Ngày 11.01.2012
Lời dẫn: Kính chào quý thính giả Đáp Lời Sông Núi, Hoàng Sa – Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam là một điều hiển nhiên không thể chối cãi, cả về mặt địa lý, lịch sử cũng như về công pháp quốc tế. Nhưng cho đến nay Trung Quốc vẫn khăng khăng tuyên bố Hoàng Sa – Trường Sa thuộc về Trung Quốc. Những tài liệu về trận hải chiến Hoàng Sa mới được Trung Quốc phổ biến cũng chỉ nhằm lập đi lập lại ý đồ xâm lăng đó mà thôi. Để tạo cơ hội cho quý thính giả có một cái nhìn cập nhật về Hoàng Sa – Trường Sa, xin mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn ông Trần Bình Nam, một bình luận gia chính trị được nhiều người biết tới và ái mộ.
Sơn Tây (ST): Thưa Ông, tài liệu Trung Cộng vừa phổ biến về trận hải chiến Hoàng Sa có những chi tiết nào mới lạ đáng chú ý?
Trần Bình Nam (TBN): Kính chào ký giả Sơn Tây của đài Đáp Lời Sông Núi .
Vâng, mới đây ngày 7/11 một tài liệu bằng tiếng Hoa nói về trận chiến Hoàng Sa đăng trên mạng canglang. Mạng canglang.com không chính thức thuộc chính phủ Trung quốc, nhưng chúng ta đều biết chính phủ Bắc Kinh hay dùng các phương tiện tư để tung ra những thông tin họ muốn mà không nhận trách nhiêm.
Chi tiết mới là Trung quốc nhìn nhận họ có quan hệ với Hoa Kỳ trước trận đánh:
Tài liệu do Quốc Trung dịch từ tiếng Tàu đại ý nói: "Trận đánh Hoàng Sa là một trận chiến quy mô nhỏ, nhưng bối cảnh của nó liên quan đến chiến lược toàn cầu của 3 nước lớn Trung Quốc, Mỹ và Liên Xô liên quan đến Việt Nam và khu vực Đài Loan. Và bắt đầu bằng việc Nixon đến thăm Trung Quốc mở cửa cho quan hệ Trung-Mỹ.
Tài liệu viết: Vào đầu thập niên 70, mối quan hệ Trung-Xô rất xấu. Trong khi đó nước Mỹ phải đối mặt với sự uy hiếp chiến lược của Liên Xô đang leo thang nghiêm trọng, nên Mỹ cần liên hợp với Trung Quốc để cùng nhau áp chế Liên Xô.
Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam nhiều hòn đảo trong quần đảo Hoàng Sa do VNCH chiếm giữ. Vào thập niên 1970 Mỹ sắp rút quân và thấy rằng nếu Hoàng Sa vào tay Bắc Việt thì chẳng khác nào giao cho Liên Xô và như vậy de dọa an ninh của nam Thái Bình Dương trong đó có Úc châu. Vậy tốt nhất là Trung quốc nên tiếp thu Hòang Sa.
Tài liệu còn viết rằng khi Trung quốc đánh Hoàng Sa Hoa Kỳ đã từ chối lời yêu cầu của Việt Nam Cộng Hòa xin hải quân Mỹ can thiệp, thậm chí còn từ chối cả việc đưa tàu tới ứng cứu những người bị chết đuối.
Thật ra sự tiết lộ này có mới là mới về phía Trung quốc. Riêng phía VNCH từ lâu đã biết có việc trao đổi này. Cá nhân tôi năm 1994 đã đưa ra nghi vấn này khi Trung quốc bắt đầu đe dọa đánh chiếm quần đảo Trường Sa. Năm 2004 tức 10 năm sau tôi lại nhắc đến vấn đề này và trích dẫn nhiều đoạn trong cuốn sách "Những năm biến động" (Years of Upheaval) của ông Kissinger để chứng minh có một thỏa thuận giữa Mao, Chu và Kissinger để Trung quốc chiếm quần đảo Paracels của Việt Nam Cộng Hòa.
ST: Chi tiết này có làm thay đổi gì về tính chất cuả sự việc không thưa Ông, nghĩa là chúng có giúp cho Trung Cộng chứng minh được chủ quyền đối với quần đảo HS không?
TBN: Ngòai chi tiết trên, còn một chi tiết hậu trường khác chưa bao giờ được tiết lộ . Đó là sự quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh trước trận đánh.
Tài liệu của Trung quốc viết đại ý: "Trung quốc không xem Trận đánh Hoàng Sa Tây Sa là một trận hải chiến lớn. Khi trận chiến kết thúc, Hà Nội lập tức ra tuyên bố, "cảm ơn chính phủ Trung Quốc đã giúp đỡ họ giải phóng Hoàng Sa từ tay Nam Việt". Tài liệu viết, Trung Quốc không đếm xỉa gì đến chuyện cám ơn này vì đối Trung quốc đây là "trận phản kích tự vệ", ý nói rằng từ xa xưa Hoàng sa đã là lãnh thổ của Trung Quốc.
