Thursday, April 25, 2024

Tin Tức: Thứ Năm 25.04.2024

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Bảo Trân & Thiên An trình bày sau đây.

1/ ÂN XÁ QUỐC TẾ CHỈ TRÍCH TÌNH HÌNH NHÂN QUYỀN TẠI VN TRONG NĂM 2023.

Vào hôm 23/4, tổ chức Ân xá Quốc tế công bố báo cáo về tình hình nhân quyền Việt Nam vào năm 2023, với nhận định là “giới bất đồng chính kiến tiếp tục bị đàn áp, các nhà báo và người bảo vệ nhân quyền bị bỏ tù, quyền tự do biểu đạt của họ bị xâm phạm”.

Tổ chức bảo vệ nhân quyền có trụ sở tại London cũng ghi nhận việc bạo quyền Việt Nam ngày càng mở rộng mạng lưới giám sát của mình, với việc xử dụng phần mềm gián điệp để nhắm mục tiêu vào những người chỉ trích chế độ.

Báo cáo cho biết là kể từ khi Việt Nam tuyên bố ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào tháng 2/2021 và sau đó đắc cử cho đến nay, hàng chục nhà báo độc lập và giới lãnh đạo các tổ chức phi chính phủ, người bảo vệ nhân quyền và nhiều người khác “đã bị bắt giam một cách tự tiện”.

Thậm chí việc ông Võ Văn Thưởng lên thay thế ông Nguyễn Xuân Phúc trong chiếc ghế chủ tịch nước vào tháng 3/2023 cũng không khiến tình hình nhân quyền của Việt Nam được cải thiện, theo nhận định trong báo cáo.

Báo cáo điểm lại các vụ bắt giữ và truy tố trong thời gian qua gồm nhà báo Nguyễn Lân Thắng và các nhà đấu tranh Trương Văn Dũng, Bùi Tuấn Lâm, Đường Văn Thái.

Liên quan đến án tử hình tại Việt Nam, Ân xá Quốc tế nhận định là số liệu về các vụ tử hình và án tử hình vẫn được coi là bí mật quốc gia nhằm ngăn cản sự giám sát độc lập. Tuy nhiên có ít nhất hai trường hợp bị tử hình hoặc sắp bị tử hình như vụ ông Nguyễn Văn Chưởng và Lê Văn Mạnh.

Trước đây, báo chí lề đảng Việt Nam đã nhiều lần bác bỏ các báo cáo của Ân xá Quốc tế, cho rằng tổ chức này “xuyên tạc” về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Trong một bài xã luận gần đây, tờ Công an vẫn tiếp tục nhấn mạnh là Việt Nam đã và đang thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ đối với các công ước quốc tế về quyền con người.

https://www.voatiengviet.com/a/an-xa-quoc-te-cong-bo-cao-nhan-quyen-viet-nam-2023/7583881.html

2/ HẠN HÁN KÉO DÀI KHIẾN HƠN 77 NGÀN TRẺ EM VN THIẾU NƯỚC SẠCH.

Gần 74 ngàn gia đình với khoảng 77 ngàn trẻ tại đồng bằng sông Cửu Long đã không có nước sạch sau nhiều tuần nắng nóng và hạn mặn kéo dài tại vựa lúa lớn nhất nước, theo thống kê của tổ chức Save The Children cho biết vào hôm qua 24/4.

Cho đến lúc này, có 3 tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp do hạn hán và nhiễm mặn cao hơn so với mức trung bình của các năm trước, mặc dù không đến mức như năm 2016 khi Việt Nam phải trải qua đợt hạn hán nặng nề nhất trong vòng gần 100 năm.

Nguyên nhân của đợt hạn hán lần này được xác định là do hiện tượng El Nino, gây ảnh hưởng đến các điều kiện khí hậu. Hạn hán nghiêm trọng đã khiến nhà nước Việt Nam phải thúc giục nông dân thu hoạch lúa sớm.

Đồng bằng sông Cửu Long là nơi có tỷ lệ nghèo đói ở giới trẻ cao nhất nước, và đây là khu vực phụ thuộc phần lớn vào nông nghiệp và nghề cá. Nhiều gia đình ở khu vực này hiện đang thiếu nước ngọt trầm trọng và phải mua nước với giá cao, trong khi nhà nước VN dự báo hạn hán sẽ còn tiếp tục đến tháng 5 tới đây.

