Thursday, September 15, 2011

NỖI LO TRONG MÙA MƯA BÃO Ở MIỀN TRUNG

Ngày 13.09.2011 

HS: Tinh trạng bờ biển hay bờ sông bị xâm thực, lấn sâu vào trong đất liền đã diễn ra ào ạt ở miền Trung suốt nhiều năm qua, đe dọa đến hàng ngàn gia đình. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả câu chuyện dưới đây về nỗi lo trong mùa mưa bão năm nay của người dân miền Trung, qua sự trình bày của Như Giang.  

Biển xâm thực nuốt mất làng. Bờ sông sạt lở sâu vào tận nhà dân. Những tảng đá lơ lửng trên núi có thể lăn xuống bất cứ lúc nào. Hàng trăm hồ đập thủy điện và thủy lợi được xây dựng không an toàn. Đó là những mối đe dọa khiến hàng vạn người dân ở các tỉnh miền Trung phải sống trong nỗi lo âu khi mùa mưa bão sắp đến.

Mùa mưa bão đã cận kề, nhưng giới cầm quyền địa phương ở các tỉnh miền Trung vẫn lúng túng trong bài toán an cư cho người dân. Đến khi nào thì mới có được một giải pháp chung, từ trung ương xuống đến địa phương, để giúp người dân nghèo miền Trung thoát khỏi cảnh “đi không được mà ở cũng không xong”?
Hai năm về trước làng biển Nhân Trạch, thuộc huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình, đã bị biển xâm thực nuốt chửng hàng chục căn nhà và các mẫu ruộng vườn. Sau đợt ấy, một số gia đình khá giả đã chuyển nhà đi nơi khác, nhưng đại đa số người dân Nhân Trạch nghèo khó vẫn bám trụ. Sóng biển truy đuổi đến đâu thì họ lùi nhà vào sâu hơn. Và cuộc rượt đuổi của biển đã làm người dân kinh hoàng hơn, khi chỉ trong vòng một ngày vào cuối năm 2010, biển đã nuốt trọn 5 căn nhà ở thôn Bắc Dinh thuộc xã Nhân Trạch.
Chị Nguyễn Thị Lạc ở thôn Bắc Dinh khóc nức nở trên chiếc móng nhà trống trơn. Ngôi nhà kiên cố của mẹ con chị bị biển nuốt chửng chỉ còn lại cái móng. Trong vòng vài tiếng đồng hồ, sóng biển đã nuốt chửng một dải đất dài cả 100 thước dọc theo khu dân cư của xã Nhân Trạch. Tài sản của người dân cả đời chắt chiu dành dụm đột nhiên tan biến. Trong 2 năm qua, biển ăn sâu vào các vùng duyên hải miền Trung. Tại xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh mỗi năm biển lấn sâu vào đất liền từ 30 đến 50 thước. Tính trung bình mỗi năm xã Thạch Bằng mất hơn 10 mẫu đất canh tác.
Tại Thừa Thiên - Huế, nhiều khu vực cũng bị lấn sâu vào bên trong như ở bờ biển xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, khiến hàng chục ngôi nhà xây kiên cố bị sóng biển cuốn trôi. Tình trạng này cũng đang xảy ra tại thị trấn Thuận An, tại xã Phú Hải, Vinh Hải, hay ở cửa Tư Hiền thuộc huyện Phú Lộc, hay tại xã Phong Hải, huyện Phong Điền… đe dọa đời sống của hàng trăm gia đình.
Nhưng không chỉ dọc theo bờ biển, dọc theo các bờ sông miền Trung tình trạng sạt lở đất cũng diễn ra ào ạt, với hàng trăm căn nhà có nguy cơ bị nước cuốn trôi. Chỉ trong vòng 2 năm qua, con sông Gianh đã nuốt chững hàng trăm mẫu đất dọc theo bờ hai huyện Tuyên Hóa và Quảng Trạch, với hơn 1000 gia đình cần được di tẩn khẩn cấp.
Tại Hà Tĩnh, hiện có hơn 1700 gia đình với hơn 6000 dân của xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên ở hai bên bờ sông Ngàn Mọ cũng sống trong tình trạng nơm nớp lo sợ bị hà bá nuốt chửng. Đoạn sông Ngàn Phố bị sạt lở hơn 9 cây số, kéo dài qua 6 xã Sơn Ninh, Sơn Thịnh, Sơn Bằng, Sơn Kim 1, Sơn Tân và thị trấn Phố Châu với khoảng 750 căn nhà đang bị đe dọa.
Và từ đầu năm đến nay, xã Đức Hương thuộc huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh cũng bị sạt lở dọc theo sông Ngàn Sâu với chiều dài gần 3 cây số, sâu vào bên trong từ 20 đến 50 thước. Con sông đã lấn vào sát 200 căn nhà. Ngôi đền Cả, hay còn gọi là đền Ngũ Lâu, mới được tu bổ đã đổ ập xuống sông. Cầu Hói Phố trên đường liên xã cũng bị đe dọa. Và bờ kè dọc sông Ngàn Sâu cũng bị cuốn trôi.
Mấy chục năm qua, hàng ngàn gia đình ở miền Trung luôn phải đối phó với tình trạng sạt lở đất. Đất lở tới đâu, người dân lùi nhà sâu tới đó. Nhưng trước đây nhà không xây kiên cố cho lắm nên việc xê dịch khá đơn giản. Mấy năm gần đây, vật liệu rẻ hơn, lại phải đối phó với lũ lụt, nên người dân miền Trung đều cố gắng xây nhà kiên cố. Chính vì không thể xê dịch dễ dàng nữa, nên không ít gia đình nuốt nước mắt nhìn ngôi nhà chìm xuống sông xuống biển. Và đến mùa mưa bão, họ lại di tản để lánh nạn đất lở, đợi gió bão tan thì trở về.
Trong trận lụt lịch sử vào cuối năm 2010, các hang đá ở huyện Minh Hóa đã cứu sống hàng ngàn người dân nghèo Quảng Bình. Khi nước dâng ngập nóc nhà, người dân đã dắt díu nhau lên các lèn đá. Đây là thói quen của hàng trăm năm qua. Trước khi lũ lụt, người dân ở vùng núi Quảng Bình lại đưa gia súc và tài sản lên đồi để tránh lũ. Lũ rút lại về. Dùng sức người để chống chọi với thiên nhiên là đặc tính của người dân nghèo miền Trung. Nhưng giờ đây thiên nhiên quá khắc nghiệt mà sức người thì có hạn...
Trong buổi làm việc với nhà cầm quyền tỉnh Quảng Bình vào ngày 4/9, ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh là không thể cứ sạt lở là xin tiền chính phủ để xây kè đập chống sạt lở. Vì nhiều nơi vừa xây xong thì lại bị sạt lở. Theo ông Dũng thì không thể chống lại quy luật của thiên nhiên, nên ở những nơi bị sạt lở sâu, thì phải di dời dân chúng. Nhưng ai sẽ chi tiến làm điều đó, hả ông Dũng?

No comments:

Post a Comment