Tuesday, January 17, 2012

VỤ ÁN CỐNG RỘC: KHI NÔNG DÂN BỊ TƯỚC TƯ LIỆU SẢN XUẤT

Ngày 16.01.2012     

Lời dẫn: Câu chuyện bi thảm của gia đình anh Đào Văn Vươn không phải là chuyện cá biệt trên đất nước VN dưới chế độ chuyên chính vô sản. Gần 500 ngàn gia đình khác cũng bị đẩy vào đường cùng khi bị tước đoạt đất đai, tức tư liệu sản xuất, suốt mấy thập niên qua. Chúng tôi xin gửi đến quý thính bài viết dưới đây của ông Đào Tuấn, nói về vụ án Cống Rộc ở Hải Phòng, qua sự trình bày của chị Dian.
Khi viết "Bước đường cùng", nhà văn Nguyễn Công Hoan "đẩy" nhân vật chính, anh Pha, vào thế bị bần cùng hóa, chẳng còn gì để mất. Và 83 năm trước đây, trong đời thật, anh em nhà Mười Chức, cũng trong thế bước đường cùng, đã đổi 5 mạng sống của gia đình, trong đó có một người thậm chí chưa kịp được sinh ra, để giữ đất, cũng là lẽ sinh tồn, trong vụ án đồng Nọc Nạn nổi tiếng, xảy ra vào năm 1928 tại Bạc Liêu.

