Thứ Sáu, ngày 14.06.2013
Cư xử dã man với dân, coi dân như
kẻ thù đã đẩy người dân vào thế đối đầu với cái chính quyền mà họ đã lập
nên. Càng lúc sự đối đầu ngày càng trầm trọng và tình trạng này chỉ dẫn
đến kết thúc là sự sụp đổ của chính quyền bất nhân khi toàn dân đã thức
tỉnh. Để tiếp nối chương trình hôm nay qua tiết mục Đất Nước Đứng Lên,
mời quý thính giả theo dõi bài viết:" Nhân dân đứng ngoài chính trị? "
của Thùy Linh qua sự trình bày của Nguyên Khải.
Phải khẳng định điều này: tất cả các cuộc khiếu kiện đất đai trên cả
nước nhiều năm nay, không có cuộc khiếu kiện nào, dù nhỏ lẻ do một cá
nhân lại không có màu sắc chính trị. Hiểu theo cách đơn giản nhất là khi
quyền lợi của họ bị xâm phạm, họ có quyền lên tiếng, đòi hỏi, thậm chí
là chống lại những bất công áp đặt của người khác lên quyền lợi đó. Một
cách tự nhiên, con người sinh ra, từ hơi hít hơi thở đầu tiên là mặc
nhiên được công nhận vào hệ thống vận hành của xã hội, chính thức tham
gia vào tổ chức chính trị nơi họ làm người.
Nếu nhà cầm quyền hiện tại ở Việt Nam coi chính trị chỉ là những hoạt
động xoay quanh vấn đề giành, giữ và sử dụng quyền lực nhà nước, thì
đương nhiên cuộc đấu tranh của người dân hiện nay đang đe dọa sự tồn
vong của chính thể đương thời. Và cuộc đấu tranh của những người dân mất
đất, mất không gian sống, lao động với những người có quyền tịch thu,
cưỡng chế, định đoạt mảnh đất của họ là cuộc đấu tranh giai cấp. Kẻ đi
cưỡng đoạt hầu hết xuất thân từ giai cấp cùng khổ, như nông dân bây giờ,
nhưng nhờ đặc quyền, họ đã trở thành giai cấp đối lập với người dân –
giai cấp mới, tư bản đỏ. "Màu sắc chính trị" của các đoàn khiếu kiện đất
đai mà ông Tổng thanh tra chính phủ đề nghị cưỡng chế thể hiện mâu
thuẫn sâu sắc cuộc chiến "ai thắng ai".
Trong cuộc chiến "ai thắng ai" về thực chất vẫn là cuộc đấu tranh
giai cấp: giai cấp vô sản bị bần cùng hóa, với giai cấp hữu sản nảy sinh
trong công cuộc xây dựng CNXH. Mục tiêu xóa bỏ bóc lột đến giờ đã có
thể khẳng định không thể thực hiện được mà lại càng làm trầm trọng hơn
sự cách biệt này. Nhưng nhiều tinh hoa, trí tuệ của giai cấp bóc lột xưa
không được thể hiện trong giai cấp mới này. Vì vậy, sử dụng mọi lợi thế
mà giai cấp mới có được nhờ quyền lực là phương cách để họ giải quyết
những vấn đề có "màu sắc chính trị" kể cả bằng bạo lực như ông tổng
thanh tra đã tuyên bố.
Trong cuộc chiến tranh giành độc lập, nền chính trị tuyên truyền sử
dụng hết công suất để huy động mọi nguồn lực xã hội cho các cuộc chiến
đấu. Và khi hòa bình, vẫn nền chính trị đó, hướng mũi nhọn vào sự đối
lập hình thành trong xã hội để bảo toàn quyền lực cho mình.
