Ngày 25.01.2012
Lời dẫn của HS: Nếu là một nhà lãnh đạo có tài thì khi xảy ra làn sóng chống đối nhân viên công lực, người ta sẽ phải tìm hiểu nguyên nhân nào dẫn đến chuyện đó. Nhưng ở VN, vì có bản chất bạo ngược, ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ biết ra lệnh phải trừng phạt dân. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài quan điểm có tựa đề "Bản chất bạo ngược" của LLDTCNTQ, qua sự trình bày của anh Hải Nguyên.
Trong những ngày cuối năm Tân Mão, ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gửi đi hàng loạt công điện, từ chuyện giao thông cho đến chuyện an ninh ngày Tết. Nhưng đặc biệt nhất là công điện ra lệnh trừng phạt nặng nề những ai có hành vi tấn công nhân viên công lực.
Hy vọng bức công điện của ông Dũng chỉ là một phản ứng nhằm đối phó với làn sóng người dân hành hung giới công an cảnh sát trong thời gian qua, chứ không phải là hiệu lệnh cho phép nhà cầm quyền thành phố Hải Phòng trả thù gia đình ông Đoàn Văn Vươn, sau vụ nổ súng kháng cự việc cưỡng chế đất đai ở huyện Tiên Lãng. Nhưng trong tình huống nào đi nữa thì công điện vẫn cho thấy sự thiếu suy xét và thiếu chín chắn của một người được xem là có uy quyền nhất trong chế độ. Lý do là người cộng sản vẫn ra rả tự hào chủ nghĩa Mác – Lê là có tính khoa học cao. Mà đã gọi là có tính khoa học thì phải truy nguyên ra cội nguồn hay gốc rễ của vấn đề, trước khi đi đến kết luận và đề ra biện pháp giải quyết.
Chính vì thế, trước khi đưa ra mệnh lệnh thì ít nhất ông Dũng phải tự hỏi là tại sao có làn sóng chống người thi hành công vụ. Không lẽ ông Dũng hoàn toàn không biết là lực lượng "còn đảng còn mình" đã tác oai tác quái ra sao để bị người dân gọi là "âm binh"? Và không lẽ ông thủ tướng "giỏi nhất châu Á" tin rằng giới cảnh sát giao thông VN không hề vòi tiền mãi lộ hay nhũng nhiễu người dân đến mức quá quắt?
Nếu còn là một người VN, ông Dũng phải biết câu nói của tiền nhân "Gieo nhân nào thì gặt quả đó". Những chuyện công an đánh chết dân ở trong đồn, nhưng chỉ bị xét xử vài năm tù như trong vụ án Trịnh Xuân Tùng, đã khiến cho người dân không còn tin tưởng ở sự nghiêm minh của hệ thống pháp luật VN. Và nếu đã gọi là "nhân viên thi hành công lực" thì họ phải là những người hiểu rõ pháp luật hơn bất cứ người dân nào. Vì thế một cảnh sát cơ động hành hung một cảnh sát giao thông thì phải lãnh ít nhất là 9 năm tù, chứ không thể là 9 tháng tù như một thiếu nữ đã tát vào mặt một tên công an, chỉ vì tên này ăn nói mất dạy với mẹ của cô.
Tệ hơn thế nữa, tay trung tá công an Nguyễn Văn Ninh đã đánh chết một người dân vô tội với những chứng cớ sờ sờ ra đó mà tòa án chỉ tuyên phán có 4 năm tù thì bản án 18 năm tù dành cho Lê Văn Luyện phải xem là quá nặng, vì y chỉ là một tên du đãng thất học, chỉ vì tham tiền mà ra tay hạ sát 3 mạng người một cách man rợ.
Điều đáng nói hơn nữa, ông Nguyễn Tấn Dũng lại là một trong các đại biểu quốc hội của đơn vị Hải Phòng, nhưng đến 10 ngày sau khi dư luận làm ầm ĩ lên, ông mới ra lệnh cho giới quan chức Hải Phòng gửi báo cáo tường trình về vụ nổ súng ở huyện Tiên Lãng. Thế nhưng ông cũng chẳng hề xuống tận nơi để thăm hỏi những công an và bộ đội bị thương, nếu thật sự là ông quan tâm đến là sóng hành hung các nhân viên công lực.
Thế nhưng cứ mở miệng là ông Dũng ra lệnh phải trừng phạt dân. Điều nà cho thấy rõ dòng máu bạo ngược trong người ông Dũng, và khiến người ta càng tin chắc rằng chính ông Dũng là người quyết định bỏ tù Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ vì cảm thấy bị mất mặt khi ông Vũ đệ đơn kiện ông.
Những hành động đó lẽ ra không nên, và không thể có, ở một con người cầm đầu một chính phủ. Nó chỉ khiến cho thế giới thêm ghê tởm về sự nhỏ nhen và ti tiện của giới lãnh đạo VN. Đừng tưởng rằng các thủ tướng Nhật, Nam Hàn, Thái Lan, Mã Lai... cảm thấy vinh dự khi được chụp hình chung với các quan chức cao cấp VN trong các hội nghị quốc tế. Trên phương diện ngoại giao, họ không thể biểu lộ sự khinh thường đối với ông Dũng. Và trên phương diện cá nhân, chẳng có người nào muốn kết bạn với ông thủ tướng VN.
Và đó là điều xấu hổ cho đất nước. Lý do là trong mỗi hội nghị quốc tế, các quan chức lớn nhỏ của VN đều tuyên bố là muốn làm người bạn của thế giới, nhưng thực tế cho thấy là không một nhà lãnh đạo nào của VN trở thành bạn bè của bất cứ vị nguyên thủ ngoại quốc nào. Trong khi đó thì các cựu thủ tướng Nhật, Nam Hàn hay Thái Lan sau khi về hưu vẫn là những người khách quý của các cựu tổng thống hay thủ tướng Mỹ, Anh, Pháp hay Úc. Tại sao có chuyện kỳ lạ như thế?
Câu trả lời là chẳng ai muốn làm bạn với những kẻ có dòng máu bạo ngược và chỉ biết đổ tội cho dân, thay vì tự hỏi rằng chính phủ mình đã làm những gì mà người dân chán ghét đến độ khi gặp công an hay quan chức là chỉ muốn tát tai hay rút dao ra đâm. Ở các nước dân chủ pháp trị, chuyện hành hung nhân viên công lực không phải là chuyện hiếm hoi, nhưng một khi trở thành làn sóng thì chắc chắn có điều gì đó không ổn trong cung cách hành xử của chế độ.
Mà chuyện không ổn ở VN hiện nay là lực lượng công an đang trở thành tay sai cho chế độ, qua cái khẩu hiệu "công an chỉ biết còn đảng còn mình" do chính họ đưa ra. Mà ông Dũng thì từng nắm chức thứ trưởng bộ công an trước khi trở thành thủ tướng. Đúng là "thầy nào thì tớ nấy"!
LLDTCNTQ
No comments:
Post a Comment