Tuesday, January 17, 2012

Lá Thư Úc Châu Kỳ 22 ngày 15.01.2012

Năm nay, tết Việt Nam mình đến sớm, cho nên ngày Quốc khánh Úc 26 tháng Giêng sẽ rơi vào ngày mùng 4 Tết của mình. Nhân dịp này, Lá thư Úc châu Kỳ này sẽ có đôi chút về lịch sử ngày Quốc khánh Úc, vì đối với 200 ngàn người Việt đã nhận nơi này làm quê hương thì nó cũng là ngày Quốc khánh của mình rồi.

Ngày 26 tháng Giêng là ngày kỷ niệm nước Úc chính thức trở thành thuộc địa của Anh quốc vào năm 1778, khi hạm đội thứ nhất dưới quyền chỉ huy của Hải quân Đại tá Arthur Phillip gồm 11 chiến hạm đến vịnh Sydney và tuyên bố đặt chủ quyền của Anh trên vùng duyên hải miền đông Úc châu, lúc ấy còn được gọi dưới cái tên Tân Hòa Lan.
Hạm đội này gồm 1487 người, trong đó có 778 tội phạm, được trao phó cho nhiệm vụ thiết lập thuộc địa đầu tiên trên vùng đất mà Anh quốc tin rằng được Đại tá James Cook phát hiện trước đó 8 năm. Lúc ấy đế quốc Anh vừa mất 13 thuộc địa ở Hoa Kỳ trong cuộc chiến giành độc lập ở đấy, vì thế đế quốc Anh rất lo lắng, muốn đi kiếm một vùng đất khác, và sực nhớ đến vùng đất mà họ nghĩ là Đại tá James Cook đã đặt chân tới lần đầu tiên.
Pháp cũng ở trong tư thế tương tự. Thành ra ít có người biết hay nhớ là Đại tá Phillip chỉ "thắng" sít sao hai tàu Pháp dưới quyền chỉ huy của đô đốc Jean-François de Galaup, quận công xứ La Pérouse, cũng đang tìm cách đổ bộ lên bờ biển Sydney vào khoảng thời gian đó. Một trận cuồng phong thổi qua vịnh Botany khiến cho hai tàu Pháp không vào được trong vịnh, chứ nếu không thì bây giờ mấy chục triệu dân Úc có thể nói tiếng .... Tây như "bắp rang" rồi. Định mệnh đã khiến cho nước Pháp chỉ có vài ba cái tên địa phương ở quanh vùng Sydney như Sans Souci, D'Encastreau, La Pérouse... khiến những du khách đến đây cứ "thắc mắc" không hiểu vì sao giữa hàng ngàn địa danh tiếng Anh lại có lẫn mấy cái tên Pháp.
Ngày 26 tháng Giêng như thế đã đi vào lịch sử. Đối với người Úc da trắng, và sau này là người đủ mọi mầu da từ tứ xứ đến đây, ngày này là khởi đầu của quốc gia Úc như đã nói ở trên. Vì thế, theo thời gian, dù có gọi là Sinh nhật, ngày Thành lập... vân vân... thì đó cũng là ngày người da trắng đến đây lập nghiệp.
Tuy vậy mỗi thuộc địa, hay mỗi tiểu bang ở Úc, vẫn có ngày kỷ niệm riêng, khác với ngày 26 tháng Giêng lúc đầu được xem là của riêng tiểu bang New South Wales. Trong ngày này, người ta tổ chức các cuộc tranh tài thể thao, ăn uống tưng bừng và diễn lại cảnh Đại tá Phillip đổ bộ lên bờ biển Sydney. Đến năm 1888, phần lớn các tiểu bang chấp nhận ngày kỷ niệm này. Hai tiểu bang sau cùng, Nam Úc và Victoria, bỏ ngày riêng của mình và chấp nhận 26 tháng Giêng là ngày kỷ niệm Quốc khánh vào năm 1910 và 1931.
Năm 1931, New South Wales là tiểu bang đầu tiên ra luật ấn định ngày 26 tháng Giêng rơi đúng vào ngày nào trong tuần thì tổ chức lễ quốc khánh vào ngày đó, chứ không dời chuyển đến cuối tuần để làm lễ lớn. Sự chấp nhận này được thống nhất vào năm 1994 ở mọi tiểu bang.
Trong ngày này, sẽ có các cuộc tranh tài thể thao, những buổi trình diễn cuộc đổ bộ lên bờ biển Sydney, và nhất là có công bố danh sách những người được vinh danh qua các loại huy chương quốc gia. Đây cũng là ngày loan báo kết quả bình bầu người Úc nổi tiếng nhất trong năm và những buổi lễ nhập tịch cho người mới tới. Đối với người bình thường, khí hậu tốt trong tháng Giêng là dịp để họ đi chơi, đi biển, tổ chức những buổi nướng thịt và vui chơi ngoài trời.
Chính vì có nhiều cuộc vui mà người ta nghi ngờ là ngày 26 tháng Giêng đối với người Úc chỉ là dịp để có thêm một ngày nghỉ lễ và vui chơi thỏa thích. Điều này chứng tỏ qua những phẫn nộ nếu ngày quốc khánh rơi vào cuối tuần và theo luật thì không được nghỉ bù. Một số tiểu bang và nhiều công ty vì thế đành "bấm bụng" cho dân chúng nghỉ bù vào ngày cuối tuần gần nhất để họ có dịp đi chơi.
Thành thử bây giờ không bao nhiêu người lắng tâm tìm hiểu ý nghĩa thật sự của ngày Quốc khánh như các nước khác. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy là có đến ba phần tư dân Úc cho rằng những buổi lễ nhập tịch trong ngày Quốc khánh là biến cố trọng đại, đáng làm cho người ta tưởng nhớ đến ngày Hạm đội Thứ nhất đến Úc. Tuy nhiên chắc chẳng có mấy ai tin, hay để tâm tới những buổi lễ này, trừ những người trong cuộc.
Ngày Quốc khánh 26 tháng Giêng của Úc còn có một mặt trái. Ấy là thổ dân Úc, ít ra theo những người nhận là đại diện cho sắc dân này, là một ngày "đáng xấu hổ" chứ chẳng có ý nghĩa nào khác. Đối với họ, việc kỷ niệm ngày người da trắng đổ bộ mà quên thổ dân đã hiện hữu trên lục địa này từ 40 hay 50 nghìn năm trước, là điều không đúng. Người da trắng đến đây còn mang theo sự diệt chủng các thổ dân. Vì thế 26 tháng Giêng còn được thổ dân gọi là ngày "Tang Chế" hay ngày "Sống Sót".
Chính vì thế, thử thách của người dân Úc hiện nay là làm thế nào để dung hòa hai ý nghĩa trái ngược đó, để mọi người dân trên lục địa này cùng xem trọng một ngày Quốc khánh mà không cãi lộn khi sắp tới ngày này mỗi năm. Lịch sử không thể thay đổi được, và thực tế cho thấy là hơn 200 năm sau ngày đổ bộ của Hạm đội Thứ nhất, dù từ đâu tới hay đã có sẵn ở đây, con cháu của những người đó cũng đã và đang hưởng được một cuộc sống khá hài hòa dưới cái tên quốc gia là Úc Đại Lợi!
Hẹn gặp quý thính giả vào Lá Thư Úc Châu kỳ tới.
Đằng-Phong-Hầu

No comments:

Post a Comment