Monday, September 26, 2011

ĐỤNG ĐÂU LỖ ĐÓ!

Ngày 24.09.2011

HS: Chuyện làm ăn thua lỗ của các công ty quốc doanh là chuyện dài nhiều tập, diễn ra từ năm này sang năm khác, và đã trở thành một chứng bệnh nan y trong chế độ cộng sản. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài quan điểm "Đụng đâu lỗ đó" của LLDTCNTQ về chứng bệnh nan y này, qua sự trình bày của anh Hải Nguyên.

Vào ngày 30/8 vừa qua, cơ quan kiểm toán nhà nước VN công bố bản báo cáo kiểm toán trong năm tài chánh 2010 đối với 27 tập đoàn và công ty nhà nước. Theo thói quen "phủ bênh phủ, huyện bênh huyện", cơ quan nhà nước thì phải bênh vực cho công ty nhà nước, nên muốn tìm hiểu sự thật về việc làm ăn của các công ty đó, người ta phải cố gắng đọc giữa các hàng chữ và các con số vì chúng được viết một cách rất mù mờ và hỗn loạn.

Chẳng hạn như trong phần mở đầu, báo cáo viết rằng trong số 27 công ty được kiểm toán thì 25 công ty làm ăn có lời, duy trì được vốn. Thế nhưng chỉ vài đoạn sau đó thì liệt kê một loạt công ty đang làm ăn thua lỗ. Điển hình như Tổng công ty Lắp máy lỗ 103 tỷ đồng, Tổng công ty Sông Hồng lỗ hơn 20 tỷ, Tổng công ty Bưu chính lỗ hơn 1 ngàn tỷ đồng, Công ty Cho thuê Tài chánh số 2 lỗ hơn 3 ngàn tỷ. Và ở một đoạn sau nữa thì báo cáo cho biết là nhiều công ty đang thua lỗ vì đầu tư vào thị trường chứng khoán và địa ốc.  
Thế nhưng chuyện thua lỗ của các tập đoàn quốc doanh không phải là chuyện lạ, thậm chí còn được xem là rất bình thường. Ví dụ như ông tổng giám đốc công ty Sông Hồng, ngay sau khi báo chí loan tải các số liệu nói trên, thì hùng dũng tuyên bố là khoản lỗ 20 tỷ đồng của công ty ông nên được xem là một "thành tích đáng kể" vì nó khá thấp so với các năm trước. Và muốn biết tại sao các công ty đó làm ăn thua lỗ, thì nên xem bài phóng sự trên tờ Sài Gòn Tiếp Thị viết về công ty Vinalines đã cho nằm ụ một số tàu vận tải có trị giá lên đến hơn 100 triệu Mỹ kim suốt mấy năm qua. Nhưng mới đây thì công ty này chi ra 37 triệu Mỹ kim để mua một chiếc tàu của Nhật, chỉ có giá 30 triệu Mỹ kim.
Nhưng điều đáng nói hơn nữa là không chỉ ngân sách quốc gia phải bù lỗ mà còn phải gánh thêm việc trả nợ đáo hạn cho những tập đoàn đó. Điển hình là chỉ mấy ngày sau cái báo cáo của kiểm toán nhà nước, bộ tài chánh VN tiết lộ là họ đang phải thanh toán giùm tiền nợ đang đáo hạn cho 4 công ty xi măng. Đây là các khoản trả góp cho tổng số tiền 1 tỷ 500 triệu Mỹ kim vay mượn từ ngoại quốc mà nhà nước VN đã đứng ra bảo lãnh cho 4 công ty xi măng này từ năm 1998 đến nay. Đặc biệt nhất là công ty xi măng Đồng Bành không thể trả góp được số tiền vốn cộng tiền lời lên đến 141 tỷ đồng.
Với tỷ lệ lạm phát và lãi xuất ngân hàng trên mức 20% hiện nay, người ta có thể hình dung được sự ảm đạm trong ngành sản xuất và kinh doanh ở Việt Nam trong năm nay và nhiều năm tới nữa. Thế nhưng đảng cộng sản VN vẫn cương quyết theo đuổi chính sách "kinh tế quốc doanh là chủ đạo", và ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì xem lãnh vực quốc doanh là các "quả đấm thép" của VN.
Và các "quả đấm thép" ấy, từ Vinashin cho đến Vinalines và nay là Đồng Bành, đang trở thành những "quả búa tạ" đè nặng trên vai của nền kinh tế VN. Chúng đang ngốn những số tiền thuế khổng lồ của quốc dân mà không mang lại một hiệu quả nào cho xã hội.
Trong tuyên bố ngay sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ 2, ông Nguyễn Tấn Dũng lại hô hào phải đẩy nhanh tiến trình cải cách các tập đoàn kinh tế nhà nước, đổi mới cung cách quản trị và dẹp bỏ mọi hình thức ưu đãi để ép buộc các công ty này phải cạnh tranh bình đẳng với lãnh vực tư nhân.
5 năm trước đây, khi lên ngồi ở ghế thủ tướng, ông Dũng cũng đưa ra những hô hào tương tự. Nhưng kết quả là "lỗ vẫn cứ lỗ", thậm chí là còn dẫn đến việc vỡ nợ mà điển hình là tập đoàn đóng tàu Vinashin.
Chính vì thế chẳng ai tin là nội các mới của ông Dũng sẽ cải cách được tình trạng làm ăn thua lỗ trong lãnh vực quốc doanh, nơi đang là môi trường màu mỡ của tệ nạn tham nhũng và chia chác quyền lợi cho những phe phái trong đảng. Xin hỏi ông Dũng là làm sao các công ty tư nhân có thể cạnh tranh với các tập đoàn quốc doanh khi luật pháp nằm trong tay đảng, tức cùng phe với những người lãnh đạo các tập đoàn đó?
Nếu thật sự muốn cải cách thì chỉ có một phương thức duy nhất. Nhưng phương thức này hơi khó đối với ông Dũng. Đó là tuyên bố giải thể chế độ như ông Gorbachev đã làm, để chuyển sang một thể chế dân chủ và pháp trị thật sự. Chỉ khi nào có được sự giám sát của phe đối lập, cộng với một hệ thống pháp luật chí công vô tư, thì mới tạo được sự cạnh tranh công bằng giữa các công ty tư nhân với các tập đoàn quốc doanh.
Nhưng quan trọng hơn hết là các tổng giám đốc công ty quốc doanh phải là những người được tuyển chọn dựa trên năng lực và trí tuệ thật sự, chứ không phải là những đảng viên biết chạy chọt để ngồi vào các chiếc ghế đó!
LLDTCNTQ

No comments:

Post a Comment