Wednesday, September 21, 2011

LÀM THEO NGẪU HỨNG

Ngày 20.09.2011

HS: Cũng như nhiều lãnh vực khác, giao thông tại VN đang là một bài toán mà giới quan chức VN đang loay hoay tìm cách giải, với nhiều sáng kiến rất lạ lùng. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài bình luận "Làm theo ngẫu hứng" của Lê Phục Văn về một yêu cầu mới của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, qua sự trình bày của anh Song Thập.

Một trong những vấn nạn lớn nhất tại Sài Gòn và Hà Nội gây bực bội rất nhiều nơi người dân là tình trạng kẹt xe gần như mỗi ngày, kể cả những giờ không phải là cao điểm. Từ 10 năm qua, giới chức cầm quyền vẫn loay hoay với bài toán này, không sao giải được và tiếp tục đưa ra những giải pháp mà thoạt nghe là người ta không nhịn được cười.

Làm sao nhịn cười cho được khi hai năm trước đây, giới chức giao thông đưa ra đề nghị là những người có vòng ngực nhỏ, tức thuộc loại gầy yếu, thì không được lái xe gắn máy. Rồi mấy tháng trước đây thì lại có đề nghị là những chiếc xe có bảng số chẵn chỉ được phép lưu thông vào ngày chẵn, ngược lại thì xe có bảng số lẻ sẽ lưu thông vào ngày lẻ.
Và bây giờ thì ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không đưa ra đề nghị mà là một yêu cầu từ đây cho đến cuối năm, các thành phố lớn phải lập kế hoạch hạn chế lượng xe gắn máy lưu thông trên đường phố, để buộc người dân phải chuyển sang di chuyển bằng phương tiện công cộng là xe buýt.
Không hiểu là khi đưa ra yêu cầu đó, ông Dũng có thử di chuyển bằng xe buýt ở Hà Nội và Sài Gòn hay chưa? Và có bao nhiêu thành viên trong nội các của ông xử dụng phương tiện này trong mấy năm qua?
Người ta tin chắc là chẳng có ông bà quan chức nào thử đi xe buýt cả. Vì nếu có thì ông Dũng phải biết là xe buýt ở hai thành phố lớn đó chưa hề đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, dù nhà nước đã trút vào hệ thống chuyên chở này hàng ngàn tỷ đồng suốt 10 năm qua.
Theo số liệu chính thức của nhà cầm quyền thành phố Hà Nội thì hệ thống xe buýt chỉ mới đáp ứng được 10% nhu cầu, và theo kế hoạch mới nhất thì đến năm 2010 cũng chỉ đáp ứng được 20%. Tại Sài Gòn thì còn tệ hại hơn nữa. Nhà cầm quyền đang có một kế hoạch thay mới tất cả các xe buýt và mở thêm nhiều tuyến đường nữa, nhưng theo tính toán rất lạc quan thì đến năm 2020 cũng chỉ đáp ứng được 12% nhu cầu đi lại của người dân.
Và còn một vấn nạn rất lớn nữa là cung cách phục vụ của các xe buýt, từ tài xế cho đến nhân viên soát vé, khiến cho người dân cảm thấy chán ghét hệ thống chuyên chở công cộng này. Đây cũng là một việc cần phải cải tổ sâu rộng, sẽ mất rất nhiều thời gian chứ không đơn thuần là quăng bỏ các xe buýt cũ và thay bằng những chiếc xe tối tân, ít hao tốn nhiên liệu hơn.
Nhưng điều đáng nói là với đường sá chật hẹp, việc giảm bớt vài trăm ngàn chiếc xe gắn máy, trong khi mỗi năm lại có thêm hàng chục ngàn chiếc xe hơi xuống đường thì liệu có giảm được tình trạng tắt nghẽn giao thông hay không? Ngay cả bãi đậu xe hơi ở Sài Gòn cũng khan hiếm thì mấy trăm ngàn chiếc xe hơi ấy phải đậu ở đâu, nếu không phải là trên đường phố?
Thế nhưng… ông tiến sĩ Phạm Xuân Mai của trường đại học Bách Khoa Sài Gòn thì ủng hộ yêu cầu của ông Dũng, và còn đưa ra sáng kiến là hạn chế xe gắn máy theo lộ trình và khu vực khác nhau. Nghĩa là có đường cấm, có đường không. Và có khu vực thì bị cấm, nhưng ở khu vực khác thì xe gắn máy cứ chạy thoải mái. Nếu vậy thì giả sử như, muốn đi từ quận Phú Nhuận (được chạy xe gắn máy), sang quận 3 (bị cấm xe gắn máy), thì người dân di chuyển bằng cách nào hả ông Tiến sĩ Mai?
Việc ấn định đường một chiều cũng đủ gây nhức đầu cho cả giới hữu trách lẫn người dân ở các thành phố lớn, huống hồ gì việc cấm xe gắn máy trên đường này hay khu vực kia. Nhưng có lẽ ông Mai không biết rằng, ở các thành phố lớn trên thế giới, người ta cấm các xe lớn chạy vào đường nhỏ, chứ không ai cấm xe nhỏ chạy vào đường lớn. Mà xe gắn máy thì không thể gọi là lớn để phải cấm chạy trên đường, trừ phi là cấm tuyệt đối việc xử dụng xe gắn máy.
Thật sự thì/ vấn nạn kẹt xe diễn ra trên khắp thế giới, chứ không riêng gì VN. Nhưng cách giải quyết không phải là cứ đưa ra lệnh cấm này đến lệnh cấm khác. Một trong những giải pháp là phải mở thêm đường sá, xây thêm cầu vượt và mạng lưới di chuyển công cộng như xe buýt, xe điện ngầm. Nhưng việc xây dựng đường sá cầu cống ở VN trong mấy năm qua đã lộ rõ khả năng yếu kém và mức độ tham nhũng kinh khủng của chế độ. Hàng loạt xa lộ được xem là hiện đại nhất nước nhưng vừa khánh thành là đã lở loét khắp nơi, và chỉ cần một trận mưa lớn là biến thành sông rạch.
Với đường sá như thế, thì dù có nhập về hàng chục ngàn xe buýt cũng chỉ gia tăng thêm tình trạng kẹt xe và tai nạn giao thông. Nhưng cái đáng sợ nhất là các xe ben, xe tải, xe đò... hiện là những hung thần trên đường phố mà mỗi khi gây tai nạn hay chết máy là các tuyến đường bị kẹt xe dài mấy cây số.
Nhưng thôi, cứ chờ xem các cấp dưới của ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ nghĩ ra những sáng kiến gì để hạn chế xe gắn máy theo lệnh của ông Dũng. Và hy vọng đó là những sáng kiến chứ không phải là… "tối kiến"!
LÊ PHỤC VĂN  

No comments:

Post a Comment