Trở lại câu hỏi của ông là những tiết lộ trên có giúp cho Trung Cộng chứng minh được chủ quyền đối với quần đảo HS không? Tôi thấy là "Không", mặc dù trong tài liệu Trung quốc nhắc tới nhắc lui Hoàng Sa vốn thuộc của họ
Bởi lẽ khi Trung quốc nói do Hoa kỳ gợi ý và Hà Nội nhờ họ mới đánh chiếm Hoàng Sa thì rõ Hoàng Sa là của Việt Nam chứ không phải của họ. Cái tài liệu họ công bố mục đích để nói chủ quyền về tay họ trở thành một thứ "gậy ông đập lưng ông".
ST: Theo Ông thì lý do gì mà TC lại cho công bố tài liệu này vào thời điểm này?
TBN: Trong 10 tháng đầu của năm 2011 trước các vụ xâm phạm chủ quyền lộ liễu của Trung quốc như cắt giây kéo máy thăm dò dầu khi của tàu Bình Minh 2 trong tháng 5 trong vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam, sau đó ít nhất hai lần trong tháng 6 định cắt cáp của tàu Viking 2 trong bãi Tư Chính Hà Nội thay đổi thái độ và trở nên cứng rắn đối với Trung quốc trong việc xác định chủ quyền Hoàng Sa vùng Đặc quyền Kinh Tế 200 hải lý của mình.
Cho nên Trung quốc thấy cần công bố tài liệu để biện minh hành động của mình trên Biển Đông.
ST: Còn hai biên bản họp cuả Hội Đồng An Ninh Quốc gia Hoa Kỳ về vụ Hoàng Sa, vừa đưọc giải mật có gì đặc biệt không thưa Ông?
TBN: Thật ra Hoa Kỳ giải mật 2 tài liệu chính:
Thứ nhất là biên bản buổi họp ngày 25/1/1974 tức 6 ngày sau khi Trung quốc chiếm trọn quần đảo Hòang Sa của Toán Đặc Nhiệm thuộc Hội Đồng An ninh Quốc gia theo dõi tình hình trên Biển Đông, đặc biệt là Hoàng Sa và Trường Sa, và diễn tiến thi hành Hiệp Điịnh Paris. Buổi họp này do Kissinger, bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ chủ tọa và gồm các viên chức cao cấp của chính phủ như ông William Colby, giám đốc CIA, và Đô đốc Thomas Moorey, Tham Mưu trưởng Liên quân.
Tài liệu giải mật này cho thấy Kissinger rất lo ngại Trung quốc sau khi chiếm Hoàng Sa sẽ lấy đà chiếm Trường Sa. Tuy vậy Đô Đốc Moorer cho biết Hải quân Hoa Kỳ cũng sẽ đứng ngoài nếu có gì xẩy ra ở Trườn Sa. Tài liệu cũng cho thấy Hoa kỳ muốn Bắc Việt có một thái độ mạnh mẽ hơn để Trung quốc ngừng tay, nhưng không ghi nhận được gì ngoại trừ Hà Nội than phiền tiếc rằng vũ lực đã được xử dụng tại Hoàng Sa.
Tài liệu thứ hai ngày 30/1/1974 là biên bản một buổi họp tham mưu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng do ông Kissinger chủ tọa . Chính yếu là lo ngại nếu Trung quốc đánh Trường Sa Phi Luật Tân sẽ phản ứng và buộc Hoa Kỳ can thiệp vì ràng buộc bởi một Hiệp ước an ninh với Phi. Ý kiến chung của ban Tham Mưu Bộ Ngoại giao là có thể Hoa Kỳ sẽ không can thiệp trường hợp có đụng độ giữa Trung quốc và Phi Luật Tân. Tài liệu cũng tiết lộ VNCH trong ngày 30/1 đã gởi ra Trường Sa 200 binh sĩ và chiếm một số đảo hoang tại đó .
Cả hai tài liệu được giải mật này cho thấy Hoa Kỳ rất lúng túng sau khi Trung quốc chiếm Hoàng Sa. Và cũng rất lúng túng trong việc giúp đỡ VNCH nếu Hà Nội vi phạm Hiệp Định Paris dùng vũ lực tấn công.
Tuy nhiên qua các tài liệu của Trung quốc và Hoa Kỳ chúng ta thấy Trường Sa và ngay cả Hoàng Sa dù Trung quốc đang chiếm đóng vẫn là những quần đảo tranh chấp giữa Việt Nam và Trung quốc, và cái lý Hoàng Sa và Trưòng Sa của Việt Nam càng lúc càng có lý lẽ vững vàng hơn trước dư luận quốc tế.
ST: Trong bối cảnh đó quan hệ giữa Trung quốc và Việt Nam sẽ chuyển biến như thế nào trong năm 2012 ?
TBN: Tôi nghĩ là sẽ hết sức căng thẳng. Trung quốc không thể ngừng giành chủ quyền trong vùng biển hình lưỡi bò dù là một sự giành giựt phi lý nói lấy được. Trong khi Việt Nam đã hết đường hòa dịu với Trung quốc. Sóng gió trên Biển Đông sẽ trở thành bão táp. Tuy nhiên biển động cấp nào còn tùy thái độ cương quyết của Hoa Kỳ. Năm bầu cử tổng thống không nhất thiết là thời điểm Hoa Kỳ không dám hành động. Tuy nhiên tôi không nghĩ vậy vì đây là một vấn đề rất quan trọng cho nên không nhất thiết năm bầu cử tổng thống phải là thời điểm mà Hoa Kỳ không dám hành động.
No comments:
Post a Comment