Có lẽ khi đặt mìn, cài bình gas, và xả súng tự chế vào nhà chức trách hôm 5 tháng Giêng, anh em nhà họ Đoàn cũng ý thức được hậu quả mà hành vi của mình mang lại.
Nhưng vì sao cả Pha, cả anh em Mười Chức, và gần đây nhất là Đoàn Văn Vươn sẵn sàng đánh đổi với cái giá quá đắt đến như vậy? Câu trả lời thực ra không khó. Họ đã bị đẩy đến bước đường cùng. Như 300 ngàn gia đình nông dân ở đồng bằng Sông Hồng , 100 ngàn gia đình nông dân ở vùng nghèo khó Đông Nam bộ và hàng trăm ngàn gia đình khác trên khắp dải đất chữ S này.
Mất đất, có nghĩa là mất tư liệu sản xuất. Mất tư liệu sản xuất, đối với nông dân, là mất tất cả. Mất tất cả, có nghĩa là chẳng còn gì để đổi ngoài mạng sống. Có người cho rằng đây là điều bất đắc dĩ. Bất đắc dĩ dẫn đến manh động, đến bạo lực. Nhưng trường hợp Đoàn Văn Vươn có lẽ sẽ rất oan khi cho rằng đây chỉ là chuyện bất đắc dĩ. Xin trích một đoạn phóng sự sau đây:
Năm 1980, cuộc chinh phục biển cả của Đoàn Văn Vươn bắt đầu bằng những gánh đất "quăng" xuống biển. Có người bảo "Vươn dại như con vích". Có người thách đố Vươn. Người khác bảo anh mạo hiểm khi dám thách thức thần biển. Người đàn ông của đất Hải tần phòng thủ bấy giờ đã nói đầy tự tin: "Người thách đấu tôi không sợ. Chỉ sợ Trời thách đố tôi thôi". Từng hạt đất bám trụ. Từng viên đá trơ gan. 20 năm qua, 20 ngàn thước khối đất đá đã được đổ ra biển để sú, vẹt có chỗ bám chân, để con tôm, con cá có chỗ sống, và để con người có kế sinh khai, có cái mà hy vọng. Và, với không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, và có lẽ cả máu nữa, công việc tưởng chừng như dã tràng xe cát rút cục cũng đã giúp Đoàn Văn Vươn tạo lập một cơ ngơi 40 mẫu đầm nuôi trồng thủy sản. Đoàn Văn Vươn sợ Trời. Nhưng xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều.
Đó là những nét chính về Đoàn Văn Vươn, và công cuộc trường trinh lấn biển của anh, trong bài báo "Kỳ tài đất Tiên Lãng và cuộc chinh phục lời nguyền của biển", được đăng tải trên tờ Đời sống và Pháp luật, 14 tháng trước khi Vươn và những anh em của mình đặt mìn, nổ súng vào nhà chức trách để giữ đất.
Nhưng càng thắng Thiên, họ Đoàn càng nợ nần, càng lệ thuộc vào "tư liệu sản xuất", vừa là sinh kế, vừa là món nợ vật chất có thể sẽ phải "di truyền" sang đời con cháu nếu họ Đoàn, một người nông dân, mất sạch tư liệu sản xuất. Sự cùng quẫn cũng là câu trả lời việc một quân nhân phục viên, một kỹ sư nông nghiệp, một người nông dân cả đời bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, lại quyết liệt và bạo lực đến như vậy.
Tất cả mồ hôi công sức của Đoàn Văn Vươn và gia đình bị thu hồi khi thời hạn cho thuê 20 năm đã hết. 20 năm để có một sinh kế. Và 20 năm cũng là thời hạn tối đa mà Nhà nước cho thuê đất. Không phải là ngẫu nhiên mà Hội Nông Dân không ít lần đề nghị Nhà nước sửa đổi Luật đất đai, giao quyền sử dụng lâu dài cho nông dân từ 20 năm lên 50 hay 70 năm. Khi người nông dân đã phải nói "lên bờ (tức mất ruộng đất) chỉ có chết thôi", "lên bờ không thể sống bằng cái gì được, nhà cửa không có", thì rõ ràng là chính quyền địa phương đã đẩy họ đến cái thế "phải quằn".
Có hai kỷ lục về câu chuyện mất đất được nói đến trong thời gian gần đây. Ở Đà Nẵng, có trên 40 ngàn nông gia bị mất đất do phải di dời, giải tỏa. Ở Bắc Ninh, một tỉnh có diện tích nhỏ nhất nước, sau 10 năm "trải thảm đỏ", 3 ngàn mẫu đất nông nghiệp bị thu hồi. Việc "cứ 5 hộ dân thì có 1 hộ mất đất canh tác", "có những thôn xóm mà 90 đến 95% diện tích đất nông nghiệp bị khai tử"", có lẽ cũng là một kỷ lục khác.
Website Hội Nông Dân Việt Nam vào đầu năm nay đưa ra các con số: vùng sông Hồng có số gia đình bị thu hồi lớn nhất với khoảng 300 ngàn gia đình. Vùng Đông Nam bộ cũng khoảng trên 100 ngàn gia đình. Hai địa phương bị thu hồi đất lớn nhất là Hà Nội với 138 ngàn gia đình, và Sài Gòn có 52 ngàn gia đình. Theo cách tính toán khá chi li của bộ nông nghiệp VN, mỗi mẫu đất thu hồi ảnh hưởng đến 10 lao động nông nghiệp. Như vậy, việc thu hồi đất nông nghiệp trong 5 năm đã làm đời sống của 2 triệu rưởi người bị lung lay.
Mất đất có nghĩa là mất tư liệu sản xuất. Mất tư liệu sản xuất là mất chiếc cần câu cơm. Có nghĩa là mất hết. Suy cho cùng, chết vì đói có khi còn khốn khổ hơn chết vì súng đạn. Đoàn Văn Vươn chỉ manh động hơn 500 ngàn nông gia khác là vì anh và gia đình đã bị đẩy vào sự cùng quẫn, phải chịu ở mức độ nặng nề hơn, với lối đòi đất không khác gì tước đoạt.
Cuối bài báo đăng cách đây 14 tháng, nhà báo Quang Trung đã viết câu cuối, như một dự cảm đầy bất an "Phía xa hình như đang có một cơn dông". Đoàn Văn Vươn có thể thắng Thiên. Nhưng có lẽ anh không thể đo được độ nông sâu của lòng người, không thể lường hết được sự tàn nhẫn và trắng trợn!
Đào Tuấn

No comments:

Post a Comment