Tuesday, June 11, 2013

Chuyên mục: Nói với người Cộng Sản

Chủ Nhật, ngày 09.06.2013    
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do Tiến Văn biên soạn, qua giọng đọc của Dian ".
Kính thưa quí thính giả, thưa quí vị đảng viên lâu năm, thưa các bạn công an, bộ đội,
Như quí ví đang thấy Quốc Hội Việt Nam lại đang nhóm họp phiên thứ 05 của Quốc Hội thứ 13. Chắc hẳn tất cả chúng ta đều đã nghe rất nhiều đến những từ như "Quốc hội" và "Nghị viện", vậy hai từ này có gì khác nhau và bản chất của "Quốc hội" hay "Nghị viện" là gì?

Trước tiên, nói về thuật ngữ, "Quốc hội" và "Nghị viện" là hai thuật ngữ khác nhau nhưng cùng chỉ một vấn đề giống nhau. Vấn đề đó là một hoạt động tập thể - sự nhóm họp - có tính đại diện ở mức độ quốc gia của xã hội con người. Nhóm họp là một hoạt động qui tụ nhiều người khác nhau để trao đổi, bàn bạc, quyết định về một vấn đề chung nào đó; còn tính đại diện là những thành viên tham gia vào hoạt động đó không chỉ nhằm vào những mục đích của bản thân họ mà còn nhằm đạt được những yêu cầu, ý nguyện của những người không có mặt ở cuộc nhóm họp đó.
Về hoạt động tập thể thì con người từ rất xưa đã có rất nhiều hoạt động tập thể khác như săn bắn, hái lượm, vui chơi, tế lễ. Nhưng về hoạt động tập thể có tính đại diện thì có thể nói "Quốc hội" hay "Nghị viện" là một phát kiến chưa lâu lắm của loài người.
Nhưng tại sao phải đại diện và đại diện cho ai?
Ngược dòng lịch sử thì chúng ta thấy, khi xã hội loài người phát triển tới mức có những sinh hoạt chung với nhau thì nảy sinh một nhu cầu cần phải giải quyết cùng nhau những vấn đề liên đới tới cả cộng đồng. Ở mức độ số lượng người còn ít và mức độ lãnh thổ còn nhỏ thì việc cùng gặp nhau để trao đổi, giải quyết không phải là vấn đề khó khăn. Nhưng khi số lượng người càng nhiều lên và mức độ lãnh thổ càng rộng thêm thì việc tập trung tất cả những người liên quan trong cùng một lúc càng trở nên khó khăn hơn và sẽ không thể thực hiện được với một số lượng người lớn và sống tản mác.
Ví như số lượng người trong một quốc gia nói chung luôn là một số ít ra cũng vài triệu người và họ sống tản mác trên lãnh thổ hàng ngàn Km vuông, do đó việc tập trung tất cả người dân trong một quốc gia cùng một lúc để thảo luận, xem xét, quyết định một vấn đề chung nào đó là không thể thực hiện được. Nhưng mỗi con người văn minh đều có quyền được biết và được đóng góp tiếng nói (phản đối hay đồng ý) vào mọi vấn đề chung vì vậy để giải quyết sự mâu thuẫn giữa việc không thể tập trung trực tiếp tất cả mọi người và quyền của tất cả phải được tham dự vào vấn đề chung, loài người đã tìm ra cách chọn ra một số người đại diện cho toàn bộ số người trong xã hội.
Như vậy những người tham gia vào các phiên họp của "Quốc hội" hay "Nghị viện" hay còn gọi là đại biểu quốc hội, nghị viên hay dân biểu là những người đại diện cho một nhóm người nhất định trong xã hội. Và toàn bộ các thành viên của "Quốc hội" hay "Nghị viện" là một khối đại diện cho toàn dân. Đại diện tức là phải có bổn phận xướng lên và đấu tranh nhằm bảo vệ cho được những quyền lợi, ước vọng, yêu cầu từ những người mà mình đại diện.
Những nhóm họp có tính đại diện đó đã được ghi nhận từ rất xa xưa ở thời La Mã cổ đại cách đây hơn 2.000 năm hoặc đã thấy xuất hiện vào thời kỳ muộn hơn nữa vào thế kỷ thứ 10 sau công nguyên trong các bộ tộc của người phương Viking ở Bắc Âu.
Qua quá trình giao lưu, trao đổi và phát triển, loại hoạt động nhóm họp có tính đại diện đó đã hình thành có qui củ dần lên ở mức độ quốc gia lần đầu tiên là ở Anh Quốc vào khoảng thế kỷ thứ 13, 14 sau công nguyên. Rồi hoạt động nhóm họp tập thể có tính đại diện đó đã phát triển lan dần sang các quốc gia và nhiều vùng lãnh thổ khác, đặc biệt như Hoa Kỳ, Pháp và nhiều nước châu Âu khác trong thế kỷ 18, 19.
Vài trăm năm qua "Quốc hội", "Nghị viện" trên thế giới đã có những biến thiên, cải tiến và thay đổi cho phù hợp với đặc điểm về số lượng dân cư, văn hóa, tập quán lịch sử hay sự đa dạng về sắc tộc, quyền lợi trong mỗi quốc gia nhưng tựu trung lại các "Quốc hội" và "Nghị viện" đúng nghĩa đều luôn duy trì và ngày càng làm gia tăng tính chất đại diện thực sự cho quốc dân và tăng cường tính chất công khai của các cuộc thảo luận, tranh luận trong các kỳ họp của "Quốc hội" hay "Nghị viện".
Vậy làm sao để đảm bảo và gia tăng tính chất đại diện cho "Quốc hội"?
Điều kiện tối thiểu để đạt được yêu cầu này là phải có các cuộc tuyển cử tự do và công bình. Nghĩa là tối thiểu mọi công dân đều có quyền ứng cử để trở thành đại biểu quốc hội và cuộc bầu cử phải diễn ra trong môi trường báo chí không bị kiểm soát, ủy ban bầu cử phải là một ủy ban độc lập không bị đảng phái, cá nhân, tổ chức thao túng.
Còn để gia tăng tính chất công khai, mọi cuộc họp của "Quốc hội" tối thiểu phải được diễn ra dưới sự chứng kiến của báo chí, đặc biệt là báo chí tư nhân độc lập. Việc truyền hình trực tiếp hay không không phải là yếu tố quan trọng, điều quan trọng là phải có báo chí độc lập tham dự để phản ánh trung thực hoạt động của "Quốc hội", để tường trình cho quốc dân biết thực chất các đại biểu quốc hội làm việc ra sao và thực thi bổn phận đại diện cho quốc dân như thế nào trong các buổi nhóm họp.
Như vậy cho dù "Quốc Hội Việt Nam" gần đây đã có rất nhiều thay đổi như cho truyền hình trực tiếp một số phiên họp, ra nghị quyết về bỏ phiếu tín nhiệm hay thậm chí có một số đại biểu có những phát biểu làm hài lòng dư luận, nhưng nhìn vào những vấn đề cơ bản nhất của một "Quốc hội", "Nghị viện" như trình bày trên đây chúng ta có thể nhận định rằng "Quốc hội Việt Nam" hiện nay thực chất chỉ là một "Quốc hội" trá hình, chỉ là một cơ quan tay chân của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm che bớt đi bản chất độc tài của chính thể và nhằm gây phân tán, đánh lạc hướng dư luận hay reo rắc những trông đợi vô vọng cho công chúng.
Dian và Tiến Văn Kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại quí vị trong chương trình tuần tới.
Tiến Văn
(02/06/2013)

No comments:

Post a Comment