Ngày 30.01.2012
Lời dẫn: Vào cuối năm ngoái, đã có hai biến động diễn ra ở Hoa Lục và Việt Nam. Cả hai vụ đều liên quan đến việc các quan chức cướp đoạt ruộng đất của nông dân. Đây là những dấu hiệu cho thấy sức chịu đựng của người dân đã vượt quá giới hạn, và không còn chọn lựa nào khác là phải vùng lên. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài quan điểm có tựa đề "Ô Khảm và Đoàn Văn Vươn" của LLDTCNTQ, qua sự trình bày của anh Hải Nguyên.
Sau 5 tháng kiên trì tranh đấu, vào những ngày cuối năm Tân Mão 2011, người dân ở xã Ô Khảm tỉnh Quảng Đông, đã đạt được một số chiến thắng ban đầu, khi nhà cầm quyền tỉnh Quảng Đông phải bổ nhiệm một người cầm đầu cuộc nổi dậy vào chiếc ghế bí thư xã Ô Khảm, để sắp xếp lại guồng máy quan chức của xã này.
Đây là kết quả một cuộc tranh đấu khá căng thẳng chứ không ôn hòa. Một người cầm đầu đã bị công an bắt đưa về đồn và tra tấn đến chết. Ngay sau đó thì các quan chức của xã bị người dân đuổi đánh hay bắt giữ. Hàng ngàn công an và bộ đội đã bao vây phong tỏa ngôi làng suốt mấy tuần lễ liền. Nhưng sự đoàn kết và tinh thần quyết chiến để đòi lại đất đai và công lý của hơn 10 ngàn nông dân đã giúp cho họ chiến thắng.
Ngọn lửa Ô Khảm hiện đang cháy lan sang nhiều vùng đất khác trong tỉnh Quảng Đông, điển hình là làng Hoàng Khương, cách đó vài trăm cây số. Người ta tin rằng sẽ có nhiều làng xã khác nữa sẽ noi gương Ô Khảm trong năm nay. Tất cả đều phát khởi từ tình trạng nông dân bị áp bức, bị cướp giật đất đai bởi giới cường hào ác bá cộng sản.
Có nghĩa là bối cảnh Trung Hoa và Việt Nam giống hệt nhau. Chủ nghĩa cộng sản đã biến thành chủ nghĩa tư bản hoang dại, với đất đai là phương tiện làm giàu của giới đảng viên có chức có quyền. Trung Cộng đang sa lầy ở thị trường bất động sản thì Việt Nam cũng lâm vào cảnh đóng băng trong ngành địa ốc. Hàng chục ngàn khu đất đang bị bỏ hoang, trong khi hàng trăm ngàn nông dân không có đất canh tác hay bị di dời đến những vùng "chó ăn đá gà ăn sỏi".
Các vụ cướp đoạt đất đai tràn lan đang dẫn đến tình trạng "tức nước vỡ bờ", làm tràn ly căm phẫn của những nông dân đã đổ mồ hôi sôi nước mắt trên những miếng đất do chính gia đình họ khai khẩn hay làm chủ từ nhiều thế hệ qua. Trái bom Ô Khảm đã nổ tung ở Hoa Lục. Và vụ nổ súng ở Tiên Lãng là dấu hiệu khởi đầu cho một cuộc cách mạng mới của giới nông dân, những người đã nhẹ dạ cả tin vào cái bánh vẽ "giai cấp công nông" mà đảng cộng sản tự xưng là đại diện.
Tinh thần quyết chiến của người dân Ô Khảm đã gây xúc động trong dư luận. Nhưng câu nói của anh Đoàn Văn Quí, người trực tiếp chỉ huy các anh em mình nổ súng vào lực lượng cưỡng chế, đã khiến cho người ta ngậm ngùi hơn. Khi quyết định phản kháng, anh Quí biết rằng mình sẽ chết nhưng khẳng khái nói rằng cái chết của mình sẽ cứu sống được nhiều người khác đang bị đẩy vào tuyệt lộ như gia đình mình.
Và anh Quí có lẽ đạt được ước vọng đó. Tiếng súng và trái bom của anh đã gây chấn động trên toàn quốc. Anh không những giúp được hàng xóm láng giềng của anh thoát cảnh cưỡng chế, mà còn giúp cho bà Trần Ngọc Sương, giám đốc Nông trường Sông Hậu, thoát cảnh tù tội trong khi đang bệnh hoạn. Nhưng đáng nói hơn hết là anh đang giúp cho nhiều nông dân khác, ở khắp mọi miền đất nước, có thêm ý chí để đòi lại công lý cho chính mình.
Ngược lại thì đồng bào khắp nơi đã không bỏ rơi gia đình anh Quí. Hàng trăm triệu đồng đã được gửi đến những phụ nữ và con thơ của gia đình họ Đoàn trong những ngày gần Tết. Giới báo chí "lề đảng", ngoại trừ các tờ báo sắt máu như Công an và Quân đội, đều đồng loạt lên tiếng bênh vực cho gia đình họ Đoàn, đồng thời vạch trần những hành vi sai trái của giới quan chức Hải Phòng.
Thế nhưng, các anh em họ Đoàn sẽ khó có được cái kết cuộc tốt đẹp như trong vụ án Đồng Nọc Nạn của thời thực dân Pháp. Lý do là phiên tòa sắp tới sẽ không có được những vị chánh án công minh ngồi xét xử, như 84 năm trước đây, mặc dù đang có rất nhiều luật sư nổi tiếng nhận bào chữa cho họ. Tệ hơn nữa là các bản án và những tội danh đã được hoạch định ở đâu đó, mà tòa án VN chỉ là nơi để chế độ công bố mức trừng phạt của họ.
Và đó là cung cách hành xử của một chế độ coi dân như rơm rác, chứ không phải là vì dân. Nếu thật sự là vì dân thì ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang phải đến thăm hỏi gia đình anh Đoàn Văn Vươn trong dịp Tết, hay ít nhất cũng phải đưa ra một vài lời nhận xét về vụ án đang khiến dư luận sôi sục. Nhưng hoàn toàn không! Các quan chức lãnh đạo bình thản chúc tụng nhau, cụng ly cụng chén trong cung đình, trong khi những phụ nữ và trẻ con phải đi dựng lều để ở trong ngày mồng một Tết, trên cái nền cũ của căn nhà bị san bằng sau vụ cưỡng chế.
Một chế độ mà những người lãnh đạo vô cảm trước nỗi đau của dân lành như thế thì trách sao cấp dưới không có những hành vi tàn ác với dân?
Cái chế độ đó đã đến lúc phải cáo chung. Dân tộc VN không thể cúi đầu mãi trước những người lãnh đạo bất xứng và bất tài như thế. Đã đến lúc toàn dân Việt phải đứng lên đòi lại quyền lãnh đạo từ tay đảng cộng sản để mang lại công lý cho những con người lam lũ như gia đình anh Vươn!
LLDTCNTQ
No comments:
Post a Comment