Ngày 31.12.2011
Lời dẫn: Sự ra đi của cựu Tổng Thống Tiệp Vaclav Havel không chỉ là niềm thương tiếc cho dân tộc Tiệp mà là cả thế giới, đặc biệt là đối với những người Việt đối kháng với chế độ cộng sản Việt Nam. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài bình luận dưới đây của ông Trần Quốc Bảo, viết về con người có nhân cách lớn đó, qua sự trình bày của anh Song Thập.
Cựu Tổng Thống Cộng Hòa Tiệp, ông VACLAV HAVEL, qua đời vào hôm Chủ Nhật, 18 tháng 12, hưởng thọ 75 tuổi. Khác với cái chết của lãnh tụ cộng sản Bắc Hàn Kim Chính Nhật được dư luận thế giới bàn tán ồn ào, cái chết của ông Havel, sau họ Kim một ngày, đã chỉ được đề cập đến một cách tương đối khiêm tốn.
Thế nhưng, về mặt nhân cách và phẩm giá, thì hai người hoàn toàn trái ngược. Nếu Kim Chính Nhật được biết đến như một tên lãnh chúa, cai trị bằng bàn tay sắt, hưởng thụ cơm ngon rượu ngọt cho cá nhân, bất chấp sự đói khổ đọa đày của người dân, thì trái lại, ông Vaclav Havel được xem là một nhân vật vĩ đại. Ông đã kiên cường đấu tranh chống độc tài áp bức, nhưng luôn luôn chủ trương khoan hòa, nhân bản. Ông là một tấm gương sáng cho những ai đã và đang theo đuổi con đường mưu cầu hạnh phúc đích thực cho đồng bào mình.
Xuất thân là một kịch tác gia, ông Vaclav Havel đã tích cực tham gia đấu tranh chống lại chế độ cộng sản do Hồng quân Nga áp đặt trên đất nước Tiệp Khắc sau Đệ nhị Thế chiến. Là một trong những người soạn thảo bản Hiến chương 77 của Tiệp, ông bị cầm tù nhiều lần, tổng cộng hơn 5 năm. Thế nhưng, dù bị chế độ bạc đãi lúc thiếu thời, không cho học ngành đại học ưa thích, và bị giam cầm, quản chế lúc trưởng thành, ông Havel vẫn chủ trương "lấy sự thật và tình thương để chiến thắng dối trá và thù hận".
Chính vì quá trình đấu tranh kiên cường, nhưng với chủ trương khoan hòa, nên khi chế độ cộng sản bị sụp đổ vào năm 1989, ông Havel được cả hai thành phần: Đối lập lẫn cộng sản, bầu làm Tổng Thống nước Tiệp Khắc tự do. Cuộc chuyển đổi từ chế độ độc tài cộng sản qua dân chủ tại Tiệp Khắc dưới sự lãnh đạo của Vaclav Havel diễn ra tương đối hài hòa, không đổ máu, nên được mệnh danh là "Cuộc Cách Mạng Nhung". Và khi Tiệp Khắc tách ra làm 2 quốc gia riêng, ông được bầu làm tổng thống đầu tiên của nước Cộng Hòa Tiệp vào đầu năm 1993 và tái đắc nhiệm kỳ thứ 2, từ 1998 đến 2003.
Nhưng mặc dù là nguyên thủ quốc gia, ông Havel không phải lúc nào cũng hành xử theo quyền lợi đoản kỳ của Tiệp. Ông sẵn sàng đi ngược lại quyền lợi này nếu nó không phù hợp với lý tưởng mà ông ấp ủ. Ví dụ điển hình là quyết định của ông tiếp phái đoàn người Việt tự do năm 1995, bất chấp sự phản đối của một số quan chức chính phủ cho rằng làm vậy sẽ gây thiệt hại kinh tế.
Buổi tiếp kiến diễn ra ngày 5 tháng 9 năm 1995, nhân một số nhân vật lãnh đạo các đoàn thể chính trị, cộng đồng và tôn giáo của người Việt hải ngoại tham dự hội nghị "Kinh nghiệm dân chủ hóa Đông Âu" do Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam tổ chức tại Praha, thủ đô Cộng Hòa Tiệp. Có thể nói đây là buổi tiếp xúc chính thức đầu tiên của nguyên thủ một quốc gia với các đại diện người Việt tự do, đối kháng với chế độ Hà Nội. Vì vậy CSVN đã làm mọi cách để ngăn chận, kể cả việc dọa sẽ hủy bỏ các hiệp ước thương mại mà Phó thủ tướng Trần Đức Lương vừa ký kết trong chuyến viếng thăm Tiệp trước đó mấy tháng.
Trước áp lực của Hà Nội, một số công ty Tiệp đã vận động chính phủ can thiệp với Tổng Thống Havel hủy bỏ buổi tiếp kiến. Thế nhưng, ông Havel vẫn cương quyết duy trì cuộc gặp gỡ. Giải thích lập trường này, trong buổi hội kiến, ông đã khẳng định "là người đã trải qua thảm nạn cộng sản, tôi và nhân dân Tiệp cảm thông và ủng hộ việc làm của quý vị".
Khác với một số không nhỏ các chính khách ngoại quốc là những người ủng hộ công cuộc đấu tranh đòi dân chủ của dân tộc Việt vì nhu cầu kiếm phiếu hoặc vận động tài chánh cho quỹ tranh cử, nhưng ông Havel đã ủng hộ thuần tuý vì những nguyên tắc đạo đức của ông, dù sự ủng hộ này có đi ngược lại quyền lợi đoản kỳ của đất nước, cũng như có thể gây hệ lụy không tốt cho tương lai chính trị của ông.
Nhân cách của Ông Havel cũng thể hiện trong nhiều trường hợp khác. Vào năm 1991, với thành quả vang lừng của Cuộc Cách Mạng Nhung, ông là ứng viên hàng đầu trong số những người được đề cử nhận giải Nobel Hòa Bình năm đó. Thế nhưng ông Havel đã hết lòng vận động để Uỷ Ban Tuyển Chọn trao giải này cho bà Aung San Suu Kyi. Ông tuyên bố, nếu bà Suu Kyi được trao giải thì công cuộc vận động dân chủ của dân chúng Miến Điện sẽ thuận lợi hơn!
Sau này khi không còn tham chính, ông Havel vẫn tiếp tục ủng hộ công cuộc đấu tranh đòi dân chủ của nhân dân Việt Nam. Năm 2006, ông kêu gọi giới trí thức Tiệp ký tên ủng hộ khối 8406, và năm 2008, ông nhận lời làm cố vấn danh dự cho hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo Việt Nam.
Tổng thống Vaclav Havel qua đời, dân tộc Việt Nam mất đi một ân nhân quý báu, nhân loại mất đi một kẻ sĩ hiếm hoi.
Đòan Văn Khôi
No comments:
Post a Comment