Thứ Năm, ngày 06.06.2013
Một trong những điều vô cùng
"chướng tai gai mắt" cho người dân một quốc gia bị thống trị bỡi cộng
sản là phải nghe những kẻ cầm quyền vô đạo đức lên mặt dạy đạo đức cho
tha nhân. Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của Đặng Chí Hùng với
tựa đề: "Lòng tin của ông thủ tướng" sẽ được Song Thập trình bày để kết
thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Trong ngày khai mạc của Shangri-La lần thứ 12, trước đông đủ quan
khách, ông thủ tướng của Việt Nam đã có một bài phát biểu với nội dung
chính là "Lòng tin là khởi nguồn của mọi quan hệ hữu nghị, hợp tác".
Thực chất, với trình độ của một y tá học trong trường rừng cộng với cái
cách đọc không rời mắt khỏi tập tài liệu thì người dân Việt ai cũng biết
bài diễn văn dài đó là do đội ngũ giúp việc đã soạn giùm thủ tướng. Tuy
nhiên, báo giới của đảng đã vội tung hô nó lên như một phát minh có thể
làm thay đổi thế giới. Điều này không có gì ngạc nhiên vì đảng cộng sản
vốn có truyền thống tự lăng xê mình. Nhưng điều đáng nói ở đây là điều
mà báo giới của đảng ca ngợi về nội dung chính của bài diễn văn lại là
một nghịch lý đối với ông thủ tướng.
Trong bài phát biểu của mình, Nguyễn Tấn Dũng đã nói: "Việt Nam chúng
tôi có câu thành ngữ: Mất lòng tin là mất tất cả". Đúng! Câu này thì
ông thủ tướng nói đúng, người Việt Nam vốn trọng chữ tín và sự thẳng
thắn. Nhưng câu nói này được xuất phát từ thủ tướng thì có vẻ không đúng
vì từ trước đến nay lòng tin của nhân dân đối với đảng cộng sản nói
chung và thủ tướng Dũng nói riêng đã hoàn toàn không còn.
Trước đây, ông Dũng tuyên bố tại lễ nhậm chức kỳ đầu tiên năm 2006:
"Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được
tham nhũng, tôi xin từ chức ngay". Nhưng trên thực tế, sau khi ông Dũng
nhậm chức thủ tướng thì bao nhiêu nghìn tỉ đã đội nón ra đi theo những
"quả đấm thép" của ngài thủ tướng khả kính? Hết Vinashin, lại đến
Vinaline và hàng loạt các tập đoàn sụp đổ. Đến ngay như "chủ trương lớn"
của đảng mà Dũng đích thân ký là dự án Boxit Tây nguyên ngày nay đã
thất bại hoàn toàn. Lạm phát phi mã từng ngày và thất nghiệp đến mức kỷ
lục. Nếu là một người giữ lời hứa, trọng lòng tin thì chắc Nguyễn Tấn
Dũng đã từ chức từ lâu và không cố đấm ăn xôi ngồi thêm cái ghế thủ
tướng nhiệm kỳ 2.
Thủ tướng cũng đã từng nói: "Là người đứng đầu, tôi xin nhận trách
nhiệm về Vinashin". Nhưng thật bất ngờ sau tuyên bố đó, Dũng chẳng hề
hấn gì và tiếp tục điệp khúc "Tôi sẽ chịu trách nhiệm và tiếp tục tại
vị...". Thật hài hước cho cái kiểu chịu trách nhiệm của ông thủ tướng.
Và cũng thật đáng buồn cho lòng tin mà ông thủ tướng nhắc đến tại
Shangri-La 12.
Cũng chính thủ tướng đã tuyên bố: "Phát huy quyền làm chủ của nhân
dân, thực hành dân chủ rộng rãi, nhất là dân chủ trực tiếp, xây dựng xã
hội đồng thuận, cởi mở". Vậy mà ông thủ tướng cho dựng lên vụ án nổi
tiếng "Hai bao cao su" để bức hại tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ vì tội "chống phá
nhà nước" mà đến nay những người yêu tự do, dân chủ trên khắp thế giới
đều cho rằng đó là sự ô nhục của luật pháp Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa
Việt Nam. Ông thủ tướng còn làm ngơ cho công an và an ninh thi nhau bắt
bớ người yêu nước biểu tình ôn hòa chống Trung cộng xâm lăng thì cái
"quyền làm chủ nhân dân" mà ngài thủ tướng đã nói chỉ là một thứ bỏ đi.
Và như vậy nhân dân Việt nam không thể tin vào niềm tin mà ông thủ tướng
đang hô hoán với thế giới nữa rồi.
Dũng cũng đã hai lần tuyên bố rất hùng hồn về vấn đề biển đông và Hoàng Sa - Trường Sa:
Lần đầu tiên, ông tuyên bố rất hùng hồn ở lễ hội biển Nha Trang về
việc Việt Nam có đầy đủ chủ quyền, kiên quyết bảo vệ ngư dân và chủ
quyền biển đảo. Rồi sau đó, tại quốc hội, ông lại tiếp tục khẳng định
hùng hồn về cái gọi là "chủ quyền không thể tranh cãi" của Việt Nam.
Nhưng trên thực tế, Trung cộng vẫn cắt cáp, vẫn o ép và bắt bớ ngư dân
ngay trên vùng biển Việt Nam mà không có phản ứng nào từ phía những cơ
quan nhà nước có trách nhiệm như cảnh sát biển, hải quân. Và chính thủ
tướng cũng không quên cho phép tòa án của đảng bỏ tù hai em sinh viên
Nguyên Kha - Phương Uyên chỉ với biểu ngữ "Tầu khựa cút khỏi biển Đông".
Vậy phải chăng những lời tuyên bố hào hùng ở Nha Trang và trước Quốc
Hội của ông thủ tướng chỉ là "lời nói gió bay"?
Trong việc mất đất của dân oan Đoàn Văn Vươn, cũng chính thủ tướng
tuyên bố phải xử nghiêm minh những kẻ cướp đất của gia đình anh Vươn.
Nhưng cũng những quan chức dưới quyền của ông kết án nặng nề cho anh
Vươn, còn những kẻ cướp là quan chức Tiên Lãng, Hải Phòng thì chỉ có một
cái án lấy lệ. Vậy phải chăng những gì thuộc về lòng tin đối với thủ
tướng chỉ là trò đùa?
Chỉ cần điểm qua những gì mà thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói và làm
thì nhân dân Việt Nam thấy rằng khác hẳn những gì ông tuyên bố. Điều đó
cho thấy, lòng tin là một khái niệm xa xỉ và chưa từng có ở thủ tướng.
Đối với dân tộc mình, ông thủ tướng và đảng của ông không thể đem lại
một chút lòng tin. Vậy thì ông thủ tướng đừng bao giờ tuyên bố về lòng
tin với người khác, chắc họ chẳng muốn tin ông đâu, và quan trọng hơn
cả, khi lòng tin của người dân đối với những người như ông thủ tướng và
đảng cộng sản đã mất từ lâu thì sớm muộn gì ông và đảng cũng sẽ trở
thành một thứ phế thải của lịch sử và niềm tin. Xin gửi lại đảng cộng
sản và thủ tướng một câu nói của chính một cựu đảng viên cộng sản gạo
cội, ông M. Gorbachev như lời kết của bài viết này "Cộng sản chỉ biết
tuyên truyền và nói dối".
Đặng Chí Hùng
No comments:
Post a Comment