HS: Vụ cướp đất của các nông dân ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng là một vụ điển hình của thời kỳ tư bản hoang dã ở VN. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài phóng sự của Liêu Thái, viết về chính sách cướp đất và mổ hôi nước mắt của người dân xã Hòa Liên, qua sự trình bày của Dian.
Thôn Quan Nam 5, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, phía Tây dựa lưng vào núi, phía Ðông hướng ra biển, phía Bắc là thành phố Đà Nẵng, phía tây nam là khu công nghiệp Hòa Khánh, và phía đông bắc là đèo Hải Vân mây phủ.
Mùa mưa đang bắt đầu. Ðập vào mắt chúng tôi là những đống đất đỏ với những cái ao, những mảnh ruộng bị san lấp lở dở và những con đường hút sâu vào xóm khiến cảm giác đất sẽ tuột xuống, phủ lấp lên người bất cứ lúc nào. Khu xóm im vắng, với vài thanh niên tụm năm, tụm ba ngồi hút thuốc. Cả nhóm nhìn chúng tôi với vẻ hoài nghi, nhưng sau đó trở nên gần gũi hơn khi nói về đất đai và giá đến bù.
Ông Tư, chỉ tay về mảnh vườn cách chỗ ông ngồi chừng mười thước, buồn bã nói: “Ðó, chúng tôi bị buộc di dời. Chẳng ai ham cái vụ này đâu. Bảy tám đời đã sống bình yên, tự dưng trở thành mất trắng!” Nhiều người bắt đầu góp tiếng để xả nỗi bực tức, nỗi khốn khổ và ức chế trong lòng.
Theo lời kể thì dường như cái dự án này có nhiều vấn đề. Nó mờ ám và đột ngột khiến bà con không kịp trở tay. Nó rơi xuống ruộng vườn của người dân ở đây như một nhát chém chí tử từ sau lưng. Ông Tuấn nói: “Dự án hình như có lâu lắm rồi, nhưng đến gần đây chúng tôi mới biết khi người ta đã đổ đất sát vườn mình. Đến lúc đó thì mình chỉ biết chịu trận. Vào năm 2010, họ đến đây đo đạc và cho biết là sẽ di dời mình đi. Mà đi đâu thì không ai biết”.
Ông Ngô Văn Tước, một người sống lâu năm trong thôn, nói: “Điều lạ nhất là thôn chúng tôi thuộc về thành phố, nhưng giá đền bù như vậy là quá thấp, mỗi mét vuông chỉ 100 ngàn đồng (tức 5 Mỹ kim), tức chưa đầy 3 tô phở. Có mà chết dân!”. Một người đàn ông khác tiếp lời: “Ruộng trong Quảng Nam nếu bị lấy thì cũng đền bù đến chín chục triệu đồng (tức 4500 Mỹ kim) cho một sào (500 thước vuông). Trong khi ở đây chỉ có hai mươi lăm triệu đồng, thấp như cám heo thì ai mà chịu chấp nhận!”.
Ban đầu nhiều người dân không biết nên cứ nhận tiền, cuối cùng chẳng làm được gì. Mấy sào ruộng vốn là nguồn sống cả mấy đời qua. Con cái đi học, làm nhà hay mua sắm cũng dựa vào đấy. Bây giờ đem đổi mấy chục triệu đồng trong khi tiền rớt giá liên tục. Liệu họ sẽ sống được bao nhiêu năm, bao nhiêu tháng?
Theo những người dân trong thôn cho biết thì giá ruộng sau đó được nâng từ 25 triệu đồng lên 27 triệu đồng, rồi 32 triệu đồng và hiện là 35 triệu đồng. Nhưng tính theo giá vàng và lạm phát thì số tiền vẫn quá nhỏ. Và giá trả cho đất vườn vẫn cứ 100 ngàn đồng cho mỗi thước vuông, tức còn thấp hơn giá một chiếc bánh Trung thu loại trung bình.
Một người dân bực tức nói: “Dân quá bất bình, lại thêm chuyện công ty nhà thầu thuê côn đồ đến đánh anh Tuấn, nên dân chúng kéo nhau đến đập phá, tìm cho được mấy thằng mất dạy hại dân. May mà hôm đó không có tụi nó, nếu có thì chúng tôi đã xử đẹp rồi!”.
Một người dân bực tức nói: “Dân quá bất bình, lại thêm chuyện công ty nhà thầu thuê côn đồ đến đánh anh Tuấn, nên dân chúng kéo nhau đến đập phá, tìm cho được mấy thằng mất dạy hại dân. May mà hôm đó không có tụi nó, nếu có thì chúng tôi đã xử đẹp rồi!”.
Một thiếu tá an ninh cho biết: “Cái dự án này giống như nuôi cá voi con vậy. Khi bắt về từ biển, nó chỉ tốn công và xăng dầu. Khi bán ra, nó nặng hàng tấn, tiền cao ngất trời. Khi đền bù thì mỗi mét vuông đất chưa được một bữa ăn sáng của các quan, nhưng đến khi bán lại, thì chỉ có đại gia mới mua nổi. Hơn nữa đây là khu biệt thự sinh thái, nên cây cối bà con trồng sẵn mấy đời sẽ được tận dụng làm phối cảnh, và chắc chắn là giá đất ở đây sẽ lên cả vài chục triệu đồng trên một mét vuông, chắc chắn là vậy!”.
Một kỹ sư đang làm việc tại công ty Trung Nam cho biết: “Ban đầu dân bị lừa vì hầu như toàn bộ thanh niên trong thôn được cho vào làm việc tại công trường với mức lương từ 2 đến 3 triệu đồng mỗi tháng. Vốn là nông dân, được đi làm thì ai cũng thích. Chính vì sợ mất việc, nên khi biết mình bị ép mà vẫn phải nhẫn nhịn. Thật ra, nếu làm một bài toán thì công ty quá khôn trong chuyện này, một năm tiền lương cho mỗi người chưa đến ba chục triệu đồng, và trong ba năm chỉ tốn chín chục triệu đồng tiền một người lao động. Còn lãi chán”.
Vị kỹ sư chua chát nói: "Mỗi người bị mất ít nhất cũng vài trăm triệu đồng tiền đền bù. Đây là chính sách lấy máu của ‘chính nó’ trả cho mồ hôi của ‘chính nó’. Đó là một sách lược quá tàn nhẫn và tinh ranh, muốn bịt miệng người dân bằng chính chén cơm, mồ hôi và máu của họ!”.
Vẫn còn rất nhiều trắc ẩn phía sau câu chuyện đất và người ở Hòa Liên, Hòa Vang, Ðà Nẵng. Xin kể thêm ở bài sau!
Liêu Thái
No comments:
Post a Comment