Thursday, September 15, 2011

NHỮNG KẺ MÁU LẠNH

Ngày 13.09.2011

HS: Hàng loạt vụ án mạng ghê rợn đã diễn ra ở VN trong mấy tuần qua, khiến nhiều người phải đặt câu hỏi về nguyên nhân nào dẫn đến các tội ác man rợ đó. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài thời sự "Những kẻ máu lạnh" của Trần Anh Tuấn, qua sự trình bày của anh Nguyên Khải.

Báo chí mấy ngày nay nóng hôi hổi thông tin về “Sát thủ máu lạnh” Lê Văn Luyện, nghi can chính trong vụ giết người cướp của chấn động dư luận cả nước. Mức độ say máu, tàn độc, thực hiện tội ác đến cùng của kẻ vị thành niên này có lẽ một thời gian rất lâu nữa vẫn đứng đầu bảng những tên tội phạm mặt người mà lòng thú.

Một vụ án tốn nhiều giấy mực trước đó là vụ “Xác chết không đầu”. Nhưng xét về học vấn thì sinh viên Nguyễn Đức Nghĩa ăn đứt cựu học sinh cấp 2 Lê Văn Luyện. Xét về môi trường dung dưỡng và nhúng tay vào tội ác, đất cảng Hải Phòng bao giờ cũng xoa đầu đứa em út ít ở vùng xa xôi và heo hút là Bắc Giang. Vậy có điểm gì chung giữa hai vụ xuống tay kinh hoàng này? Thử bàn về một vài chuyện sau đây.
Hiện trạng phân hóa xã hội sâu sắc tại Việt Nam là điều khó có thể bàn cãi. Người ta ung dung ngồi nhâm nhi bát phở sáng cả triệu bạc để nhìn ra bên ngoài những gánh hàng rong bánh mì, xôi, bún… phục vụ những đứa sinh viên đang vội vã vừa đi vừa nhai tới giảng đường đại học. Người ta tự hào lái những chiếc “siêu xe” cả tỉ bạc bóp còi inh ỏi, và phun khói vào mặt chủ nhân của những chiếc xe đạp lọc cọc mà hai bên là hai bao tải chứa đầy ve chai. Người ta lạnh lùng ký quyết định giải tỏa, thu hồi đất đai rồi đẩy cả một vùng dân cư vào tình trạng không nhà cửa hoặc sống chui nhủi nơi những gầm cầu, ổ chuột tạm bợ để có một khu vực rộng rãi cho việc xây sân gôn, khu nghỉ mát dành phục vụ những thành phần “đại gia” lắm tiền bạc và dư thừa trình độ ăn chơi.
Sự khủng hoảng của giáo dục nước nhà trong vài chục năm nay, rồi căn bệnh thành tích khiến vô số học sinh được đôn lên ngồi những lớp không phù hợp với trình độ, khiến cho quá trình xã hội hóa của những cá nhân này hoặc bị đứt đoạn, hoặc bị lệch lạc, không theo hướng mà gia đình và cộng đồng kỳ vọng ở chúng.
Sự lạnh lùng trong các phát ngôn, các quyết định liên quan tới tương lai đất nước cũng không phải là điều hiếm gặp. Khi Biển Đông bắt đầu có dấu hiệu sóng thần do ông bạn “16 chữ vàng” thè xuống cái lưỡi bò thì vị chủ tịch quốc hội, bây giờ là tân tổng bí thư, với khuôn mặt bình thản, giọng nói đều đều, giáng xuống nghị trường một nhát kéo cắt đứt toàn bộ mọi băn khoăn của các đại biểu với câu xanh rờn “Tình hình Biển Đông không có gì mới!”.
Khi ý định xé lẻ dự án bô xít Tây Nguyên bất thành, khi dư luaận bày tỏ nỗi lo ngại về thảm họa bùn đỏ hoặc xa hơn nữa là mưu đồ tinh quái của kẻ láng giềng trên “nóc nhà Đông Dương”, thì vị thủ tướng tự tin khẳng định việc khai thác bô xít “là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước!”. Nghĩa là không cần những tính toán khách quan, khoa học, không cần một cuộc thăm dò dư luận trong quốc gia luôn tự nhận là “dân chủ”, và bỏ ngoài tai những tiếng nói tâm huyết của nhiều nhân sĩ, trí thức,… Chỉ với 3 triệu đảng viên và một bộ máy cũng sinh ra từ số đảng viên ấy đã quyết định thay cho vận mệnh của 90 triệu đồng bào chỉ bằng lời tuyên bố đanh thép, vô cảm ấy.
Đường sắt cao tốc cũng là một biểu hiện của quyết tâm sắt đá trong chính phủ. Một dự án sẽ ngốn cả chục tỉ Mỹ kim từ một đất nước nghèo nàn, nhưng không hề khiến ông phó thủ tướng (nay là chủ tịch quốc hội) xúc động. Với thái độ hăng hái và ngôn ngữ quyết liệt, ngài đóng cây đinh ý chí bằng câu “Không thể không làm đường sắt cao tốc!”. Những tưởng cây đinh ấy sẽ im re sau khi bị quốc hội dứt khoát nhổ ra. Ngờ đâu nó vẫn sống mãnh liệt và có ý định ghim cắm thêm nhiều nhát nữa qua lời phát biểu có phần ngụy biện vụng về của ông bộ trưởng Giao thông Vận tải ngay sau đó: “Tuy Quốc hội chưa thông qua dự án này nhưng Quốc hội không cấm việc tiếp tục nghiên cứu. Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu là đúng luật…”. Phải chăng chỉ có một từ “ngoan cố” để nói về lời tuyên bố đầy máu lạnh này?
Gần đây hơn là vô số những hành động cùng tuyên bố kiểu ông chẳng bà chuộc của chính quyền trước hiện tượng nhiều người yêu nước bày tỏ thái độ phản đối Trung Quốc xâm lược. Từ những chuyện như bắt người lên xe bus với lý do “bảo đảm an ninh trật tự”, lau giày vào mặt công dân rồi chối bay chối biến… cho tới việc ông giám đốc công an Hà Nội vừa nói “Không chủ trương trấn áp người biểu tình yêu nước” thì ngay lập tức một công văn không chữ ký, không số mang nội dung “trấn áp” lập tức ra đời. Để rồi sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao lại lật đật đăng đàn thanh minh cho hành động cấm đoán dân chủ bằng cách kịch liệt phản đối Hoa Kỳ can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam với lời lẽ tưởng như mềm mại mà cực kỳ gan góc “Đây là phát biểu sai trái, không phù hợp”.
Phải tạm kết luận rằng, Lê Văn Luyện, Nguyễn Đức Nghĩa hay vô số những kẻ bất lương khác có môi trường nuôi dưỡng động cơ tối tăm bởi vì họ cũng là nạn nhân của xã hội. Cái xã hội đó đang quyết liệt đi theo con đường cộng sản chủ nghĩa mặc dù chưa giải xong bài toán về kiến trúc thượng tầng!
Trần Anh Tuấn

No comments:

Post a Comment