GIỚI NHÂN QUYỀN CHỈ TRÍCH VIỆC THÁI LAN TRAO BẰNG TIẾN SĨ CHO TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG
Giới đấu tranh nhân quyền tại VN và trên thế giới đã gửi thư phản đối
việc đại học Thammasat của Thái Lan trao bằng tiến sĩ danh dự về chính
trị cho ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN.
Tờ Bangkok Post của Thái Lan loan tin là nhiều nhà đấu tranh nhân
quyền ở Á châu và Âu châu đã cùng ký tên vào một bức thư ngỏ, nội dung
phản đối việc trao bằng cho ông Trọng, với lý do là đảng CSVN đang gia
tăng đàn áp những người bất đồng chính kiến tại VN. Thư ngỏ nói rằng,
đảng CSVN cương quyết không cải tổ về chính trị và tiếp tục gia tăng đàn
áp các khát vọng về tự do và dân chủ của người dân Việt, biến VN thành
một trong những nước tồi tệ nhất về lãnh vực nhân quyền.
Thư ngỏ trích dẫn việc ông Trọng kêu gọi phải "xử lý" những người đòi
hủy bỏ quyền lãnh đạo độc tôn của đảng CSVN trong hiến pháp, và gọi
những người dân có ý muốn đó là "suy thoái về đạo đức, tư tưởng".
Giới quan sát viên cho rằng, việc phản đối này là một cái tát vào mặt
đảng CSVN, mặc dù buổi lễ trao bằng vẫn diễn ra vào ngày hôm qua. Lý do
là vào năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cũng được Thái Lan trao
mảnh bằng tương tự nhưng không bị phản đối, mặc dù ông Dũng được xem là
người chủ mưu trong việc bỏ tù Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ và hàng loạt các vụ
bắt giam những người bất đồng chính kiến khác.
HẢI QUÂN VIỆT – HOA TUẦN TRA HỖN HỢP Ở VỊNH BẮC BỘ
Hải quân VN và hải quân Trung Cộng đã điều động những chiến hạm hiện
đại nhất của hai nước trong chuyến tuần tra hỗn hợp lần thứ 15 tại vịnh
Bắc bộ. Đây là vùng biển mà người ta tin rằng đảng CSVN đã dâng nhượng
cho Trung Cộng đến hàng chục ngàn cây số vuông theo các thỏa ước bí mật
suốt 20 năm qua.
Trong chuyến tuần tra này, Hà Nội lần đầu tiên điều động 2 chiến hạm
Gepard mới nhất của mình, trong khi phía Trung Cộng đưa đến 2 khinh tốc
hạm Type 054A.
Trong khi đó thì giới tướng lãnh cao cấp Ấn Độ và Hoa Kỳ đã mở những
cuộc thảo luận về tình hình an ninh tại Biển Đông. Báo chí Ấn Độ cho
biết là Đô đốc Samuel Locklear, tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái bình dương,
đã có cuộc gặp gỡ Tổng tham mưu trưởng Ân Độ để thảo luận về những căng
thẳng ở Biển Đông, trước khi diễn ra cuộc đối thoại chiến lược Mỹ - Ấn
lần thứ 4.
Cần nói thêm là trong thời gian qua, hải quân Ấn đã nỗ lực đẩy nhanh
tiến trình hợp tác chiến lược với hải quân các nước như Nhật, Nam Hàn,
Singapore và cả Việt Nam nhằm đối phó với sự bành trướng của hải quân
Trung Cộng.
BẠO LOẠN NỔ RA Ở TẦN CƯƠNG – TRUNG QUỐC, 27 NGƯỜI THIỆT MẠNG
Giới truyền thông nhà nước Trung Cộng loan tin là 27 người bị thiệt
mạng trong một cuộc bạo loạn đẫm máu ở khu vực Turban thuộc Tân Cương
vào sáng hôm qua. Tân Hoa Xã cho biết là lực lượng công an đã nổ súng
vào đám đông khi những người này dùng dao kiếm tấn công vào một đồn công
an và một trụ sở công quyền. Cần nhắc lại, Tân Cương là một vùng đất
bất ổn suốt nhiều thập niên qua, vì chủ trương đòi độc lập của sắc tộc
Ngô Duy Nhĩ, chủ nhân nguyên thủy của vùng đất này. Vào năm 2009, gần
200 người, đa số là người Hán, đã thiệt mạng trong làn sóng bạo động tại
thủ phủ Urumqi. Vào tháng Tư vừa qua, một vụ đụng độ ở khu vực
Kashgar cũng khiến 21 người chết.
Theo Tân Hoa Xã thì vụ bạo loạn mới nhất diễn ra tại thị trấn Lukqun,
cách thủ phủ Urumqi 200 cây số về hướng đông nam. 9 công an đã bị người
dân chém chết, trước khi công an nổ súng bắn chết 18 người Duy Ngô Nhĩ.
Tuy nhiên Tân Hoa Xã không cho biết là nguyên nhân nào dẫn đến vụ bạo
loạn này.
NỮ THỦ TƯỚNG ÚC BỊ LẬT ĐỔ
Cựu thủ tướng Kevin Rudd đã làm một cú đảo chánh để lật đổ đương kim
thủ tướng Julia Gillard, nữ thủ tướng đầu tiên của nước Ùc và cũng là
người đã lật đổ ông Kevin Rudd vào 3 năm trước đây. Biến cố này đã tạo
thêm một tiền lệ chưa từng có trong lịch sử chính trường Úc, với hai thủ
tướng liên tiếp bị lật đổ trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Cần biết là ông Kevin đã lãnh đạo đảng Lao Động đánh bại liên đảng Tự
do – Quốc gia của thủ tướng John Howard trong cuộc tranh cử vào năm
2007. Nhưng chỉ 2 năm sau đó thì ông Rudd bị bà Julia Gillard, phó thủ
lãnh đảng Lao Động kiêm phó thủ tướng, lật đổ. Tuy nhiên, thay vì rút
lui khỏi chính trường, ông Rudd đã quyết chí ở lại để phục thù. Và mối
thù đã được trả vào tối hôm qua, khi ông Rudd được đa số dân biểu và
nghị sĩ Lao Động ủng hộ với 57 phiếu, so với 45 phiếu dành cho bà
Gillard.
Cần nói thêm là suốt nhiệm kỳ thủ tướng vừa qua, bà Gillard gặp nhiều
khốn đốn vì sự phân hóa trong nội bộ và những chính sách sai lầm của bà
khiến uy tín của bà và đảng Lao Động càng lúc càng xuống thấp. Theo các
thăm dò dư luận thì đảng Lao Động sẽ thảm bại nặng nề trong kỳ tranh cử
vào tháng 9 năm nay.
No comments:
Post a Comment