Ngày 13.01.2012
Lời dẫn: Có vẻ như đảng cộng sản VN nhận thấy chiêu bài "nhân dân" không còn ăn khách nữa nên muốn trở về với các tên gọi đúng nghĩa của các cơ quan hành chính. Nhưng việc cải tên đó chỉ là hình thức vì quyền lực vẫn nằm trong tay đảng cộng sản. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài quan điểm dưới đây của LLDTCNTQ, có tựa đề "Dám làm dám chịu", qua sự trình bày của anh Hải Nguyên.
Trong thời gian qua, một số địa phương đã đưa ra những đề nghị thay đổi tên gọi một số cơ quan cho đúng với chức năng của chúng. Chẳng hạn như nhà cầm quyền Đà Nẵng và Sài Gòn đề nghị đổi tên ủy ban nhân dân thành "ủy ban hành chính", và chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố thì gọi là "thị trưởng". Riêng viện kiểm sát nhân dân thì đề nghị đổi tên thành "viện công tố".
Những đề nghị này khá hợp lý vì đó chính là chức năng của chúng. Nhưng chắc chắn sẽ khó được bộ chính trị và ban tuyên giáo trung ương chấp thuận vì đụng chạm đến chiêu bài "nhân dân" mà đảng đã lập lờ đánh lận con đen suốt 7 thập niên qua, nhằm chứng tỏ cho thế giới thấy rằng chế độ của mình là dân chủ.
Điều mỉa mai là khi nhân dân tụ tập khiếu kiện trước trụ sở các ủy ban đó thì lại được đón tiếp bằng một giàn "công an nhân dân" trang bị bằng dùi cui, súng điện hay các khẩu AK, và sẵn sàng tống nhân dân lên xe bít bùng để chở đi mất tích. Nhưng điều mỉa mai hơn nữa là điều 4 hiến pháp qui định đảng cộng sản là lực lượng lãnh đạo duy nhất, nhưng đảng không ra mặt nắm giữ guồng máy điều hành mà lại núp dưới cái dù "nhà nước" hay "nhân dân".
Thực tế cho thấy là mọi quyết định hay chính sách của cái gọi là "nhà nước" đều dựa trên các nghị quyết của đảng. Bất cứ quan chức nào, từ thủ tướng cho đến chủ tịch xã, mỗi khi mở miệng về vấn đề gì đều nhấn mạnh đến chủ trương và nghị quyết của đảng. Chẳng hạn như khi mới đắc cử nhiệm kỳ nhì, ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có ngay bài diễn văn đọc trước quốc hội, mà nội dung là sẽ triển khai 3 khâu đột phá chiến lược theo nghị quyết của đại hội đảng kỳ thứ 11.
Như thế thì đảng đã đặt "cái cày trước con trâu". Quốc hội hay hội đồng nhân dân chỉ có nhiệm vụ thông qua hay triển khai các nghị quyết của đảng. Tệ hơn nữa là sau khi diễn xong màn kịch "đảng cử dân bầu" thì việc cách chức hay kỷ luật các quan chức bê bối là tùy thuộc nơi đảng, chứ không phải quốc hội. Điển hình là việc bộ chính trị ra quyết định không kỷ luật một quan chức nào trong vụ phá sản của Vinashin.
Chính vì thế việc duy trì hai guồng máy song hành "đảng và nhà nước" chỉ làm cho bộ máy hành chánh trở nên cồng kềnh và vô cùng hao tốn cho công quỹ. Tại sao không sát nhập làm một, vì đảng cũng có đầy đủ ban bệ từ trung ương xuống đến địa phương, và cứ 5 năm thì lại thay máu một lần qua cái gọi là "đại hội đảng"? Không đúng hay sao? Nhà nước có quốc hội thì đảng có ban chấp hành trung ương. Quốc hội có ủy ban thường vụ thì đảng có bộ chính trị. Nhà nước có các ủy ban nhân dân địa phương thì đảng cũng có các cấp đảng ủy tương tự. Chính phủ có ban thanh tra thì đảng cũng có một ban kiểm tra trung ương.
Và mặc dù không ai biết rõ trong nội bộ của đảng đã đấu đá ra sao để giành ghế trong đảng ủy các cấp, nhưng không cần chờ đến khi có kết quả bầu cử, người dân và thế giới đều biết chính xác ai sẽ lên nắm những ghế nào trong guồng máy nhà nước. Vì theo thông lệ thì ông bí thư đảng ủy thì sẽ làm chủ tịch hội đồng nhân dân, trong khi ông phó bí thư sẽ nắm ghế chủ tịch ủy ban nhân dân.
Đúng là một hệ thống quá chồng chéo và khó qui kết trách nhiệm. Nhưng không hiểu là vì nhận thấy sự nhập nhằng đo, hay là vì muốn thu tóm quyền lực theo đề nghị của ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, mà nhà cầm quyền thành phố Hà Nội vào ngày 4/1 vừa qua đưa ra đề nghị là người nào nắm ghế bí thư đảng ủy sẽ nắm luôn ghế chủ tịch ủy ban hành chính.
Đề nghị này rất đúng, nhất là khi chế độ đang thí điểm việc dẹp bỏ các hội đồng nhân dân. Đã đến lúc đảng phải có dũng khí để công khai đảm nhận các chức vụ điều hành nhà nước. Tổng bí thư đảng sẽ nắm ghế thủ tướng, các ủy viên bộ chính trị sẽ là các bộ trưởng và ban chấp hành trung ương đảng chính là quốc hội. Khi đó thì mọi nghị quyết của đảng cộng sản sẽ trở thành quốc sách, khỏi mất thời giờ chờ quốc hội thông qua. Nếu thành công thì là "thiên tài đảng ta" và nếu thất bại thì phải thú nhận là "muôn sự tại ta", chứ không thể đổ thừa cho các điều kiện khách quan, các thế lực thù địch hay những bất cập trong cơ chế.
Nhưng quan trọng hơn hết là việc sát nhập "đảng và nhà nước" sẽ giúp ích rất nhiều cho người dân. Trước hết là đỡ tốn thời giờ đi bầu cử và mất công suy nghĩ phải bỏ phiếu cho ai. Thứ hai là sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều cho công quỹ, và có thể tăng lương gấp đôi cho các quan chức đảng viên để "đẩy lùi quốc nạn tham nhũng". Và cuối cùng là người dân biết rõ ai phải chịu trách nhiệm về các vấn nạn của đất nước.
Nếu đảng cộng sản không có đủ dũng khí để "dám làm dám chịu" thì nên tự giải tán để người dân có cơ hội bầu lên một chính quyền thật sự biết lo cho dân cho nước, chứ cứ loay hoay chỉnh đốn hay "sửa đổi cơ chế" thì biết đến bao giờ mới đuổi kịp các nước láng giềng?
LLDTCNTQ
No comments:
Post a Comment