CÔNG AN TRUNG CỘNG LẠI BẮN CHẾT MỘT NGƯỜI TÂY TẠNG
Một thanh niên Tây Tạng vừa bị công an Trung Cộng bắn chết ở tỉnh Tứ Xuyên, khi tham gia cuộc biểu tình phản đối nhà cầm quyền Trung Cộng bắt giữ một người về tội phân phát truyền đơn có nội dung kêu gọi đức Đạt lai Lạt ma về nước. Truyền đơn cũng khẳng định là làn sóng tự thiêu và biểu tình sẽ không ngừng lại, cho đến khi nào Tây Tạng được tự do.
Người thanh niên bị bắn chết là bạn thân của người đã in truyền đơn. Công an Trung Cộng đã nổ súng vào đoàn người đang tổ chức buổi thắp nền cầu nguyện. Nội vụ diễn ra tại huyện Nhưỡng Đường trong khu vực tự trị của người Tây Tạng ở tỉnh Tứ Xuyên. Nhà cầm quyền Bắc Kinh hiện thiết lập nhiều trạm kiểm soát trên các con đường dẫn đến khu vực để ngăn chận giới báo chí quốc tế.
ĐẢNG CỘNG SẢN CUBA THẢO LUẬN VỀ CẢI TỔ CHÍNH TRỊ
Đảng cộng sản Cuba đã triệu tập một hội nghị đặc biệt trong hai ngày nhằm thảo luận về các biện pháp cải tổ chính trị và kinh tế nhằm cứu vãn chế độ. Đây là hội nghị khoáng đại lần đầu tiên của đảng này, kể từ ngày thành lập.
Mấy ngày trước đó, chủ tịch nhà nước Cuba, ông Raul Castro, đưa ra lời cảnh báo với đảng cộng sản là nếu không thay đổi thì chế độ sẽ sụp đổ. Hội nghị này sẽ chú trọng đến việc mở cửa, cho phép tư nhân kinh doanh và trẻ hóa guồng máy đảng.
PHÁI BỘ Ả RẬP ĐÌNH CHỈ HOẠT ĐỘNG Ở SYRIA
Phái bộ Ả Rập có sứ mạng giám sát tình hình ở Syria sẽ ngưng hoạt động để chờ các quyết định mới, theo tuyên bố của vị tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập. Lý do là vì sự có mặt của phái bộ trong tháng qua đã làm gia tăng thêm cường độ bạo động tại Syria.
Trong khi chờ đợi, 110 thành viên trong tổng số 165 người của phái bộ này sẽ lưu lại Syria nhưng sẽ không làm gì cả. 55 người còn lại từ Saudi Arabia và một số nước khác đã rút lui khỏi Syria. Trong khi đó thì phe đối kháng ở Syria tiếp tục gọi phái bộ này là một con cọp giấy, đang bị chế độ Bashar Al-Assad lợi dụng tđể đàn áp dân chúng. Trong khi đó thì hội đồng bảo an LHQ vẫn đang thảo luận về một nghị quyết, nội dung yêu cầu Syria phải chấm dứt việc đàn áp dân chúng nhưng vấp phải sự chống đối của Nga và Trung Cộng, hai đồng minh thân thiết của chế độ Bashar Al-Asad.
CHÍNH PHỦ MIẾN MỞ CỬA CHO GIỚI ĐẦU TƯ THẾ GIỚI
Phát biểu tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới ở Davos, chính phủ Miến Điện loan báo là họ dự trù miễn thuế đến 8 năm cho các công ty ngoại quốc nhằm thu hút nguồn đầu tư của thế giới.
Bộ trưởng Kỹ nghệ Miến Điện, ông U Soe Thane, tuyên bố với báo chí là Miến có tiềm năng lớn về nguyên liệu, tài lực và nhất là nhiên liệu để giúp các công ty phát triển kinh doanh. Lời tuyên bố này đã được cộng đồng thế giới hoan nghênh. Cần biết là nền kinh tế Miến sẽ tăng trưởng 6% trong năm nay, và Miến Điện có vị trí rất thuận lợi để phát triển kinh tế vì nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Hiện khối Âu Châu cùng Hoa Kỳ đang gấp rút xem xét việc bãi bỏ các biện pháp phong tỏa kinh tế Miến.
KHỐI ÂU KIM SẼ GIA TĂNG KIỂM SOÁT NGÂN SÁCH CỦA HY LẠP
Một dự thảo của chính phủ Đức cho thấy là khối Âu kim đang lo sợ cuộc khủng hoảng nợ nần ở Hy Lạp có thể trầm trọng hơn dự tưởng của mọi người, và khối này không tin là Hy Lạp sẽ giải quyết nổi nếu không có sự trợ giúp từ bên ngoài.
Bản dự thảo đề nghị chỉ định một ủy viên đến giám sát kinh tế và ngân sách Hy Lạp. Theo giới quan sát viên thì đây sẽ là một tiền lệ can thiệp trắng trợn vào chủ quyền quốc gia của một thành viên trong khối. Chính phủ Hy Lạp cho rằng đó là một quyết định "bệnh hoạn". Hiện các chuyên viên tài chính của khối Âu Kim và Hy Lạp đang thương thuyết để tìm ra biện pháp tăng thuế và giảm chi tiêu của Hy Lạp. Nếu không đạt được thỏa thuận, Hy Lạp sẽ lâm vào cảnh vỡ nợ.
No comments:
Post a Comment