Ngày 18.01.2012
Lời dẫn của HS: Trước làn sóng người dân tấn công lực lượng thi hành công lực, một số trí thức của đảng đã mổ xẻ vấn đề nhưng cố tình né tránh những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng đó. Một trong những người đó 1à ông phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Ngọc Điện. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài quan điểm có tựa đề "An bình và an ninh" của LLDTCNTQ, qua sự trình bày của anh Hải Nguyên.
Sau vụ nổ súng làm bị thương 6 công an và bộ đội ở huyện Tiên Lãng tỉnh Thái Bình, cũng như vụ nổ bom tại nhà ông giám đốc công an tỉnh Thái Bình, trên tờ Tuổi Trẻ có bài viết của ông phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Ngọc Điện, có tựa đề "Không để cái xấu, cái ác lộng hành".
Nội dung bài viết cho rằng sự gia tăng các vụ tấn công nhân viên công lực trong thời gian qua đang khiến cho người dân có tâm lý bất an. Ông Điện giảng giải là con người cũng là một động vật nên có "xu hướng tự nhiên" là hành động theo bản năng, dẫn đến chuyện cãi cọ và xung đột bằng bạo lực. Chính vì thế mà luật pháp được đặt ra để kiềm chế, ngăn chận sự hoành hành của bản năng ấy. Và luật pháp được thực hiện bằng sức mạnh "cưỡng chế" của bộ máy nhà nước.
Do đó theo ông Điện thì mọi người phải ứng xử theo đúng pháp luật, và bất cứ vi phạm thì phải bị xử phạt đúng theo luật pháp. Nhưng điều tối cần thiết, theo ông Điện, là các cơ quan thực thi pháp luật phải thực hiện nhiệm vụ được giao phó một cách hiệu quả. Lý do là vì những kẻ muốn phạm tội sẽ sợ hãi trước quyền uy và sức mạnh trấn áp của giới thi hành công lực, thể hiện qua những vụ "xử lý kịp thời, đến nơi đến chốn và mang tính răn đe cao". Vì thế ông kêu gọi giới hữu trách phải tích cực, tận tụy với công việc, luôn chủ động đối phó và ngăn chận những vụ vi phạm pháp luật, đặc biệt là "kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác".
Tất cả những điểm mà ông tiến sĩ Điện viết ra đều không sai, nhưng hoàn toàn đứng dưới lăng kính của những người đang nắm quyền lực trong tay. Không ai phủ nhận rằng luật pháp được đặt ra là nhằm mang đến sự ổn định cho xã hội. Và luật pháp hay luật lệ đã được hình thành ngay khi con người chung sống thành bầy đàn hay bộ tộc, chứ không phải chờ đến khi hình thành quốc gia thì mới có luật. Thế nhưng không phải cứ có một rừng luật, kèm với những hình phạt thật nặng nề như án tử hình hay vô số những lệnh cấm, là xã hội sẽ an bình và người dân cảm thấy có an ninh.
Có an ninh hay an bình hay không là một ý thức hai chiều, không chỉ trong tinh thần tôn trọng luật pháp mà còn là sự tôn trọng lẫn nhau giữa người với người và giữa giới quan lại với thường dân, tức giữa người thống trị và người bị trị. Chính vì thế ở các xứ pháp trị thật sự, mặc dù người dân không ưa thích giới công quyền và cảnh sát nhưng họ vẫn kính trọng những người đó. Ngược lại thì hai giới đó luôn tỏ ra lễ độ với người dân vì biết rằng mình lãnh lương từ tiền thuế của dân với nhiệm vụ là mang lại an ninh trật tự cho họ.
Trong khi đó thì tại VN, luật pháp được đặt ra chủ yếu là nhằm để đàn áp dân và củng cố bộ máy cai trị của đảng. Ngay cả những quan tòa ngồi xét xử cũng không nắm vững các đạo luật, chứ đừng nói là giới công an cảnh sát hay các quan chức. Tệ hơn nữa là giới quan chức đảng viên, kể cả bộ chính trị, cũng không tôn trọng luật pháp thì làm sao bắt buộc người dân phải tuân theo pháp luật? Đó là chưa nói đến một ông dân biểu quốc hội thì mạt sát dân là có "trình độ dân trí chưa cao", và mới đây thì một ông dân biểu lái xe gây tai nạn lại bỏ chạy, thay vì ngừng lại để đưa người bị thương đến bệnh viện.
Chính vì thế, không thể đòi hỏi người dân phải thượng tôn pháp luật khi chính kẻ thống trị ngồi xổm trên pháp luật. Người dân cũng không phải là có bản chất bắt chước như loài khỉ để thấy người khác đánh cảnh sát thì cũng đi kiếm vài tay công an để nện cho một trận nhừ tử. Lý do là họ thừa biết sức mạnh của lực lượng công an, chứ không ngu dốt đến độ làm theo "xu hướng tự nhiên" của loài thú khi đi đến sự cãi cọ và tranh chấp như ông Điện nhận định.
Xin hỏi ông Điện là nếu một ngày nào đó, gia đình ông bỗng dưng bị nhà cầm quyền ra lệnh tịch thu toàn bộ tài sản mà cả nhà đã đổ mồ hôi, nước mắt và máu xương mới gây dựng nên thì ông sẽ phản ứng ra sao? Dĩ nhiên là ông có quyền đệ đơn kiện cáo, như hàng trăm ngàn dân oan đã làm suốt mấy thập niên qua. Nhưng nếu không được giải quyết thì ông sẽ làm gì? Có dám chửi đảng không? Và cái xấu hay cái ác nào đang lộng hành trong xã hội VN?
Là một tiến sĩ, chắc chắn ông Điện hiểu rõ làn sóng tấn công nhân viên thi hành công lực phải đến từ một nguyên nhân nào đó, chứ không chỉ đơn thuần vì bản năng thú vật trong người. Một đất nước mà quan chức là giới cướp ngày, thì chuyện người dân nổ súng bắn giết công an chỉ là các hành động phản kháng trước một guồng máy tàn bạo và vô nhân đạo do đảng cộng sản lập ra.
Họ không biết đảng gồm những ai, nhưng giới công an lại đưa ra câu khẩu hiệu "còn đảng còn mình", thì lực lượng này phải hứng chịu những cơn phẫn nộ là chuyện dễ hiểu. Cũng không phải là vô cớ mà dân chúng gọi lực lượng này là "bọn âm binh", vì bản chất thực sự của giới này là như thế!
LLDTCNTQ
No comments:
Post a Comment