Ở Úc, những tuần dẫn đến ngày cuối năm là lúc thiên hạ chẳng để ý đến gì khác, ngoài việc mua sắm quà cáp cho nhau, nhất là trong ngày Boxing Day, tức là Ngày Đóng Hộp.
Niên học ở Úc cũng hết vào những ngày cuối năm này với các cô cậu tú vui buồn lẫn lộn vì mới có kết quả sau 13 năm học hành suốt từ lớp mẫu giáo đến hết lớp 12. Đối với những em cháu mong muốn vào đại học, thì đây là kết quả có tính cách quyết định.
Mỗi tiểu bang gọi kỳ thi tú tài tổng hợp kết quả của hai năm cuối trung học bằng một cái tên khác nhau, sắp hạng cũng khác nhau, nhưng đại khái thứ hạng hay kết quả này sẽ định đoạt việc có vào được đại học hay không, và sẽ được học ngành nào, ở trường nào. 39 trường đại học ở xứ này hoàn toàn dựa vào kết quả thi tú tài để tuyển sinh chứ không có chuyện đậu xong tú tài rồi thì... xóa đi làm lại, phải trải qua một kỳ thi nữa để vào đại học.Nhân chuyện đó, Lá Thư Úc Châu kỳ này xin đề cập tới một khuynh hướng đang làm điên đầu các nhà giáo dục Úc. Ấy là sự tụt giảm đáng ngại trong tỷ lệ các cô cậu tú chọn các ngành khoa học và kỹ thuật. Đây là các ngành đại loại như toán, kỹ thuật, vẽ đồ họa, và các môn khoa học.
Hai mươi năm trước đây, có tới 94% các cô cậu từ 16 tới 18 tuổi chọn học các môn kỹ thuật và khoa học này. Ngày nay con số đó sụt xuống chỉ còn xấp xỉ 50% mà thôi. Đa số học sinh vì không chịu học các môn kỹ thuật và khoa học ở bậc trung học, vì vậy khi lên đại học cũng không "kết" những ngành này, mà chỉ chăm chăm vào các ngành nghề nhân văn và xã hội. Thật sự thì xu hướng này không hẳn là xấu. Tuy nhiên, theo bản báo cáo công trình thăm dò do Giáo sư Ian Chubb "thuê" Viện Hàn lâm Khoa học Úc thực hiện, cho thấy một khía cạnh hiển nhiên là đà giảm sút này vẫn đang tiếp tục, và vài chục năm nữa, đất nước này sẽ không có mấy kỹ sư hay chuyên viên kỹ thuật thuộc các ngành đó nữa. Xã hội vì thế có thể mất cân bằng.
Tưởng cũng nên nhắc lại, với dân số hết sức khiêm nhường là 23 triệu, nước Úc từ trước đến nay vẫn rất khá trong lãnh vực khoa học vì đạt nhiều thành tích xuất sắc, so với tỷ lệ dân số. Người ta chỉ cần đếm con số khoa học gia Úc đã đoạt giải Nobel về các ngành khoa học, từ Y khoa đến Vật lý, là đủ chứng tỏ điều đó. Đất nước này đã cho thế giới những phát minh nổi đình nổi đám và những nhà khoa học tăm tiếng lẫy lừng suốt mấy thế kỷ qua.
Nhưng giờ đây thì một số lớn học sinh Úc cảm thấy các môn khoa học chẳng "ăn nhập" gì đến đời sống hàng ngày của chúng. Việc giảng dạy các môn khoa học hầu như chỉ là sửa soạn cho học sinh bước vào bậc đại học, vì thế nó nặng về từ chương, về số lượng dữ liệu cần phải biết và phải thuộc để đỗ đạt, chứ không mang lại cho học sinh các nền tảng căn bản hoặc khả năng thực dụng. Điều đáng lo hơn nữa là mười năm trước đây, chỉ có Nhật Bản và Đại Hàn là "trên chân" nước Úc trong lãnh vực giáo dục khoa học. Nhưng bây giờ, tức chỉ 10 năm sau, Úc đã sụt từ hạng ba xuống đồng hạng bẩy, vì bốn nước Phần Lan, Tân Gia Ba, Trung Quốc và Hồng Kông đã trèo cao hơn Úc.
Người viết vốn tò mò nên đã đọc hết bản báo cáo dài 80 trang của Viện Hàn lâm Khoa học Úc về vấn nạn giáo dục khoa học này, và phải nói là người viết cũng muốn chia sẻ mối lo ngại cho tương lai của nền khoa học Úc. Tuy nhiên còn có một điểm mà bản báo cáo không nói tới. Đó là con số học sinh gốc di dân không nói tiếng Anh chiếm khá đông trong số những trẻ em chọn các môn khoa học ở hai năm chót bậc trung học. Tỷ lệ học sinh gốc di dân, tức tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Anh, khá đông ở các trường học. Và các em này, ít nhất là các em trong thế hệ đầu hay thứ nhì, thường chọn các môn khoa học hơn là những học sinh sinh ra và lớn lên ở Úc.
Người ta không cần phải kiểm chứng xa xôi cho mất công. Chỉ cần xem tỷ lệ các em đậu các môn khoa học với điểm cao, từ hạng bình cho đến tối ưu, điển hình như ở tiểu bang Victoria là từ 40 đến 50 điểm (tức điểm tối đa) thì đủ rõ. Học sinh gốc di dân chiếm phần lớn các hạng này. Không phải là vì các em không giỏi Anh ngữ nên mới chọn các môn nhức đầu kia. Thực tế là ngay trong môn tiếng Anh, các em di dân cũng vượt trội hơn các em mà gia đình sinh sống nhiều đời ở Úc. Và một thực tế nữa là các ngành khoa học không cần tiếng Anh phải thật giỏi, nhưng lại là chìa khóa chính yếu để mở cửa vào đại học.
Giáo dục khoa học ở Úc vẫn được xem là khó khăn và khô khan, thế nhưng các môn không thuộc lãnh vực khoa học cũng khó không kém, đôi khi còn đòi hỏi một vốn liếng Anh ngữ rất lớn. Vì thế, trong khi các em học sinh gốc Úc hay gốc Anh tránh né các môn khoa học vì thấy khô khan và không có mấy liên hệ đến đời sống hàng ngày, thì các em gốc di dân lại chọn các môn khoa học nhiều hơn vì còn yếu Anh ngữ, và sẵn sàng bỏ công để dùi mài kinh sử hơn. Hơn thế nữa, đằng sau các em gốc di dân còn có sự khuyến khích của các bậc phụ huynh vốn tin tưởng ở giá trị của các môn khoa học.
Nói một cách khác, trong khi giới phụ huynh gốc di dân xem giáo dục là con đường tiến thân của thế hệ mai hậu, và họ rất trọng giới khoa bảng, nhất là về khoa học, thì dân Úc lại rất "lơ là". Bản báo cáo nói trên cũng "lơ" luôn sự khác biệt trong suy nghĩ giữa hai tầng lớp dân chúng đó. Vì vậy, chắc chắn mười năm nữa, Úc lại thấy mình tụt hậu trên bảng tổng sắp về khoa học và lại "lui cui" làm một bản báo cáo đại loại như vừa kể, tức một báo cáo không đưa ra nguyên nhân chính là vì đâu.
Và như thế thì cũng sẽ chẳng giải quyết được gì!
Đằng-Phong-Hầu
No comments:
Post a Comment