Monday, April 8, 2024

Trung Quốc và Mỹ- Ai là kẻ bắt nạt?

Bình Luận

Tại diễn đàn Châu Á Bác Ngao, CSTQ lại dở tró nhàm chán “vừa ăn cướp vừa la làng” và các quốc gia Châu Á thực sự rất khó thuyết phục để phục thị cho CSTQ

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Hiếu Chân/Người Việt với tựa đề: “Trung Quốc và Mỹ- Ai là kẻ bắt nạt? sẽ được Nguyên Khải trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.

Hiếu Chân/Người Việt 

Tại hội nghị thường niên của Diễn Đàn Châu Á Bác Ngao tại Hải Nam, Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh liên tục lên án Hoa Kỳ “bắt nạt” thế giới, đồng thời trình bày quan niệm của họ về một Châu Á tự do và thịnh vượng không có Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trên thực tế, chính Trung Quốc mới là kẻ bắt nạt (bully) các nước láng giềng và tham vọng bá chủ khu vực của Bắc Kinh mới là yếu tố đẩy châu Á vào bất ổn.

Diễn Đàn Bác Ngao có từ năm 2001 sau khi Trung Quốc trở thành thành viên của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), thường được coi là “phiên bản khu vực” của Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos (World Economic Forum) được tổ chức hằng năm tại Thụy Sĩ. Diễn Đàn Bác Ngao quy tụ nhiều nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, thảo luận những vấn đề thời sự mà khu vực này phải đối mặt. Diễn đàn năm nay được tổ chức từ ngày 26 đến 29 Tháng Ba, quy tụ khoảng 2,000 đại biểu từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số này có các nguyên thủ quốc gia như Tổng Thống Kassym-Jomart Tokayev của Kazakhstan, ông Hun Sen – chủ tịch Thượng Viện và là cựu thủ tướng Cambodia, và ông Dinesh Gunawardena – thủ tướng Sri Lanka …

Diễn giả chính của hội nghị là ông Triệu Lạc Tế, chủ tịch Quốc Hội Trung Quốc. Ông Triệu đã dành một phần bài diễn văn khai mạc để lên án cái gọi là “hành vi dọa nạt và chủ nghĩa bá quyền.”

“Những hành vi dọa nạt và bá quyền là hết sức tai hại. Chúng ta phải chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại và mọi hình thức rào cản, tách biệt (decoupling) hoặc gây nguy hiểm cho các chuỗi cung ứng hàng hoá,” ông Triệu nói. 

Tuy ông không nêu đích danh Hoa Kỳ để phê phán nhưng hàm ý của ông là khá rõ khi đề cập đến cuộc cạnh tranh công khai với Mỹ, những căng thẳng trên các điểm nóng chiến lược ở Châu Á và cuộc thương chiến được các chính quyền Mỹ từ Donald Trump đến Joe Biden theo đuổi.

Thực tế, do Mỹ thiếu một chiến lược kết nối kinh tế với khu vực Châu Á năng động, Trung Quốc đã từng bước mở rộng ảnh hưởng của họ qua hiệp định thương mại tự do ASEAN, hiệp định hợp tác kinh tế khu vực RCEP, và hiệp định thương mại với từng nước riêng lẻ trong khu vực. Những hiệp định này tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa và công nghệ Trung Quốc lan tràn khắp Đông Nam Á và ràng buộc nền kinh tế của các quốc gia khu vực này vào kinh tế Trung Quốc. Từ mối quan hệ phụ thuộc, nhiều nước cảm thấy khốn khó khi bị Trung Quốc bất ngờ cấm nhập cảng một số sản phẩm nào đó vì mục đích chính trị, tăng thuế nhập cảng lên nhiều lần hoặc kích động dân chúng “tẩy chay” sản phẩm của các nước bất đồng với Trung Quốc.

