MỘT PHỤ NỮ 66 TUỔI LÃNH ÁN 11 NĂM TÙ VỚI CÁO BUỘC LẬT ĐỔ CHÍNH QUYỀN
Một tòa án ở tỉnh Đồng Nai vào hôm 21/9 đã tuyên án 11 năm tù đối với bà Phạm Thị Phượng 66 tuổi với cáo buộc là "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền", "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "tổ chức đưa người ra ngoại quốc".
Bà Phượng là một đảng viên đảng Vì Dân và đã sang tỵ nạn tại Thái Lan từ năm 2002. Sáu người con của bà hiện đang định cư tại Thụy Điển. Bà bị công an bắt giữ vào tháng 4 năm ngoái khi trở về Việt Nam.
Trong bản tuyên bố đưa ra vàoo hôm qua, đảng Vì Dân xác nhận bà Phượng là thành viên của mình và nói rằng họ "trân trọng ghi nhận tinh thần hy sinh của bà Phạm Thị Phượng, người đã không quản ngại khó khăn, dấn thân trở lại quê hương để góp sức thúc đẩy tiến trình phục hồi tự do, dân chủ cho Việt Nam".
HAI HỘI NGHỊ VỀ BIỂN ĐÔNG DIỄN RA TRONG VÒNG MỘT TUẦN
Một hội nghị thứ nhì về Biển Đông đang diễn ra ở Phi Luật Tân, bất chấp sự phản đối của Trung Cộng. Hội nghị này do chính phủ Phi tổ chức, kéo dài 2 ngày với sự tham gia của các chuyên gia hàng hải và giới luật gia của khối ASEAN.
Trưởng đoàn VN tham gia hội nghị này là ông Nguyễn Mạnh Đông, vụ phó vụ luật pháp và công ước quốc tế thuộc bộ ngoại giao VN.
Giới chức ngoại giao Phi Luật Tân cho biết là Trung Cộng đã phản đối hội nghị này, với lý do là chỉ có 4 nước là Phi, Việt, Brunei và Mã Lai là có tranh chấp về chủ quyền tại Biển Đông chứ không phải toàn khối ASEAN. Cần nhắc lại là vào ngày 19/9 vừa qua, một hội nghị về an ninh hàng hải trên Biển Đông cũng diễn ra tại thủ đô nước Bỉ, do các đại sứ Phi, Việt và Nam Dương đồng tổ chức.
RÒ RỈ HÓA CHẤT Ở NHÀ MÁY BAUXITE TÂN RAI
Chỉ mới đi vào hoạt động có vài tuần, nhà máy bauxite Tân Rai thuộc tỉnh Lâm Đồng đã thải ra môi trường một lượng hóa chất độc hại, khiến các bè cá của người dân chết hàng loạt.
Giới chức môi trường tỉnh Lâm Đồng đã làm cuộc kiểm tra và xác nhận là nguồn nước thải từ nhà máy có độ ô nhiễm vượt mức cho phép. Theo biện hộ của ban giám đốc nhà máy, việc ô nhiễm này là vì sơ suất của nhân viên khi quăng ném các bao đựng hóa chất ra bên ngoài khiến nước mưa cuốn trôi một số hóa chất vào hệ thống ống cống.
Tuy nhiên theo một số phóng viên báo chí thì những cái hồ pha trộn hóa chất của nhà máy bị nứt nẻ nên gây rò rỉ khắp nơi.
DƯ LUẬN PHẪN NỘ VÌ DỰ ÁN TƯỢNG ĐÀI MẸ VN ANH HÙNG
Kế hoạch xây dựng đài tưởng niệm Mẹ Việt Nam anh hùng đang gây phẫn nộ trong dư luận khi nghe tin phí tổn gia tăng gấp 5 lần so với dự tính ban đầu.
Dự án này được xây tại khu vực núi Cấm ở thành phố Tam Kỳ thuộc tỉnh Quảng Nam, với tổng diện tích hơn 15 mẫu. Dự án được khởi công vào năm 2007, với phí tổn khoảng 4 triệu Mỹ kim, nhưng bây giờ thì dự trù lên đến 20 triệu Mỹ kim.
Dự án này được xây tại khu vực núi Cấm ở thành phố Tam Kỳ thuộc tỉnh Quảng Nam, với tổng diện tích hơn 15 mẫu. Dự án được khởi công vào năm 2007, với phí tổn khoảng 4 triệu Mỹ kim, nhưng bây giờ thì dự trù lên đến 20 triệu Mỹ kim.
Người dân tỏ ra bất bình vì trong khi hàng chục ngàn bà mẹ đang sống trong cảnh đơn chiếc và nghèo túng thì nhà nước lại chi ra một số tiền quá lớn.TÍCH TRỮ 300 NGÀN TẤN
CÀ PHÊ ĐỂ ỔN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG
Hiệp hội sản xuất cà phê và cacao Việt Nam, gọi tắt là Vicofa, đang có ý định tích trữ khoảng 300 ngàn tấn cà phê trong năm nay để cung ứng cho thị trường nội địa và thế giới.
Vicofa dự đoán là trong mùa tới, sản lượng cà phê có thể đạt từ một triệu đến một triệu hai trăm ngàn tấn, với giá trung bình là 2160 Mỹ kim cho mỗi tấn. Trong 8 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất cảng được 958 ngàn tấn cà phê, có trị giá khoảng hai tỷ Mỹ kim.
NHIỀU CON ĐƯỜNG Ở SÀI GÒN ĐẶT SAI TÊN NHÂN VẬT LỊCH SỬ
Khó có thể trách cứ tại sao học sinh VN dốt Sử khi quá nhiều tên đường tại Sài Gòn đã bị viết sai. Chẳng hạn như tại quận 5 có tên đường Lương Nhữ Học, trong khi tên chính xác của vị danh nhân này là Lương Như Hộc, một danh sĩ thời Hậu Lê và là ông tổ của nghề in ấn VN.
Một con đường khác ở quận Phú Nhuận cũng bị đặt sai tên là Trương Quốc Dung thay vì Trương Quốc Dụng, một nhà sử học và thiên văn học nổi tiếng của thời nhà Nguyễn. Và một con đường khác thì mang tên Nguyễn Thiệp, thay vì là Nguyễn Thiếp, một danh sĩ với tên hiệu là La Sơn Phu Tử.
Giới chức thành phố Sài Gòn cũng thừa nhận là nhiều tên đường đã viết sai tên, nhưng rất khó sửa chữa vì quá tốn kém.
No comments:
Post a Comment