Ngày 26.01.2012
Lời dẫn: Nếu so sánh về lợi tức đầu người thì người dân ở các nước cộng sản, hay hậu cộng sản, đều có lợi tức thấp hơn các nước không cộng sản. Nhưng cái họa cộng sản mà nhiều dân tộc trên thế giới phải gánh chịu là xuất phát từ đâu? Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài bình luận của Đà Giang, trả lời câu hỏi đó, qua sự trình bày của chị Thanh Bình.
Theo bảng thống kê chính thức của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (International Monetary Fund) vào năm 2011, tổng sản lượng nội địa, tính theo mãi lực tương xứng đầu người (purchasing power parity per capita) thì Hoa Kỳ, các nước Tây Âu và các nước Đông Á không cộng sản, là giàu có nhất. Các quốc gia cộng sản thì kém phát triển và lạc hậu nhất.
Theo thống kê này thì lợi tức đầu người tại Hoa Kỳ là 48 ngàn Mỹ kim; Đức Quốc là 38 ngàn; Pháp 35 ngàn; Đài Loan 38 ngàn; Nhật Bản 34 ngàn, Nam Hàn 32 ngàn; và Singapore là 60 ngàn Mỹ kim.
Trong khi đó, lợi tức đầu người tại Nga là 16 ngàn Mỹ kim; Trung Quốc 8,400; Việt Nam 3,350; Bắc Hàn và Cuba không có con số chính thức với Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, nhưng theo ước lượng của CIA năm 2009 thì Bắc Hàn 1,800 và Cuba 9,900 Mỹ kim.
Tại sao các nước theo cộng sản thì nghèo đói, trong khi các nước không bị ách cộng sản lại giàu mạnh? Tại sao Nga Sô là một quốc gia mênh mông, với nguồn tài nguyên vô tận, và được Đại đế Peter the Great canh tân từ thế kỷ 17, lại thua xa Nhật Bản, trong khi Nhật không có tài nguyên, và chỉ được Minh Trị Thiên Hoàng canh tân từ cuối thế kỷ 19?
Câu trả lời then chốt nằm nơi cuộc cách mạng CS Bolshevik tháng 10 năm 1917.
Hơn ai hết, đức Tăng thống Kirill đệ nhất của Chính thống giáo Nga, khi khuyên nhủ thủ tướng Nga Vladimir Putin nên thương thuyết và trao đổi nghiêm chỉnh với các giới đối lập, đã đưa ra nhận xét như sau:
"Nếu các cuộc biểu tình trước khi xảy ra cuộc cách mạng 1917 được giải quyết một cách hòa bình, không đưa đến cách mạng đổ máu và chiến tranh huynh đệ tương tàn thì nước Nga đã có một dân số hơn 300 triệu dân, có thể thách đố hoặc qua mặt Hoa Kỳ trên phương diện kinh tế... Vào thời điểm đó, chúng ta đã thất bại trong việc bảo tồn sự quân bình và trí tuệ. Chúng ta đã hủy diệt tổ quốc. Tại sao như thế? Vì các cuộc biểu tình, thông thường rất xứng đáng, đã bị các lực lượng chính trị tham quyền cố vị khai thác một cách khéo léo".
Ngược dòng lịch sử, nước Nga, dưới sự cai trị anh minh của đại đế Peter the Great (1672-1725) của triều đại Romanov, đã khai phá một đế quốc mênh mông và đã có những cải tổ theo mô thức Tây Âu về quân sự lẫn kinh tế.
Sau cuộc cách mạng 1905, với nhiều cuộc trỗi dậy của giới thợ thuyền, công nhân và quân đội, vương triều Romanov đã chấp nhận một thể chế quân chủ lập hiến giới hạn, một quốc hội và một chế độ đa đảng, qua hiến pháp năm 1906.
Tuy nhiên, sau khi thừa kế di sản của tổ tiên, Nga hoàng Nicholas đệ nhị quyết tâm tái thiết lập nền quân chủ chuyên chế tại Nga. Dưới áp lực các cuộc biểu tình, đình công bãi thị của dân chúng và giới thợ thuyền, Nga hoàng hứa sẽ ban hành các quyền tự do căn bản, trao quyền lập pháp và giám sát cho quốc hội. Tuy nhiên sau đó vương triều đã phản bội lời hứa.
Cuộc cách mạng Nga 1917 bùng nổ. Lúc đầu phe quốc hội thắng thế. Chính quyền lâm thời dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Kerensky, có khuynh hướng theo quốc hội chế, chiếm ưu thế. Tuy nhiên Kerensky không kiểm soát được các biến cố chính trị. Cuối cùng nhóm Bolshevik dưới sự lãnh đạo của Lenin cướp chính quyền vào tháng 10 năm 1917.
Khi chúng ta phân tích lời tuyên bố của đức Tăng thống Kirill đệ nhất, chúng ta sẽ thấy ngay rằng, nếu Nga hoàng Nicholas đệ nhị biết thương thuyết với các phe nhóm đối lập, dẫn đến một nền quân chủ lập hiến chân chính như tại Anh Quốc, thì Nga Sô đã không bị nhóm Bolshevik khai thác để cướp chính quyền, như đức Tăng thống ám chỉ.
Khi đó thì sẽ không có đảng Cộng sản Liên bang Sô viết, không có đảng Cộng sản Trung Quốc, không có đảng CSVN, không có đảng cộng sản Bắc Hàn, không có các đảng cộng sản Đông Âu, đảng cộng sản Cuba và các đảng cộng sản chư hầu Nga tại Trung Á.
Cũng theo lập luận của vị lãnh đạo tôn giáo này, thì với 300 triệu dân và mức lợi tức đổ đồng tương đương, Nga Sô đã là siêu cường ngang ngửa với Hoa Kỳ. Và nếu không có cộng sản, Trung Quốc đã có mức lợi tức đầu người tương đương với Đài Loan và nghiễm nhiên trở thành siêu cường đệ nhất thế giới. Tương tự như thế, Bắc Hàn lẽ ra đã có lợi tức bằng Nam Hàn và không bị nạn đói hoành hành mỗi năm như hiện nay. Các quốc gia Đông Âu có thể đã sánh kịp nền kinh tế Tây Âu. Và Việt Nam, với dân số 90 triệu có thể đạt mức lợi tức đầu người tương đương Nam Hàn hoặc Đài Loan, hoặc có thể là một cường quốc trên diễn đàn quốc tế, thay vì ngửa tay xin tiền viện trợ và chính quyền đã không thường xuyên bị sỉ nhục khi bị thế giới lên án về nhân quyền.
Đáng tiếc là việc cướp chính quyền của người Bolshevik đã thành công. Suốt gần một thế kỷ, các đảng cộng sản đã liên tiếp cai trị nhiều quốc gia bằng bàn tay sắt, tiêu diệt mọi hình thức đối lập chính trị, tàn phá xã hội dân sự, hủy họai đạo đức truyền thống, và xử dụng mọi mánh khóe gian xảo hầu duy trì chế độ.
Thế kỷ 21 là kỷ nguyên của sự đấu tranh sống còn quyết liệt, không phải giữa các dân tộc để giành đất sống như trong các thế kỷ đã qua. Trái lại, đây là kỷ nguyên đấu tranh sống còn giữa các dân tộc bất hạnh và một vài chế độ cộng sản còn rơi rớt lại của nhân lọai. Chắc chắn đảng CSVN sẽ thảm bại và Việt Nam sẽ vượt thắng, vươn lên, xứng đáng với chiều cao thật sự của dân tộc trên diễn đàn quốc tế.
Đà Giang
15/01/2012
No comments:
Post a Comment