Dưới thời ông Tập Cận Bình, Trung Quốc không tiếc tiền xây dựng lực lượng Hải Quân hùng mạnh với mục đích đẩy các hạm đội Mỹ ra khỏi vùng biển Tây Thái Bình Dương, ngăn chặn Mỹ tiếp viện cho các đồng minh Nhật, Đài Loan, Philippines khi nổ ra xung đột và để Trung Quốc dễ dàng thực hiện các yêu sách phi pháp về lãnh thổ trên Biển Đông.

 “Chúng tôi không muốn xung đột với bất cứ nước nào nhưng sẽ không khuất phục, không im lặng,” ông Marcos Jr. nói. 

Độc chiếm Biển Đông, biến tuyến hàng hải quốc tế nhộn nhịp nhất thế giới thành ao nhà của mình là tham vọng lâu dài của chủ nghĩa dân tộc Đại Hán.

“Chính phủ Trung Quốc không có khả năng tiến hành các cuộc đàm phán cởi mở, minh bạch và hợp pháp. Những gì họ làm chỉ là lên giọng kẻ cả, và nếu không làm được điều đó, thì sẽ dọa nạt các nước nhỏ hơn,” Bộ Quốc Phòng Philippines tuyên bố sau sự kiện Bãi Cỏ Mây.

Về phần Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn luôn lập luận rằng sự câu kết về quân sự giữa Mỹ, Nhật, và Philippines gây căng thẳng ở Biển Đông mà không thừa nhận chính hành vi bành trướng vô lối và phi pháp của họ mới là nguyên nhân thật sự. Bây giờ thì tình hình Bãi Cỏ Mây rất căng thẳng, có thể xảy ra đụng độ bất cứ lúc nào và tiềm ẩn nguy cơ chiến tranh khu vực.

Kẻ gây hấn ở đây là Trung Quốc nhưng Bắc Kinh lúc nào cũng làm ra vẻ mình là nạn nhân. Trong diễn văn tại Bác Ngao, ông Triệu không tiếc lời lên án Washington đã hạn chế việc xuất cảng sang Trung Quốc những công nghệ có thể dùng trong quân sự như các loại chip tân tiến, thiết bị chế tạo chip, cấm người Mỹ đầu tư vào các công ty Trung Quốc chuyên về máy tính lượng tử, trí thông minh nhân tạo… Mỹ cũng khuyến khích các công ty của mình “giảm rủi ro” (de-risk) bằng cách chuyển một phần hoạt động sang các quốc gia khác thân thiện hơn. 

Bắc Kinh cho đây là những hành vi “dọa nạt” của Mỹ, là “chủ nghĩa bảo hộ thương mại” mà không thấy đó là phản ứng tất nhiên đối với âm mưu thâu tóm và triệt hạ đối thủ của Trung Quốc. Từ rất nhiều năm trước, Bắc Kinh đã cấm cửa hoặc hạn chế các công ty lớn của Mỹ như Google, Facebook để nuôi dưỡng các công ty nội địa làm đối thủ cạnh tranh, đã đầu tư vào tham vọng “Made in China 2025,” biến Trung Quốc thành siêu cường công nghệ độc lập và tách biệt khỏi công nghệ Tây phương. Mục tiêu cuối cùng là vượt qua Mỹ, giành ngôi vị siêu cường số 1 thế giới. Họ dùng đủ mọi thủ đoạn tinh vi để đạt được tham vọng đó, kể cả ăn cướp và ăn cắp quy mô lớn có sự bảo kê của nhà nước. 

Hành động tham lam, kẻ cả của Trung Quốc làm cho thế giới bên ngoài sợ và ghét. Các nước Đông Nam Á đang phải rất thận trọng, vừa cố tránh xung đột trực tiếp với Bắc Kinh vừa cố ngăn chặn tham vọng phi pháp của Trung Quốc. Dù rất nỗ lực và tốn nhiều tiền của, nhưng cho đến nay, Trung Quốc có rất ít đồng minh vì không có nhiều nước cam chịu bị bắt nạt.

No comments:

Post a Comment