Sau đây, mời quý thính giả theo dõi bản Tin tóm lược với Khánh Ngọc và Nguyên Khải
1) CSVN GIA HẠN TẠM GIAM NHÀ HOẠT ĐỘNG NGUYỄN THỊ TÂM THÊM 4 THÁNG
Công an thành phố Hà Nội đã quyết định gia hạn thời gian tạm giam nhà hoạt động nhân quyền và quyền đất đai Nguyễn Thị Tâm thêm 4 tháng. Lý do đưa ra là để điều tra về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
Bà Tâm, cựu tù nhân lương tâm, bị bắt ngày 24.06.2020 vì đấu tranh chống lại việc nhà cầm quyền Hà Nội thu hồi đất của gia đình bà và bà con xã Dương Nội. Ngoài ra bà Tâm cũng có các hoạt động hỗ trợ người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, những nạn nhân của việc cướp đất nông nghiệp để trao cho tập đoàn viễn thông Viettel của nhà cầm quyền huyện Mỹ Đức và thành phố Hà Nội. Bị bắt với bà trong cùng ngày với cùng cáo buộc là một cựu tù nhân lương tâm Cấn Thị Thêu và hai con trai là Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư. Cả 4 người đều bị biệt giam kể từ khi bị bắt đến nay, không được gặp luật sư và người thân.
Cả 4 nhà hoạt động nhân quyền này phải đối mặt với án tù từ 7 đến 12 năm tù giam, thậm chí 20 năm nếu bị kết tội.
2) TRỊNH XUÂN THANH, ĐINH LA THĂNG TIẾP TỤC HẦU TOÀ
Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam sẽ đưa hai ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh ra xét xử về cáo buộc “Vi phạm qui định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án nhà máy nhiên liệu sinh học (Ethanol Phú Thọ). Hai ông Thăng và Thanh bị cáo buộc gây thiệt hại cho Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí tổng số tiền là 543 tỉ đồng.
Ngoài hai ông Thăng và Thanh, với cương vị là cựu chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) và cựu chủ tịch, tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí VN (PVC) còn có 10 người khác liên quan là các quan chức của hai đơn vị này cũng sẽ ra hầu toà vào cùng ngày 08.03. Phiên toà dự kiến diễn ra trong 10 ngày.
Trước đó, hôm 25.02, trong cuộc họp báo trực tuyến thường kỳ, phản ứng về thông tin Việt Nam vinh danh 12 sỹ quan an ninh tham gia bắt cóc ông Thanh từ Berlin trong năm 2017, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời trực tiếp mà chỉ nói việc xét xử ông Thanh đúng theo luật pháp Việt Nam. Cơ quan an ninh EU đang thu thập thông tin để phát lệnh truy nã 12 người này, trong đó có bộ trưởng công an Tô Lâm và nhiều sỹ quan cao cấp của bộ công an Việt Nam.
Ông Thanh đã bị kết án 30 năm tù giam vì các tội danh về tham nhũng và sai phạm trong quản lý kinh tế trong nhiều vụ án.
3) MITSUBISHI RÚT KHỎI DỰ ÁN NHIỆT ĐIỆN THAN VĨNH TÂN 3
Truyền thông quốc tế đưa tin tập đoàn Mitsubishi của Nhật vừa quyết định rút khỏi dự án nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 3 tại Bình Thuận trong bối cảnh quốc tế ngày càng lo ngại về biến đổi khí hậu.
Tập đoàn Nhật ra quyết định này vì muốn giảm số lượng dự án sử dụng nhiều than đá, giữa lúc chịu áp lực ngày càng gia tăng từ các cổ đông và các nhà hoạt động môi trường do than đá và các nguồn năng lượng hóa thạch bị cho là “thủ phạm” tàn phá môi trường và gây biến đổi khí hậu.
Vào đầu tháng này, hơn một trăm tổ chức quốc tế vừa lên tiếng kêu gọi Chính phủ Nhật Bản và các công ty tham gia cung cấp tài chính xây dựng dự án nhiệt điện than Vũng Áng 2 ở Việt Nam rút khỏi dự án mà họ cho là sẽ gây hại tới môi trường.
