Ngày 09.01.2012
Lời dẫn: Sau 20 năm chuyển sang cái gọi là "kinh tế thị trường dưới định hướng xã hội chủ nghĩa, đảng cộng sản VN hiện hô hào phải cơ cấu lại nền kinh tế, để phù hợp với cái mà ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gọi là "nền kinh tế thị trường hiện đại". Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài quan điểm của LLDTCNTQ, có tựa đề "Ai đang giẫy chết?", qua sự trình bày của anh Hải Nguyên.
Vào đầu năm mới, ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gửi đến các cơ quan truyền thông một bài viết nói về hướng phát triển kinh tê sắp tới của VN, với cái tựa đề dài lòng thòng là "Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng".
Có lẽ vì cái tựa đề quá dài quá dài, nên mỗi tờ báo đều đặt một cái tít riêng, kèm với vài lời phi lộ. Chẳng hạn như tờ Dân Trí thì giật tít "Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đặt tiến trình phát triển của đất nước vào quỹ đạo mới", rút từ câu kết luận trong cái bài viết có tính thuyết giảng về kinh tế, trộn lẫn với nhiều câu khẩu hiệu và nghị quyết của đảng.
Chính vì thế, đọc xong bài viết người ta có cảm giác như đi lạc vào một vùng sương mù. Vì ngoài cái tít nguyên thủy, và trong đoạn văn nhắc lại thời điểm đổi mới, người ta vẫn không hiểu cái "kinh tế thị trường dưới định hướng xã hội chủ nghĩa" mà ông Dũng muốn nói đến là cái gì. Thay vào đó ông Dũng lặp đi lặp lại cụm từ "thể chế kinh tế thị trường hiện đại" để giải thích lý do tại sao phải "cơ cấu lại nền kinh tế" và "chuyển đổi mô hình tăng trưởng".
Tệ hơn nữa, những lập luận về kinh tế trong bài viết chỉ là những góp nhặt các tiền đề căn bản của nền kinh tế thị trường tư bản, được viết lại cho phù hợp với ngôn từ của đảng. Chằng hạn như việc ông Dũng trưng dẫn một số đặc tính của cái mà ông gọi là "kinh tế thị trường hiện đại", như tính đồng bộ và hỗ trợ cho nhau, tính cạnh tranh bình đẳng, tính công khai minh bạch, nhà nước phải hạn chế sự can thiệp vào thị trường và cuối cùng là phải bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Tất cả những đặc điểm đó, theo ông Dũng, là nền kinh tế VN chưa đạt được hay vẫn còn nhiều yếu kém. Thế nhưng những đặc tính ấy đâu có gì mà gọi là "hiện đại"? Chúng chính là nền tảng căn bản của nền kinh tế thị trường tự do, mà bất cứ một sinh viên kinh tế nào ở các xứ dân chủ đều phải học ngay từ năm đầu tiên ở đại học. Tại sao khi đổi mới, đảng cộng sản VN không chuyển đổi hoàn toàn sang nền kinh tế đó? Không lẽ khi đó không có một quan chức nào nắm vững được các đặc tính của nền kinh tế thị trường? Và không lẽ là suốt 6 năm qua, ông Dũng cùng ù ù cạc cạc về những chuyện đó?
Nhưng điều đáng nói là, những yếu kém trong nền kinh tế VN hiện nay, mà ông Dũng đưa ra trong bài viết đó, đã được nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước phân tích và mổ xẻ hơn 10 năm qua. Chẳng hạn như sự bất bình đẳng giữa lãnh vực tư doanh và quốc doanh, hay tính công khai minh bạch trong các đường lối và chính sách. Thế nhưng mọi ý kiến đóng góp đều giống như "nước đổ đầu vịt", hay chỉ đến tai những người điếc, vì thế dẫn đến tình trạng suy thoái hôm nay.
Nguyên nhân chính yếu là vì người cộng sản chỉ biết đặt quyền lợi của đảng lên trên dân tộc. Sau 10 năm dưới thời bao cấp, và khi khối cộng sản Đông Âu sụp đổ, nếu đổi mới cả kinh tế lẫn chính trị thì đất nước VN đã có thể cất cánh bay, chứ không bị thua sút các nước láng giềng mỗi lúc một xa.
Dân tộc Việt đã phí phạm quá nhiều máu xương trong các cuộc chiến vào hậu bán thế kỷ 20. Nhưng cái phí phạm lớn nhất là đã không tận dụng được thời gian, tài nguyên và trí tuệ con người trong tiến trình phát triển kinh tế. Cả dân tộc đã phải trả giá quá đắt cho cái quái thai "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" suốt 20 năm qua. Cái quái thai ấy bây giờ trưởng thành và lộ nguyên hình là một nền kinh tế tư bản hoang dã, với 90% tài sản đất nước đang nằm trong tay những quan chức đảng viên.
Và bây giờ thì đảng hô hào làm cuộc đại giải phẫu đứa con đó, với hy vọng là nó sẽ không còn què quặt hay đủ các quái tật. Tuy nhiên đảng vẫn muốn giữ nguyên cái đuôi "định hướng xã hội chủ nghĩa", núp dưới hai chữ "hiện đại" trong bài viết của ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Có nghĩa là họ tiếp tục mang dân tộc ra làm thí nghiệm cho cái mục tiêu hoang tưởng của chủ nghĩa cộng sản là sẽ chiến thắng chủ nghĩa tư bản, trong khi vẫn ngửa tay nhận tiền hay trải thảm đỏ mời giới tư bản đầu tư vào Việt Nam. Càng hoang tưởng hơn nữa là trong khi ra rả tuyên bố chủ nghĩa tư bản đang giẫy chết, thì lại dùng các đặc tính của nền kinh tế tư bản để chỉ ra những yếu kém trong nền kinh tế nước mình!
Nhưng hy vọng là ông Dũng thật sự hiểu được các đặc tính đó để lèo lái nền kinh tế VN vượt qua tình trạng lạm phát phi mã hiện nay. Sở dĩ nói là "hy vọng", vì khó có ai tin rằng ông Dũng viết được bài đó, trong khi ông phải tham dự hội nghị khẩn cấp của trung ương đảng lần thứ 4 kéo dài đến 6 ngày, và mới bế mạc vào ngày 31/12!
LLDTCNTQ
No comments:
Post a Comment