xuất huyết sinh sôi nẩy nở rất nhanh chóng.
NHẬT BẢN THÀNH LẬP LỰC LƯỢNG TÁI CHIẾM CÁC ĐẢO Ở XA
Bộ quốc phòng Nhật Bản đang cân nhắc việc thành lập một lực lượng đặc
nhiệm, phụ trách tái chiếm các hòn đảo bị rơi vào tay các quốc gia đang
tranh chấp chủ quyền với Nhật. Theo giới quan sát viên quốc tế, ý định
này là nhằm đáp trả các tàu chiến Trung Cộng đang lảng vảng gần quần đảo
Sensaku của Nhật, nhưng Trung Cộng gọi là đảo Điếu Ngư, thuộc chủ quyền
của họ.
Hiện tại nước Nhật có một trung đoàn thủy quân lục chiến trú đóng ở
đảo Nagasaki, với nhiệm vụ bảo vệ những hòn đảo đang có tranh chấp. Tuy
nhiên thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố là cần phải gia tăng khả năng
của quân đội Nhật trong tình huống các hòn đảo đó bị tấn chiếm.
No comments:
Post a Comment