Friday, September 23, 2011

ĐÀM PHÁN VIỆT – TRUNG: SONG PHƯƠNG HAY ĐA PHƯƠNG?

Ngày 23.09.2011

HS: Trong bối cảnh thế giới hiện nay, việc quốc tế hóa các cuộc đàm phán sẽ có lợi rất nhiều cho những nước nhỏ. Điển hình như quyết tâm của chính phủ Palestine trong việc lập quốc của họ hiện nay. Thế nhưng tập đoàn lãnh đạo CSVN thì làm ngược lại. Chúng tôi xin gửi đến thính giả bài bình luận dưới đây của Đà Giang, qua sự trình bày của Vân Khanh.

Theo báo Le Monde, xuất bản tại Pháp ngày 16/9 vừa qua, Tổng thống Mahmoud Abbas của lãnh thổ Palestine tuyên bố sẽ xúc tiến đưa vấn đề thành lập quốc gia Palestine ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, thay vì đàm phán với Do Thái dưới sự lãnh đạo của thủ tướng Netanyahu.

Như chúng ta biết, tương quan giữa Palestine và Do Thái là tương quan bất bình đẳng, giữa một dân tộc yếu chưa được chính thức công nhận như một quốc gia và một quốc gia có lực lượng quân sự không thua bất cứ siêu cường nào trên thế giới.
Trên nhiều phương diện, tương quan giữa Palestine và Do Thái giống như tương quan giữa Việt Nam và Trung Quốc trong các cuộc đàm phán về lãnh địa và lãnh hải.
Chân lý tự cổ chí kim trong sự tương tranh sống còn giữa các dân tộc, là quyền lợi của nước mạnh luôn nằm nơi chính sách đàm phán song phương. Ngược lại, quyền lợi nước yếu nằm nơi chính sách đa phương hóa, hoặc quốc tế hóa các đàm phán.
Chân lý này áp dụng từ thời Tần Thủy Hoàng. Trước công nguyên, nhà Tần mạnh nhất trong các nước chư hầu đã dùng chính sách thanh toán từng nước nhỏ, thẳng tay trừng trị những nước nào xen lấn vào các đàm phán song phương giữa Tần quốc và bất cứ nước chư hầu nào. Vào tiền bán thế kỷ 20, Đức Quốc Xã hùng mạnh dưới thời Hitler cũng nhất định thương thuyết song phương với nước yếu là Ba Lan. Hitler không muốn có sự xen lấn của các cường quốc khác như Anh hay Pháp. Trong khi đó, Ba Lan cần sự giúp đỡ của hai cường quốc này.
Tương tự, chính phủ Do Thái luôn tuyên bố không chấp nhận việc thành lập quốc gia Palestine, nếu không qua một quá trình đàm phán song phương. Dưới áp lực của Hoa Kỳ, Liên hiệp Âu châu và nhiều nước trong khối Á Rập, chính phủ Do Thái chấp nhận trên nguyên tắc một tiến trình thương thuyết song phương, nhưng không đơn thuần và có sự tham gia của 4 phe gồm: Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ, Liên Hiệp Âu Châu và Nga Sô.
Tuy nhiên trên thực tế, Do Thái đã cố ý kéo dài tiến trình thương thuyết. Họ tích cực cho dân lấn đất Palestine, tạo những khu cư dân Do Thái tự trị trên các vùng đất truyền thống Palestine, không những ở vùng Tây Ngạn mà còn ở cả miền đông thành phố Jerusalem. Miền đông Jerusalem là vùng đất mà chính phủ quốc gia Palestine có ý định biến thành thủ đô của họ trong tương lai.
Trước sự trì trệ này, quyết định của Tổng thống Mahmoud Abbas là đưa vấn đề Palestine trực tiếp ra Hội đồng Bảo an LHQ, để quốc tế hóa cuộc tranh chấp. Nếu thành công, Palestine sẽ trở thành tân quốc gia và là tân thành viên của LHQ. Hoa Kỳ và Anh Quốc vốn là những đồng minh gắn bó với Do Thái nên nhất định sẽ phủ quyết. Nếu như bị phủ quyết, ông Abbas sẽ đưa vấn đế ra Đại hội đồng LHQ vì xác suất thành công cao hơn, bởi Hoa Kỳ và Anh Quốc chỉ là thiểu số. Nếu thành công tại Ðại Hội Ðồng LHQ, Palestine sẽ được công nhận trong tư cách quan sát viên, nhưng chưa phải là quốc gia thành viên của LHQ. Tư cách này tương tự như Tòa thánh Vatican.
Do Thái hoàn tòan không muốn việc này xảy ra, vì sẽ đem lại một thắng lợi lớn cho Palestine trên phương diện chính trị.
Tình hình quan hệ Việt - Trung cũng như vậy. Quyền lợi của Trung Quốc nằm nơi chủ trương đàm phán song phương, cô lập kẻ yếu và lấy thế kẻ mạnh để cướp đất cướp biển. Quyền lợi của Việt Nam nằm nơi chủ trương quốc tế hóa cuộc tranh chấp này.
Nhưng với sự băng họai và tha hóa của đảng CSVN, các nguyên tắc chính trị bình thường không được áp dụng. Ðiều nực cười, Trung Quốc là kẻ mạnh tất nhiên bảo vệ quyền lợi của mình và nhất quyết chủ trương đàm phán song phương. Nhưng Việt Nam là nước yếu mà lại hoàn toàn đồng ý với Trung Quốc, thay vì chủ trương quốc tế hóa vấn đề qua Hội đồng Bảo An hay Đại Hội Đồng LHQ, như chính phủ Palestine đang làm.
Ngày 29/8 vừa qua tại Bắc Kinh, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh đã chính thức tuyên bố một cách ngu xuẩn: “Việt Nam không có ý định quốc tế hóa các vấn đề giữa Việt Nam và Trung Quốc, vì chính lợi ích của chúng tôi".
Rõ ràng hiểm họa lớn nhất của dân tộc Việt hôm nay chính là chủ trương thà mất nước còn hơn mất đảng của CSVN.
Khi duyệt lại tình hình đất nước, chúng ta phải đau buồn nhận xét rằng, toàn thể bộ chính trị CSVN nhất là Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng không xứng đáng xách dép cho Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Nếu họ có cơ hội và dũng khí làm công việc ý nghĩa này, vận mệnh dân tộc chúng ta sẽ bớt bi đát.  
Đà Giang
17/9/2011

No comments:

Post a Comment