HS: Trong bối cảnh VN hiện nay, một ngư dân lành lặn và khỏe mạnh cũng khó kiếm tiền để nuôi gia đình, huống gì một ngư dân bị liệt hai chân, có vợ và 5 con. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài phóng sự dưới đây về hoàn cảnh một ngư dân ở tỉnh Quảng Ngãi, qua sự trình bày của Như Giang.
Suốt 5 năm qua, mỗi khi gà gáy canh đầu tiên, người dân cửa Sa Cần, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi, lại thấy ông Huỳnh Minh Sơn 48 tuổi và người vợ Huỳnh Thị Đông 45 tuổi lò dò ra biển. Ông Sơn, hai tay chống nạng, kéo lê đôi chân liệt từ từ ra bãi Sau, nơi để thúng thuyền của ngư dân sát bờ tường nhà máy đóng tàu Dung Quất. Đi phía sau là vợ ông, vai mang dầm chèo. Khi ông Sơn đã ngồi vững vào thúng và từ từ đi ra cửa biển thì người vợ quay về nhà.
Ông Sơn nói: “Chân cẳng tui thế này, biết đi biển là rất khó nhọc. Nhưng hổng đi biển, với năm đứa con, thì biết lấy gì mà sống đây?”.
Đưa tay chỉ ra biển, nơi có một chiếc thúng chạy bằng máy đang từ từ tiến chậm vào bờ, anh công an xã Bình Đông nói: "Cái thúng đó là của ông Sơn. Bị liệt mà vẫn đi biển. Thật tội nghiệp".
Khi chiếc thúng tấp vào bờ, ông Sơn dùng hai tay đu mình trườn qua be thúng, rồi nhoài mình ra ngoài. Hai tay bám chặt be thúng và hai chân từ từ thả xuống nước biển lạnh ngắt. Ông Sơn cười nói với người vợ: “Chắc được 200 ngàn đồng đó bà. Hơn hôm qua một chút”. Ngồi trên be thúng, ông Sơn kể: “Ở nhà thấy vợ con nheo nhóc quá, tui mới liều đi biển. Đôi chân này vô dụng từ năm 2003 lận, trong một lần lặn biển”.
Trước năm 2003, ông Sơn sống bằng nghề bắt tôm hùm, tuy không khá giả nhưng cũng đủ nuôi vợ con. Một hôm có người hỏi ông Sơn: “Mày đi lặn đồ cổ không? Đi một chuyến bằng cả đời lặn tôm hùm”. Nghe thấy mê nên ông Sơn bỏ nghề lặn tôm hùm, theo ghe ông Năm Đỏ ở xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn ra vùng biển gần đảo Cù Lao Chàm của tỉnh Quảng Nam để lặn kiếm đồ cổ. Đi chuyến đầu tiên, ông Sơn về khao cả xóm. Sang chuyến thứ hai, ông Sơn đưa vợ đi đổi lấy bốn cây vàng và cất nhà gạch.
Tưởng lần này giàu to, ông Sơn tiếp tục theo tàu ra đảo Cù Lao Chàm làm chuyến thứ ba. Đó là buổi trưa ngày 1 tháng 3 năm 2003. Do tìm thấy đồ cổ quá nhiều nên các tay thợ lặn quên mất việc phải tuân thủ quy luật lặn xuống biển. Ông Sơn bùi ngùi kể: “Lúc nằm dưới đáy biển, tui thấy trong người mệt lắm rồi, vì lúc lặn xuống nhanh quá. Đến khi quá giờ, hơn 30 phút dưới nước, tui lại không lên. Sau đó, trên ghe kéo tui lên thì đi quá nhanh vì họ thấy đồ cổ có nhiều, nên lên – xuống nhanh cho đỡ tốn thời gian”.
Lên đến ghe, ông Sơn ngất lịm, không còn biết gì nữa. Anh em đưa ông Sơn về cho vợ ông trong tình trạng bị liệt toàn thân. Vợ ông mang bán tài sản để đưa ông đi chữa bệnh. Nằm ở bệnh viện Chợ Rẫy – Sài Gòn được hai tháng, sau đó chuyển về bệnh viện đa khoa Đà Nẵng một tháng, nhưng bệnh tình của ông Sơn vẫn không thuyên giảm. Tài sản trong nhà thì cứ vơi dần và đến khi không còn đồ gì nữa để bán, người vợ đưa ông về chữa trị tại nhà. Nhờ kiên trì tập luyện tại nhà, sau hai năm, đôi chân của ông Sơn cử động được, nhưng không thể đi lại.
Từ ngày ông Sơn bị liệt, ba đứa con lớn trong nhà phải bỏ học nửa chừng. Đứa con gái lớn đi làm thuê cho các công trình xây dựng ở Dung Quất, còn hai đứa con trai mới 14 và 16 tuổi phải bỏ học để đi biển. Bà Đông nói: “Nếu không có ba đứa nhỏ đi làm thì cả nhà chỉ có... uống nước biển mà sống”.
Nhìn thấy các con phải bỏ học để kiếm cơm, ông Sơn quyết định phải tập đi biển. Lần đầu tiên ra thúng, ông loay hoay chừng 30 phút vẫn không leo lên được. Lúc ấy đứa con trai 14 tuổi phải nâng đỡ ông và cũng theo cha chèo thúng ra khơi. Đi được vài năm, đứa con trai thấy cha tự đi một mình được, nên bỏ vào Vũng Tàu làm thuê cho tàu cá ở đây.
Tôi hỏi: “Thế ra biển, anh làm sao mà thả lưới?”. Anh Sơn giải thích: “Người ta đứng, còn mình thì ngồi thả lưới. Cứ rải lưới rồi cho thúng đi chầm chậm. Vì ngồi kéo lưới, thả lưới, nên cái sạp giữa thúng phải cao lên chừng hơn gang tay so với người ta. Nói vậy chớ lâu lâu lại bị té xuống biển. Hai chân thì chịu chết, chỉ dùng hai tay bơi mà thôi”.
Vì không có tiền sắm chiếc thúng nên hai đứa con trai phải vào Vũng Tàu làm thuê kiếm sống. Bây giờ, cả nhà còn mấy miệng ăn đều phụ thuộc vào những ngày đi biển của ông Sơn: “Nếu bữa nào kiếm được 100 ngàn đồng, thì dư được 30 ngàn đồng. Đủ đong gạo! Ước gì bây giờ, tui có 30 triệu đồng trong tay, tui sẽ mua một chiếc ghe nhỏ để cho hai thằng nhỏ về quê, rồi ba cha con cùng làm. Khỏi phải đi biển”.
30 triệu đồng, tức chưa đến 1500 Mỹ kim, bằng 30 tô phở bò Kobe ở Hà Nội. Đó là ước mơ của một ngư dân bị liệt hai chân mà vẫn phải ra biển để kiếm tiền nuôi vợ con!
No comments:
Post a Comment