4) TRUNG CỘNG THÔNG BÁO TẬP TRẬN Ở VỊNH BẮC BỘ TRONG SUỐT THÁNG 3
Cục Hải sự Trung Cộng (MSA) thông báo sẽ tập trận ở vùng biển phía Tây bán đảo Lôi Châu, tức ở Vịnh Bắc Bộ trong suốt tháng Ba. Cuộc tập trận diễn ra ở khu vực có phạm vi bán kính 5 cây số và cấm tàu thuyền đi vào khu vực trong thời gian diễn ra cuộc tập trận.
Cuộc tập trận trong tháng ba của Quân đội Trung Cộng ở Vịnh Bắc Bộ là cuộc tập trận thứ tư tính từ đầu năm 2021. Tổng cộng đã có ít nhất bảy cuộc tập trận do Trung Cộng thực hiện ở khu vực Biển Đông từ đầu năm 2021 đến nay.
Trong năm 2020, Trung Cộng tiến hành ít nhất 20 cuộc tập trận ở Biển Đông, trong đó có chín lần ở Vịnh Bắc Bộ và năm lần tại quần đảo Hoàng Sa nơi Trung Cộng và Việt Nam đang có tranh chấp về chủ quyền.
5) ĐẶC SỨ MYANMAR KÊU GỌI LIÊN HIỆP QUỐC GIÚP CHẤM DỨT CUỘC ĐẢO CHÍNH
Đặc sứ Myanmar tại Liên Hiệp quốc thúc giục tổ chức này dùng bất cứ phương tiện nào cần thiết để chấm dứt cuộc đảo chính quân sự tại Myanmar. Myanmar đang trong cuộc khủng hoảng kể từ cuộc đảo chính của quân đội đầu tháng này. Lãnh đạo dân cử Aung San Suu Kyi và nhiều quan chức trong đảng Liên đoàn Toàn quốc vì Dân chủ bị giam giữ.
Cuộc đảo chính khiến hàng trăm ngàn người Myanmar xuống đường biểu tình phản đối, các nước Tây phương chỉ trích và một số nước áp đặt chế tài.
Trước Đại hội đồng Liên Hiệp quốc gồm 193 thành viên, Đại sứ Kyaw Moe Tun lên tiếng nhân danh chính phủ của bà Suu Kyi và kêu gọi dùng bất kỳ biện pháp nào cần thiết để có hành động chống lại quân đội Myanmar, mang lại an toàn-an ninh cho người dân.
Đặc sứ Liên Hiệp quốc về Myanmar, Christine Schraner Burgener, thúc giục có hành động chung rõ ràng để hậu thuẫn dân chủ ở Myanmar.
6) LIÊN HIỆP QUỐC CẢNH BÁO CÁC CAM KẾT VỀ KHÍ HẬU ĐẾN NĂM 2030 CÒN XA MỤC TIÊU
Liên Hiệp Quốc kêu gọi các quốc gia cần nỗ lực gấp đôi để đáp ứng các mục tiêu khí hậu toàn cầu. Tổ chức này vừa đưa ra lời kêu gọi bởi vì nhiều quốc gia không có dấu hiệu cắt giảm khí thải cho dù có khoảng 75 quốc gia đệ trình các kế hoạch cắt giảm lượng khí thải trước Hội nghị Thượng đỉnh COP26, diễn ra vào đầu tháng 11.
Một báo cáo của LHQ tóm tắt các kế hoạch hành động khí hậu được sửa đổi, bao gồm khoảng 40% quốc gia trong Thỏa thuận Paris năm 2015 và 30% lượng khí thải làm nóng hành tinh – cho thấy sẽ giảm phát thải tổng hợp chỉ 0,5% đến năm 2030, tương ứng với mức độ trong năm 2010.
Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu cho biết lượng khí thải toàn cầu phải giảm khoảng 45% vào năm 2030 so với mức năm 2010 để cho thế giới có cơ hội hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trung bình lên 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
No comments:
Post a Comment