Tổ chức Save The Children hiện đang trợ giúp cho khoảng 700 gia đình ở tỉnh Cà Mau bao gồm khoảng 1400 trẻ em.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-s-el-ni-o-induced-drought-leaves-about-73900-households-mekong-river-delta-limited-04242024082039.html

3/ VN MUỐN NHẬP THÊM THAN ĐÁ ĐỂ ĐỐI PHÓ VỚI TÌNH TRẠNG THIẾU ĐIỆN.

Bạo quyền Việt Nam đang thúc giục gia tăng sản lượng than đá lên mức tối đa để cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện nhằm đối phó với tình trạng thiếu điện có thể xảy ra vào mùa hè tới, đặc biệt là ở miền Bắc.

Các tỉnh miền Bắc đã phải hứng chịu tình trạng thiếu điện vào mùa hè năm ngoái khi các nhà máy thủy điện không đủ nước. Năm nay, Việt Nam đang phải đối phó với tình trạng nắng nóng và hạn hán kéo dài. Tại một số nơi nhiệt độ đã lên đến 40 độ C vào tháng 4, cao nhất trong tháng kể từ năm 2016, theo số liệu của cơ quan khí tượng quốc gia.

Trong khi đó, mực nước trong các hồ chứa nước đã giảm 25%, gây ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà máy thủy điện. Nắng nóng sẽ làm tăng nhu cầu xử dụng điện lên 13% trong tháng 5 và tháng 7 so với năm ngoái. Nhà cầm quyền cũng đã yêu cầu các nhà sản xuất và các gia đình áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện vào giờ cao điểm.

Việt Nam hiện cũng phải nhập điện từ Trung Cộng để đáp ứng nhu cầu điện. Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ nâng mức nhập cảng điện từ Trung Cộng lên tới 60%, cao hơn mức kế hoạch.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-calls-for-more-coal-output-to-fend-off-summer-blackouts-04242024082517.html

4/ QUÂN NỔI DẬY MIẾN ĐIỆN PHẢI RÚT LUI KHỎI THỊ TRẤN VỪA CHIẾM ĐƯỢC.

Nhóm nổi dậy ở Miến Điện đã phải rút lui khỏi một thị trấn dọc biên giới với Thái Lan sau cuộc phản công dữ dội của tập đoàn quân phiệt vốn đã mất các địa điểm giao thương quan trọng vào tay quân kháng chiến, theo tiết lộ của một quan chức vào hôm qua 24/4.

Liên minh Quốc gia Karen (KNU) đã ‘rút lui tạm thời’ khỏi thị trấn Myawaddy, sau khi quân đội Miến Điện phản công tại vùng đất chiến lược quan trọng này. Đây là thị trấn có mối giao thương với Thái Lan, có trị giá hơn 1 tỷ Mỹ kim mỗi năm. Tuy nhiên một phát ngôn nhân của KNU cho biết là quân KNU sẽ tiêu diệt các binh sĩ của tập đoàn quân phiệt Miến Điện gửi đến Myawaddy.

Cuộc ciao tranh đã bùng phát mới đây vào ngày 20/4 ở Myawaddy, khiến 3 ngàn thường dân phải tháo chạy trong một ngày khi quân nổi dậy mở cuộc truy quét các binh sĩ Miến Điện bị mắc kẹt tại một cửa ải biên giới.

Vào hôm qua 24/4, Thái Lan cho biết giao tranh đã giảm bớt và họ hy vọng sẽ mở lại cửa ải này.  Họ cho biết hầu hết thường dân đã về nhà.

Các hình ảnh đăng trên một số mạng xã hội ủng hộ tập đoàn quân phiệt cho thấy một số binh lính giương cờ Miến Điện tại một căn cứ quân sự mà quân nổi dậy đã kiểm soát chỉ vài ngày trước đó. Tập đoàn quân phiệt Miến Điện đã phản công nhằm chiếm lại thị trấn Myawaddy nhờ sự tiếp tay của lực lượng dân quân trong khu vực này.

https://www.voatiengviet.com/a/quan-khang-chien-myanmar-rut-lui-tam-thoi-khoi-thi-tran-vua-chiem-duoc/7583091.html 

No comments:

Post a Comment