Mở đầu chương trình, Vân Hà và Nguyên Khải mời quý thính giả theo dõi chi tiết của các tin hôm nay.
1) TỈNH HẢI DƯƠNG CÓ THÊM MỘT Ổ DỊCH VŨ HÁN MỚI
Công an huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, đang ráo riết lùng kiếm những người đã đến 8 địa điểm để xét nghiệm, sau khi bộc phát một ổ dịch mới ở huyện này với 3 người bị nhiễm.
Tính đến chiều tối Chủ nhật 21/2, tỉnh Hải Dương vẫn là ổ dịch lớn nhất tại VN, với hơn 30 người bị nhiễm trong 2 ngày cuối tuần. Trong khi đó tại 12 tỉnh thành khác, trong đó có Hà Nội và Sài Gòn, đều không ghi nhận thêm trường hợp nào trong mấy ngày qua.
Cần nhắc lại, từ ngày 27/1, VN trải qua một đợt dịch Vũ Hán thứ 3 với hơn 700 người bị nhiễm dịch, trong số đó có hơn 600 người tại Hải Dương, hầu hết là đến từ một loại siêu vi biến thể được tìm thấy ở nước Anh.
2) DÂN MIẾN ĐIỆN RẦM RỘ THAM DỰ LỄ TANG MỘT THIẾU NỮ ĐI BIỂU TÌNH BỊ BẮN CHẾT
Hàng chục ngàn người đã kéo đến tham dự tang lễ của một thiếu nữ bị cảnh sát Miến Điện bắn chết, khi đang tham dự một cuộc biểu tình ở thủ đô Naypyitaw.
Cô Mya Thwe Khaing 20 tuổi, là một trong ít nhất 3 người bị trúng đạn từ lực lượng an ninh Miến Điện trong các cuộc biểu tình phản đối, sau cuộc đảo chánh của phe quân đội vào ngày 1/2. Sau 10 ngày hấp hối trong bệnh viện, cô Mya đã trút hơi thở cuối cùng vào hôm thứ Sáu 19/2.
Hàng chục ngàn người đã đứng dọc hai bên đường để tiễn đưa linh cửu của cô Khaing, nhiều người giơ 3 ngón tay để vẫy chào, một biểu tượng mới của làn sóng biểu tình tại Miến Điện.
Trong khi một số nguồn tin cho biết lực lượng an ninh đã bắn chết 2 người biểu tỉnh vào hôm thứ Bảy 20/2 tại thành phố Mandalay, khiến LHQ phẫn nộ lên án các hành động đàn áp dã man của tập đoàn quân phiệt Miến. Tập đoàn Facebook cũng quyết định hủy bỏ các trang mạng của quân đội Miến, sau khi phe quân đội liên tiếp đưa ra các lời đe dọa là sẽ mạnh tay đối với người biểu tình.
3) CÓ THÊM CHỨNG CỨ VỀ SIÊU VI VŨ HÁN XUẤT PHÁT TỪ PHÒNG THÍ NGHIỆM
Một chuyên gia tại đại học Hamburg của Đức vừa công bố một báo cáo dài 100 trang, nội dung chứng minh sự chính xác của giả thuyết là siêu vi Covid-19 bắt nguồn từ một phòng nghiên cứu vi khuẩn ở thành phố Vũ Hán.
Trong lập luận của mình, Tiến sĩ Roland Wiesendanger khẳng định đến 99.9% là siêu vi này xuất phát từ viện Dịch tễ Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc. Mặc dù không phải là một chuyên gia về dịch tễ, nhưng ông Wiesendanger nêu lên các chứng cứ cho thấy là đến nay vẫn chưa tìm được loài vật nào mang siêu vi này, và mục đích chính của phòng dịch tễ Vũ Hán là chuyên nghiên cứu về các siêu vi có khả năng lây lan nhanh chóng và giết hại người nhiều hơn. Trong báo cáo, ông Wiesendanger cũng bày tỏ sự ngạc nhiên về năng lực thẩm thấu vào thân thể con người của siêu vi Vũ Hán.
Cần biết, ông Wiesendanger không phải là người duy nhất tin vào giả thuyết siêu vi Vũ Hán xuất phát từ phòng thí nghiệm vi trùng học. Cho đến hôm nay, cơ quan tình báo CIA vẫn tiếp tục thu thập chứng cứ về giả thuyết này, bất chấp các lời bác bỏ của Tổ chức Y tế Thế giới.
4) KHÔNG QUÂN TRUNG CỘNG LẠI TẬP TRẬN TẤN CÔNG ĐÀI LOAN
Trong 2 ngày cuối tuần qua, không quân Đài Loan nhận lệnh báo động ứng chiến, sau khi hàng chục chiến đấu cơ và oanh tạc cơ Trung Cộng mở cuộc tập trận gần các đảo tiền phương của Đài Loan ở vùng Biển Đông.
Cần biết là trong 6 tháng qua, các máy bay Trung Cộng liên tục xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, thuộc vùng tây nam đảo quốc này.
Vào hôm thứ Sáu 19/2, 9 máy bay Trung Cộng đã áp sát quần đảo Đông Sa, qua hôm sau lại có thêm 9 chiến đấu cơ và 2 oanh tạc cơ hạng nặng bay lượn gần quần đảo này. Các chiến đấu cơ Đài Loan đã bay lên ngăn chận, trong khi các giàn phi đạn địa – không cũng trực chỉ vào các máy bay Trung Cộng.
5) QUÂN ĐỘI ẤN – HOA RÚT KHỎI KHU VỰC TRANH CHẤP Ở BIÊN GIỚI
Quân đội hai nước Ấn Độ và Trung Cộng đã hoàn tất cuộc rút quân ra khỏi hồ Pangong Tso trên cao nguyên Tây Tạng, sau một năm nổ ra cuộc xung đột đẫm máu khiến hàng chục binh sĩ hai bên bị thương vong.
Trong thông cáo chung đưa ra vào hôm Chủ nhật 21/2, quân đội hai nước cho biết cuộc rút quân diễn ra rất suông sẻ; và là một bước tiến mở đầu để giải quyết các vấn đề còn lại trên bàn đàm phán. Tuy nhiên, hai nước này vẫn duy trì đông đảo binh sĩ ở một số khu vực biên giới.
No comments:
Post a Comment