Đến giờ phiên tòa xét xử những tên côn đồ dùng vũ khí tấn công người
dân Văn Giang vẫn chưa kết thúc. Ai cũng tin rằng, những kẻ lưu manh đó
không có quan hệ kinh tế hay quyền lợi liên quan nào đến mảnh đất người
dân Văn Giang cố gìn giữ bằng cả máu của mình. Vậy tại sao chúng lại
ngang nhiên hành xử độc ác như vậy với dân Văn Giang? Ai đứng đằng sau
chúng? Ai cho phép chúng hành động trắng trợn như vậy? Câu hỏi này chính
quyền không muốn trả lời, không thể trả lời.
Tại Tiên Lãng (Hải Phòng), nơi vụ án Đoàn Văn Vươn còn chưa chìm
tiếng, thì ở xã Đại Thắng lại xảy ra việc Công ty cổ phần Hoa Thành thuê
hàng trăm côn đồ đánh dân trong khi cưỡng chế đất, làm 6 người bị
thương phải đi bệnh viện. Hệ thống chính trị tại địa phương dường như tê
liệt trước những việc này. Nếu "tính sổ" các vụ mà những người bất đồng
chính kiến bị khủng bố dưới mọi hình thức như ép chủ nhà cắt hợp đồng
thuê nhà; đuổi họ ra đường; đuổi việc; ném rắn vào nhà; đổ phân, nước
thải lên tường, mà điển hình là số phận của bốn bố con ông Hoàng Ngọc
Tuấn (ở Tam Kỳ); đón đầu đánh đập trên đường như vụ anh Nguyễn Chí Đức
gần đây,... thì nhiều không kể xiết. Những hành vị bạo lực đó chưa có ai
đứng ra nhận trách nhiệm? Cũng chưa có một cơ quan nhà nước nào điều
tra, lên án, bảo vệ an ninh cho công dân. Người dân bỗng dưng như bị đẩy
ra khỏi hệ thống chính trị mà theo lẽ tự nhiên, họ đã tham gia vào từ
khi lọt lòng.
Những vụ như kể trên có mang "màu sắc chính trị" không, thưa ông Huỳnh Phong Tranh? Và là nền chính trị nào, phục vụ ai?
Khi ông Tranh tuyên bố, chính quyền sẽ cưỡng chế các vụ khiếu kiện có
"màu sắc chính trị", thì khác gì đẩy người dân ra khỏi hệ thống chính
trị đất nước? Không lẽ chính trị là đặc quyền của các chính khách, những
người có quyền lực? Ta có thể hình dung, cảm nhận đau đớn tiếng kêu vô
vọng của người dân tuyệt vọng đến mức nào và còn "siêu tuyệt vọng" tới
đâu... Bởi không biết từ bao giờ, vì lẽ gì dân chúng đã bị "đẩy" ra
ngoài đời sống chính trị của đất nước nơi họ đang sống – một đất nước họ
đổ nhiều xương máu để dựng lên một chính thể phủ nhận quyền được sống
của họ?
Vẫn triết gia thời cổ đại viết: "Nếu có kẻ nào vì bản tính tự nhiên,
chứ không vì tai nạn ngẫu nhiên nào đó, mà chọn sống ở ngoài cộng đồng
chính trị, thì kẻ đó hoặc là chẳng ra gì, hoặc là một siêu nhân hơn
người". Thế nên dù mất mát, đau khổ, vô vọng thì người dân vẫn neo buộc
vào hệ thống chính trị bạo lực hiện nay, cái thứ được vận hành theo
nguyên tắc đặc quyền đặc lợi của những kẻ nắm trong tay quyền lực và
tiền lực và những cuộc khiếu kiện mang "màu sắc chính trị sẽ ngày càng
nhiều, cho dù họ đang bị đe dọa nhưng vẫn không thể làm khác được. Kết
quả đưa tới là trong hệ thống chính trị ấy sẽ sản sinh ra những hành
động được gọi là "màu sắc chính trị" của nhân dân vận hành theo cách dân
gian để chống lại nền chính trị đã bị giai cấp hóa, bạo lực hóa, đồng
tiền hóa, thậm chí lưu manh hóa... Đó là nền chính trị toàn dân thức
tỉnh.
Thùy Linh
No comments:
Post a Comment