Thứ Năm, ngày 13.06.2013
Ngày 10 tháng 6 vừa qua, quốc hội
Việt Nam đã có cuộc bỏ phiếu tin nhiệm 47 viên chức hàng đầu trong chính
phủ đương quyền, điều mà Hà Nội khoe khoang rằng đây là một bước ngoặt
quan trọng, thực thi quyền hành của quốc hội. Thực tế đây chỉ là một màn
kịch tẻ nhạt và lỗi thời, khi ý thức dân chủ của người dân đã tiến rất
xa. Mời quí thính giả nghe quan điểm của chúng tôi về sự kiện vừa diễn
ra qua giọng đọc của Hải Nguyên.
Thưa quí thính giả,
Ngày 10 tháng 6 vừa qua, đã diễn ra cuộc bỏ phiếu tín nhiệm 47 người
đang nắm giữ các chức vụ quan trọng trong chính quyền cộng sản tại Việt
Nam. Đây là lần đầu tiên quốc hội Việt Nam thi hành nghị quyết số 35, đã
thông qua từ tháng 11 năm 2012, ấn định việc hàng năm Quốc Hội bỏ phiếu
để đánh giá mức tín nhiệm những người đang nắm giữ các chức vụ quan
trọng trong chính phủ gồm cả hành pháp và lập pháp.
Qua nhiều ngày khua chiêng đánh trống, quảng bá cho việc bỏ phiếu của
quốc hội, xem đây là một biến cố quan trọng, một bước tiến dân chủ
ngoạn mục, một sáng kiến chói lọi của những đỉnh cao trí tuệ của đảng,
chứng tỏ cái quốc hội "đảng cử - dân bầu" có thực quyền kiểm soát chính
phủ, mang tính dân chủ cao, biểu hiện quyển lực thuộc về nhân dân, vân
vân và vân vân.
Đánh giá diễn biến này, đa số đồng bào quan tâm đến sinh hoạt chính
trị xã hội, những người sống trong lòng chế độ chẳng lấy gì làm hứng
thú, vì họ đã có quá nhiều kinh nghiệm, và biết rõ đường đi nước bước,
cùng những toan tính của Bô Chính Trị muốn gì khi bật đèn xanh cho diễn
ra sự kiện này.
Còn những quan sát viên quốc tế, và đối với đồng bào Việt Nam ở hải
ngoại, thì xem đây là một chuyện cũ như trái đất, biểu hiện sự chậm tiến
về ý thức dân chủ của các đại biểu nhân dân, khinh thường sự hiểu biết
của người dân, miệt thị hàng ngũ trí thức tiến bộ đã và đang tiếp cận
với những sinh hoạt dân chủ khắp nơi trên thế giới.
Thật tội nghiệp cho những cái loa tuyên truyền bị bưng tai che mắt ở
VN, nên hồ hởi cho rằng việc quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ là
một sáng kiến mới! Đúng vậy, đây là sự việc mới chỉ xảy ra ở Việt Nam
dưới chế độ độc tài đảng trị mà thôi. Trong khi nghị viện hay quốc hội
bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ đã có từ thời cổ đại rất xa xưa rồi.
Còn tại các quốc gia dân chủ tiến bộ thì chuyện tín nhiệm hay bất tín
nhiệm một viên chức, hay toàn bộ nội các chính phủ là chuyện diễn ra
hàng ngày, chẳng cần phải quảng bá tuyên truyền, học tập ầm ỹ gì. Chỉ
cần một tờ báo, hay một đài phát thanh, phát hình độc lập làm công việc
thu thập ý kiến của quần chúng là cả nước biết kết quả mức tín nhiệm đối
với cá nhân hay chính phủ đường quyền. Cách thức này còn chính xác và
vô tư gấp trăm lần cái trò bỏ phiếu tại quốc hội Việt Nam.
Đúng như những gì mà các nhà trí thức trong nước và những người theo
dõi thời cuộc nhận định, rằng mọi chuyện cũng vẫn như cũ mà thôi. Kết
quả công bố hôm 11 tháng 6 cho thấy cả 47 viên chức, mà báo chí VN gọi
là hồi hộp chờ đợi kết quả để biết số phận mình sẽ được định đoạt ra sao
trong cuộc bỏ phiếu, thì tất cả đã thở phào nhẹ nhõm, vì tất cả đều
được tín nhiệm, tuy có người nhiều, người ít. Rõ ràng là một màn kịch
nhạt nhẽo rẻ tiền.
Sự việc diễn ra chẳng có gì ngạc nhiên, vì 47 người trong danh sách
đều là đảng viên đảng CS, còn trên 90% đại biểu cái quốc hội đảng cử dân
bầu cũng là đảng viên, hay được đảng giới thiệu, vậy thì bỏ phiếu chỉ
là hình thức chiếu lệ, để nhắc nhau rằng chúng ta cùng hưởng, cùng ăn,
cùng chịu, tội gì lại phải chống nhau để cả hai đều mất phần.
Giả như có đồng chí nào dại dột làm điều sai trái lộ liễu quá không
thể che đậy được, thì cũng chỉ giơ cao đánh nhẹ, để khỏi bứt dây động
rừng, thiệt hại cả đám. Và nếu cần thay thế thì một đảng viên khác được
đôn lên để trám vào chỗ ấy, chứ đảng có mất mát gì đâu! Sự thiệt hại là
nhân dân mà thôi.
Qua việc quốc hội Việt Nam bỏ phiếu vừa rồi, chúng ta nhận thấy những
bế tắc tại Việt Nam mỗi lúc mỗi lớn dần, và không thấy có giải pháp hữu
hiệu nào. Từ tình trạng đất nước chậm tiến, lạc hậu, tham những tràn
lan, kinh tế khủng hoảng, nợ xấu chồng nhất, bất công xã hội rất nghiêm
trọng, giáo dục hoàn toàn mất định hướng, nguy cơ mất nước vào tay Trung
Cộng mỗi lúc mỗi rõ nét. Đây là hệ lụy tất yếu của tình trạng độc đảng,
kém tài, tham lam của tập đoàn lãnh đạo vừa tàn ác vừa gian xảo.
Thái độ người dân bất tín nhiệm vào đảng CS đã quá rõ ràng, đảng CS
cũng nhận ra điều đó, nên cố gắng thực hiện những màn kịch để lấy lại
niềm tin của quần chúng như việc làm của các đại biểu quốc hội bù nhìn
vừa qua, nhưng càng làm lộ rõ sự lúng túng, vá víu đầy gian trá của
đảng.
Nếu các đại biểu quốc hội thật sự là đại diện của dân, không bị coi
là bù nhìn, là nghị gật, là vật trang trí cho chế độ, thì hãy đứng về
phía nhân dân. Đó chính là thông điệp dứt khoát mà người dân muốn gửi
tới quốc hội Việt Nam vậy.
Cám ơn quí thính giả đã theo dõi quan điểm cuả chúng tôi.
LLDTCNTQ
No comments:
Post a Comment