Ngày 04.01.2012
Lời dẫn của HS: Một trong những nghề nghiệp bị xã hội VN chê bai nhiều nhất là nghề làm báo. Nhưng sau khi đảng cộng sản lên nắm chính quyền thì nghề này càng khốn đốn hơn vì phải sống trong cảnh "trên đe dưới búa". Một trong những trường hợp điển hình là vụ sa thải phóng viên Hoàng Khương, người đã vạch mắt nhiều tay công an tham nhũng và ăn hối lộ. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài quan điểm dưới đây của LLDTCNTQ, với tựa đề "Đồng đảng và đồng nghiệp", qua sự trình bày của anh Hải Nguyên.
Trong một diễn biến mà nhiều người cho rằng trước sau gì cũng sẽ xảy ra, nhà báo Hoàng Khương của tờ Tuổi Trẻ đã bị sa thải dưới áp lực của giới công an, đặc biệt là các bài báo trên hai tờ Công An Nhân Dân và An Ninh Thế Giới.
Đây là điều dễ đoán vì nhà báo Hoàng Khương đã "gây thù chuốc oán" với lực lượng "còn đảng còn mình" suốt mấy năm qua. Đã có khoảng 50 quan chức trong ngành này bị kỷ luật vì những bài phóng sự "nói có sách, mách có chứng" của nhà báo gan dạ này. Tên tuổi của Hoàng Khương gần như được mọi công an Sài Gòn biết đến. Thậm chí một số đồng nghiệp của anh thường nói đùa là nếu có bị công an làm khó dễ thì cứ nói tên Hoàng Khương là sẽ qua ải ngay lập tức.
Và cái gì đến đã đến. Để bắt quả tang một tay sĩ quan công an nhận hối lộ, nhà báo Hoàng Khương đã đưa tiền cho một người trung gian để hối lộ tay công an này tha bổng và trả lại xe gắn máy cho một người phạm tội đua xe. Việc trao tiền và thả xe được đưa lên trang nhất tờ Tuổi Trẻ, với đầy đủ bằng chứng và hình ảnh. Đáng tiếc là dưới sự tra hỏi của công an, người trung gian đã khai ra toàn bộ vụ dàn xếp này. Nhà báo Hoàng Khương bị tố ngược là đã "gài bẫy" để công an nhận tiền hối lộ. Các tờ báo của bộ công an liền nhập cuộc để đánh hôi, với cáo buộc là Hoàng Khương phạm tội đưa hối lộ.
Chỉ hai ngày sau khi nhận được văn thư yêu cầu sa thải và rút thẻ nhà báo, tờ báo Tuổi Trẻ lập tức cho Hoàng Khương nghỉ việc mà không hề có một bài báo phân tích sự việc và bênh vực cho một cộng tác viên đắc lực của mình. Không ai có thể tin được là một tờ báo nổi tiếng vì đã can đảm phanh phui rất nhiều vụ tiêu cực trong xã hội, kể cả những vụ dính líu đến nhiều quan chức cao cấp, mà lại có một hành xử như thế. Không lẽ cả tòa soạn mà không có được một cây viết can đảm để phản pháo lập luận của các tờ báo kia?
Chỉ cách đây vài tháng, tờ Tuổi Trẻ đã đi một loạt phóng sự về tệ nạn vòi tiền mãi lộ của giới cảnh sát giao thông ở miền Trung, đặc biệt là tại tỉnh Thanh Hóa. Các phóng viên đã phải giả dạng làm lơ xe đò, mang tiền đến chung chi, mới có thể lén lút ghi âm và chụp hình những cảnh vòi tiền ghê tởm đó. Vậy những phóng viên đó cũng phạm tội đưa hối lộ hay sao? Và liệu những tài xế hay chủ nhân các chuyến xe đó có bị xem là tiếp tay gài bẫy công an hay không?
Thế nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao giới công an lại dễ dính bẫy đến độ như thế? Với một số tiền nhỏ nhoi cũng đủ dính bẫy thì chả trách gì mà trùm xã hội đen Năm Cam đã để lại một câu nói lẫy lừng trước tòa án: "Cái gì không mua được bằng tiền thì mua bằng nhiều tiền". Và thực tế là anh ta đã mua được một ông thứ trưởng bộ công an, và hàng chục sĩ quan công an cao cấp khác, trong những năm tung hoành ở Sài Gòn.
Điều đáng nói ở đây là chuyện gài bẫy để bắt quả tang là chuyện rất bình thường trong mọi xã hội. Nó diễn ra ở đủ mọi lãnh vực. Người ta gài bẫy để bắt gián điệp, để bắt quả tang một kẻ ngoại tình, hay để bắt kẻ trộm. Vào năm ngoái, công an Sài Gòn cũng đã gài bẫy để bắt quả tang ông tổng thư ký báo Tiền Phong đang tống tiền doanh nghiệp.
Nói một cách tóm tắt, việc gài bẫy là một thủ đoạn thông thường nhằm thu thập bằng chứng kết tội một ai đó. Nếu tay cảnh sát giao thông Huỳnh Minh Đức không nhận tiền và không chấp nhận thả xe thì nhà báo Hoàng Khương không thể viết được phóng sự đó. Tương tự như thế, nếu ông tổng thư ký báo Tiền Phong không nhận tiền thì nỗ lực gài bẫy của công an đã trở thành công... cốc!
Chính vì thế, cái tội danh gán ghép cho nhà báo Hoàng Khương chỉ là một sự trả thù hèn hạ của giới công an. Nếu thật tâm muốn khôi phục uy tín của lực lượng "còn đảng còn mình" bộ công an phải khuyến khích và mời mọc thêm những nhà báo như ông Hoàng Khương tiếp tay trong việc thanh lọc hàng ngũ để khỏi bị người dân rủa xả là một bọn "âm binh".
Trừ phi là đồng đảng với lực lượng công an, như ông phó chủ tịch Hội Nhà Báo VN, mới nói rằng người phóng viên phải có bổn phận trình báo lên cơ quan có thẩm quyền khi tình nghi có chuyện ăn hối lộ ở một công an nào đó. Đó là câu tuyên bố đầy ngu ngơ vì nhà báo không phải là mật báo viên hay thường dân. Một trong những chức năng của người làm báo là lôi ra ánh sáng những vụ lem nhem để công luận phán xét.
Rất tiếc là nghề báo ở VN không có quyền tự do để làm chức năng đó. Họ vừa viết vừa lách, vừa đánh vừa run, vì có thể bị rút thẻ nhà báo bất cứ lúc nào, thậm chí là bị hạ sát như nhà báo Hoàng Hùng. Nhưng cái đau nhất là bị đồng nghiệp đạp thêm vài phát nữa khi... bị công an trả thù!
Và đó là thân phận của những nhà báo dưới chế độ "dân chủ gấp ngàn lần tư bản"!
LLDTCNTQ
No comments:
Post a Comment