HS: Hết nạn ốc bươu vàng thì đến móng trâu, thao dược và nay là chuối - sắn, khiến cho giới nông dân VN lao đao và kiệt quệ vì những đợt thu mua khó hiểu của giới lái buôn Trung Quốc. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài viết dưới đây của Lâm Chí Công về thảm trạng buôn bán với Trung Quốc của giới nông dân VN, qua sự trình bày của chị Dian.
Hàng ngàn mẫu chuối của nông dân huyện miền núi Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị đang đứng trước nguy cơ bị bỏ rơi. Chuối chín rục, rụng đầy nương rẫy do không có ai mua, mà hậu quả dây chuyền là người trồng chuối cũng buông thả luôn vườn chuối, không làm cỏ hay chăm sóc.
Cùng lúc đó, ở đồng bằng của tỉnh Quảng Trị, nơi có nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất cảng Hải Lăng, hàng trăm ngàn tấn sắn tươi của nông dân không được nhà máy thu mua như đã cam kết, vì lý do nhà máy không bán được sản phẩm nên mua sắn tươi để làm gì…
Vì sao nên nỗi này? Câu trả lời cũng là vì Trung Quốc!
Liên tiếp trong ba năm qua, giới lái buôn Trung Quốc vào tận huyện Hướng Hóa mua chuối, có lúc 1 ký chuối được đẩy giá lên tới 12 ngàn 500 đồng. Thế là dân chúng đổ xô nhau đi mua chuối giống, và sang tận Lào thuê đất khai khẩn để trồng chuối bán cho Trung Quốc.
Khi hàng chục ngàn mẫu chuối, giấc mơ triệu phú từ việc bán chuối sang Trung Quốc, bước vào thời kỳ thu hoạch, đang chín đỏ ở khắp các trang trại chuối, thì tuyệt nhiên không còn ai hỏi mua nữa. Tương tự như thế là sắn mì, đầu ra của tinh bột sắn cũng là Trung Quốc. 100% tinh bột sắn của nhà máy ở Hải Lăng chỉ xuất sang thị trường này. Nhưng bây giờ liên lạc với các bạn hàng lâu nay, năn nỉ họ mua giùm để có tiền mua sắn tươi cho nông dân, lỗ cũng được, nhưng các đầu dây bên kia hoặc là không nghe máy hoặc là số máy đã đổi.
Khi hàng chục ngàn mẫu chuối, giấc mơ triệu phú từ việc bán chuối sang Trung Quốc, bước vào thời kỳ thu hoạch, đang chín đỏ ở khắp các trang trại chuối, thì tuyệt nhiên không còn ai hỏi mua nữa. Tương tự như thế là sắn mì, đầu ra của tinh bột sắn cũng là Trung Quốc. 100% tinh bột sắn của nhà máy ở Hải Lăng chỉ xuất sang thị trường này. Nhưng bây giờ liên lạc với các bạn hàng lâu nay, năn nỉ họ mua giùm để có tiền mua sắn tươi cho nông dân, lỗ cũng được, nhưng các đầu dây bên kia hoặc là không nghe máy hoặc là số máy đã đổi.
Trong khi người nông dân đang rất buồn lo và hoang mang trước khổ nạn vì không bán được 'chuối – sắn' thì có vẻ như sự phản ứng của giới hữu trách là… vẫn tỉnh bơ.
Để duy trì diện tích trồng chuối đã lỡ đầu tư rất nhiều công sức và tiền bạc ở huyện Hướng Hóa và một số huyện giáp biên giới Lào, các cấp chính quyền lẽ ra phải có ngay những hành động trấn an, giúp dân bán được quả chuối, nhưng quan trọng nhất là phải khẩn cấp phát đi tín hiệu về sự chủ động tiêu thụ sản phẩm, đồng thời phải vận động giới doanh gia địa phương đầu tư nhà máy chế biến trái cây ngay trong vùng. Nhưng cho đến giờ phút này, cũng chẳng có tín hiệu hay hành động nào cả.
Họ không thể nghĩ được một điều giản dị là làm chuối khô để bán cho người dân Việt Nam mình tiêu dùng vẫn tiện lợi hơn, thay vì đi vào các siêu thị để thấy nhan nhản chuối khô đóng gói do nước ngoài sản xuất. Và với sắn tươi, dù giá rẻ tới mức càng bỏ công thu hoạch thì càng lỗ, nhưng nếu nông dân chủ động xắt lát phơi khô rồi tồn kho đợi giá lên mang bán cũng là một cách tự cứu, dù là nhỏ nhoi.
Nhưng điều đáng nói nhất là, bài học 100% tinh bột sắn chỉ xuất bán sang thị trường Trung Quốc là quá cay đắng và đắt đỏ.
Ở vùng đông bắc Thái Lan, nơi có ngành trồng và chế biến sắn mì hiện đại nhất nhì thế giới, các nhà máy tinh bột sắn chỉ xuất cảng nhiều nhất là 30% và họ xuất đi rất nhiều nước, nhưng gần như không có Trung Quốc vì giá quá rẻ. Các tinh bột sắn của Thái chủ yếu bán cho các ngành sản xuất công nghiệp ở trong nước. Họ làm ra sản phẩm từ tinh bột sắn rồi mới xuất bán đi các nước, nhờ vậy giá trị gia tăng và công ăn việc làm từ củ sắn Thái Lan là rất đáng khâm phục.
Thực ra, cuộc chiến kinh tế mang tên "chuối – sắn" không phải mới đây. Những cuộc thu mua móng bò, móng trâu đã từng làm tan nát các làng quê VN. Và bây giờ ở nông thôn, câu chuyện thời sự nóng bỏng là các lời đồn đại về những người nước ngoài thu mua con đỉa với giá 10 ngàn đồng một con.
Hãy thử tưởng tượng, khi người người và nhà nhà đua nhau nhân giống và nuôi đỉa thì đó sẽ cuộc chiến tranh gì?
Lâm Chí Công
No comments:
Post a Comment