HS: Trong tuần qua, bộ tài chánh VN cho biết là họ đang phải trả nợ giùm cho 4 công ty xi măng mà nhà nước đã đứng ra bảo lãnh để vay mượn ngoại quốc lên đến 1 tỷ 300 triệu Mỹ kim. Có nghĩa là ngành xi măng VN đang làm ăn thua lỗ. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài viết dưới đây của Tấn Đức, giải thích nguyên nhân vì sao thua lỗ của ngành xi măng VN, qua sự trình bày của chị Hoàng Ân.
Bốn trong 16 dự án xi măng, trước đây được nhà nước VN bảo lãnh vay vốn, đang phải cầu cứu bộ Tài chính trả thay những món nợ đến hạn. Có thể nói, các sai lầm của thời xi măng lò đứng nay lại tái diễn, nhưng một số công ty trong ngành xi măng cho rằng đây chỉ mới là phần nổi, và đằng sau đó còn có rất nhiều công ty xi măng khác đang lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn.
Vào năm 2010, Trung Quốc khai tử 300 triệu tấn công suất xi măng, trong đó hầu hết là kỹ thuật lò quay với công suất 1 triệu tấn mỗi năm. Việc loại ra những thiết bị lạc hậu là điều bình thường. Nhưng điều không bình thường ở đây là các thiết bị và kỹ thuật ấy lại được ồ ạt nhập về Việt Nam suốt 6 năm qua. Một doanh gia có thâm niên trong ngành xi măng ước tính: “Hiện có khoảng 60 đến 70% nhà máy xi măng kiểu lò quay ở Việt Nam đang xử dụng thiết bị và công nghệ của Trung Quốc”.
Trong thập niên 1990, Việt Nam đã phải trả giá đắt cho phong trào phát triển xi măng lò đứng. Chỉ trong vòng 8 năm, các địa phương đã ào ạt nhập về hơn 50 dây chuyền sản xuất xi măng lò đứng của Trung Quốc, để rồi chẳng bao lâu sau đó, đến năm 2004, nhiều nhà máy bị yêu cầu phải khai tử vì kỹ thuật lạc hậu, lãng phí năng lượng, gây ô nhiễm môi trường và điều quan trọng nhất là không có hiệu quả kinh tế.
Nhưng bài học này chưa kịp thuộc thì ngành xi măng lại mắc ngay một sai lầm mới. Đó là phong trào làm xi măng lò quay, cũng với thiết bị lạc hậu của Trung Quốc. Loại lò quay công suất 1 triệu tấn mỗi năm của Trung Quốc tiêu hao nguyên liệu và điện năng gấp nhiều lần so với của châu Âu. Bên cạnh đó thì máy móc yếu kém, dễ hư hỏng nhưng bù lại thì có giá rất rẻ vì Trung Quốc lúc nào cũng có sẵn máy móc để bán, không như các công ty châu Âu là chỉ chế tạo theo đơn đặt hàng. Chỉ trong vòng 7 năm, công suất của ngành xi măng VN gia tăng gần ba lần, trong khi nhu cầu tiêu thụ chỉ tăng gấp đôi. Việc đầu tư ồ ạt gần như cùng lúc đã làm cho thị trường xi măng VN trở nên “bội thực”.
Cái khó khăn của ngành xi măng hiện nay không chỉ vì chính sách chống lạm phát của nhà nước, mà đã thật sự xuất hiện từ mấy năm trước. Để có tài chánh hoạt động và trả được các khoản nợ khi đến hạn thanh toán, nhiều công ty xi măng chưa có tên tuổi đã bán hạ giá sản phẩm để cạnh tranh, thậm chí là bán dưới giá sản xuất. Đây là giải pháp liều lĩnh khiến nhiều công ty không thể trả nợ nổi.
Cuộc cạnh tranh trong ngành xi măng hiện nay không có "kẻ thua người thắng" mà là tất cả cùng chết. Một doanh gia cho biết, nếu khấu trừ tỷ lệ lạm phát, thì giá xi măng hiện nay còn thấp hơn cả giá của năm 2004. Trong khi đó mọi chi phí sản xuất đều tăng gấp đôi, thậm chí là gấp ba, nên ngành này từ khả năng có lời cao, nay trở thành một trong những ngành làm ăn ít có hiệu quả nhất.
Sự thiếu đồng bộ giữa phát triển ngành xi măng và cơ sở hạ tầng cũng là nguyên nhân quan trọng khiến nhiều công ty xi măng, nhất là các công ty ở miền Bắc, rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Nhờ có nhiều nguồn đá vôi, nên hầu hết các nhà máy đều nằm ở các tỉnh miền Bắc. Mạng lưới giao thông yếu kém khiến chi phí vận chuyển xi măng từ Bắc vào Nam là rất cao, vì Việt Nam hiện vẫn chưa có bến cảng để xuất xi măng.
Một giám đốc công ty cho biết, để chuyển xi măng từ các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, nơi tập trung dày đặc các nhà máy xi măng, người ta phải bốc hàng lên xe tải, chở đến bến sông gần đó rồi bốc lên sà lan chở ngược ra cảng Cửa Dừa ở Quảng Ninh, sau đó lại bốc từ sà lan sang tàu lớn để đưa vào Nam. Tổng cộng cước phí vận chuyển là 700 đến 800 ngàn đồng một tấn, tức chiếm đến 45% giá bán lẻ. Đó là lý do tại sao những công ty xi măng có nguy cơ phá sản đều ở các tỉnh Bắc Trung bộ, Hà Nam và Ninh Bình.
Các khó khăn của ngành xi măng hiện nay cũng có một phần lỗi rất lớn của các cơ quan quản lý nhà nước. Trước hết, nhà nước đã không kiểm soát được phẩm chất máy móc nhập về và không học được bài học lò đứng trước đây. Thứ hai là làm ngơ trước lời cảnh báo về viễn ảnh dư thừa xi măng. Có tỉnh còn tự đứng ra xây nhà máy xi măng, rút từ nguồn vốn của các mục tiêu khác, cuối cùng không kham nổi, bỏ cuộc giữa chừng. Thứ ba là công tác dự báo thị trường quá yếu kém, không dự trù các tình huống tồi tệ, như khủng hoảng kinh tế hay lạm phát…
Ngoài ra, nhà nước Việt Nam cũng quá ảo tưởng về khả năng xuất cảng xi măng. Giới lãnh đạo nhà nước đã tỏ ra háo hức về viễn cảnh Việt Nam sẽ có dư xi măng để xuất cảng. Cho đến khi bắt tay vào nghiên cứu thị trường thì các công ty mới phát giác là việc xuất cảng xi măng gần như bất khả thi, chỉ bán được một ít sang Lào hay Trung Quốc. Lý do là vì cơ sở hạ tầng yếu kém, chi phí vận chuyển quá cao, và một loạt các vấn nạn khác.
Có lẽ vì quá tin tưởng vào viễn ảnh xuất cảng, nên những cảnh báo về dư thừa xi măng đã không được nhà nước quan tâm!
Tấn Đức
No comments:
Post a Comment