Friday, December 29, 2017

CUỘC CHIẾN VÔ VỌNG CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Quan Điểm

Thưa quý thính giả,
Vào những ngày cuối năm 2017, dân chúng bàn tán xôn xao về những tin nóng bỏng liên quan đến “lò đốt củi” của Ông Nguyễn Phú Trọng, tức công cuộc chống tham nhũng mà người cầm đầu đảng CSVN ấp ủ bấy lâu. Trong lúc tin cựu uỷ viên Bộ chính trị Đinh La Thăng, từng một thời là ngôi sao sáng của đảng, bị bắt giữ vì liên quan đến đại án tham nhũng PVN còn đang sôi nổi thì lại có tin Vũ “nhôm”, một đại gia và cũng là 1 thượng tá Công An ở Đà Nẵng đã trốn ra nước ngoài ngay trước khi có lệnh truy bắt.

Các sự kiện dồn dập này càng khiến dân chúng nao nức chờ phiên toà xét xử Trịnh Xuân Thanh, đối tượng hàng đầu trong vụ PVN, được loan báo sẽ diễn ra trong tháng Giêng, hoặc chậm lắm là tháng Hai sắp tới. Cuộc xử này được xem là rất sôi nổi, gây cấn vì có thể có cả đại diện nước Đức tham dự để bảo đảm việc xét xử công minh vì ông Thanh đang xin tỵ nạn ở Đức thì bị nhà cầm quyền CSVN bắt cóc đem về Việt Nam. Thêm nữa, cuộc xử này cũng sẽ quyết định số phận ông Đinh La Thăng, cũng như của gần 20 quan chức đảng và nhà nước bị qui kết liên hệ đến việc làm thất thoát hơn 3 nghì tỷ trong việc điều hành Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN. Một chi tiết bí mật cũng sẽ phanh phui đó là ai là người đã giúp Trịnh Xuân Thanh trốn khỏi VN, để từ đó có thể biết thêm về cách thức nào và ai là người vừa giúp Vũ “Nhôm” trốn ra nước ngoài.
Nhưng các sự rộn ràng, xôn xao này chỉ là mặt nổi. Còn mặt chìm chính là câu hỏi liệu “lò đốt” của ông Trong có thiêu rụi được tệ trạng tham nhũng ở Việt nam không?
Thật ra, không phải đợi đến khi Nguyễn Phú Trọng làm tổng bí thư thì đảng CSVN mới hô hào “chống tham nhũng”. Chiến dịch chống tham nhũng đã được tập đoàn lãnh đạo CSVN phát động từ gần ¼ thế kỷ trước, trong Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ của Đại hội đảng lần thứ 7. Trong hội nghị này, khai diễn ngày 25 tháng Giêng năm 1994, Tổng bí thư Đỗ Mười tuyên bố tham nhũng là một trong 4 nguy cơ có thể huỷ diệt đảng CSVN, bên cạnh các nguy cơ tụt hậu về kinh tế, chệch hướng về đường lối, và diễn tiến hoà bình do các thế lực thù địch thúc đẩy.
Kể từ đó, các tổng bí thư kế tiếp Đỗ Mười, như Lê Khả Phiêu, và Nông Đức Mạnh, cũng đều kêu rao tham nhũng là một “quốc nạn” phải ngăn chận và tận diệt.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận từ ngày nắm giữ chức vụ tổng bí thư đảng, Nguyễn Phú Trọng đã đặc biệt chú ý đến công tác chống tham nhũng và đã chế ra nhiều biện pháp có vẻ rất rốt ráo để thực hiện mục tiêu này. Điển hình như ngay sau khi củng cố được quyền lực trong đảng, ông Trọng đã chuyển Uỷ ban phòng chống tham nhũng trung ương từ Chính phủ qua Đảng và đích thân nắm giữ. Đồng thời ông Trọng cũng chú trọng đến việc bắt các cán bộ kê khai tài sản, và thường xuyên tổ chức hội thảo, hội nghị về ph`ong chống tham nhũng. Và gần đây nhất là việc quyết liệt “đốt lò thiêu tham nhũng” mà cụ thể là “bắt cóc” Trịnh Xuân Thanh từ Đức đem về Việt Nam, bất chấp những hệ luỵ nghiêm trọng về mặt đối ngoại, như không còn được Đức xem là đối tác chiến lược toàn diện, cũng như hy sinh Hiệp định Đối tác Thương mại tự do Liên Âu và Việt Nam.
Thế nhưng liệu rằng quyết tâm và nỗ lực của TBT Nguyễn Phú Trọng có đạt được mục tiêu là làm trong sạch đảng bằng cách tận diệt nạn tham nhũng trong hàng ngũ cán bộ Đảng?
Câu trả lời có thể nhìn thấy rất rõ qua cái vị trí cũng như cơ cấu tổ chức của bộ máy đảng CS mà ông Trọng đang là thủ lãnh.
Trước hết, về vị trí, chính ông Trọng là người đã xác nhận Đảng CS quan trọng hơn đất nước và nhân dân Việt Nam khi tuyên bố “Hiến pháp là văn kiên quan trọng nhất sau cương lĩnh của đảng”. Nếu Hiến pháp là văn kiện nền tảng mà còn thua cương lĩnh của đảng thì các bộ luật thống thuộc, như hình luật, dân luật, vv… đều chẳng thấm vào đâu so với cương lĩnh đảng. Nói nôm na, đảng là chủ nhân đất nước, và các quyết định của Đảng không có luật pháp nào có thể ngăn trở, chế tài.
Từ vị trí vượt trội đó của đảng CS, các đảng viên nắm giữ quyền lực trong bộ máy cai trị đất nước có toàn quyền hành động, kể cả việc làm giầu một cách phi pháp, miễn là được các đảng viên có quyền thế khác chấp nhận, tức là cùng phe cánh và biết chia chác bổng lộc cho phải phép. Cái cơ chế đó chẳng những đã dung túng mà còn khuyến khích tham nhũng, nhất là trong bối cảnh tranh nhau làm giầu của nền “kinh tế thị trường” dù có cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Vì vậy, chiến dịch chống tham nhũng kiểu “lò đốt củi” của ông Nguyễn Phú Trọng không hơn không kém chỉ là phương thức thanh trừng những thành phần chia chác không đều, hay đúng ra là không thuộc phe cánh của Ông Trọng. Chính vì vậy mà đa số dân chúng đều trông chờ phiên xử Trịnh Xuân Thanh và Đinh La Thăng để xem bao giờ thì đến lựợt cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tức đồng chí X, đối thủ không đội trời chung của Nguyễn Phú Trọng, bị quẳng vào lò.
Tóm lại, ngày nào còn đảng CSVN nắm giữ ngôi vị chủ nhân ông đất nước như hiện nay, thì những phiên toà xử Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, và ngay cả Nguyễn Tấn Dũng, cũng chỉ là những tấn tuồng mị dân, trong khi đó tệ nạn tham những chẳng những không bị ngăn chận mà còn thiên biến, vạn hoá thành nhiều hình thức ghê gớm, tàn hại đất nước hơn nữa./.
LLCQ

No comments:

Post a Comment