Kính thưa quý thính giả, trong khi chính quyền tại các quốc gia Đông Nam Á thể hiện lòng dân, hướng về phía Hoa Kỳ và tránh xa Trung Quốc, thì đảng CSVN bất chấp ý dân, đan tâm làm tay sai cho thiên triều phương Bắc. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình luận của Hiếu Chân với tựa đề: “Đông Nam Á chọn Mỹ hay Trung Quốc?”_ sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối nay.
Những ngày Tết Tân Sửu 2021 rồi cũng trôi qua, không tưng bừng như các năm trước nhưng cũng tràn ngập những lời cầu chúc tốt lành, mong một năm mới hanh thông hơn năm cũ Canh Tý nhiều tai họa. Bao giờ cũng vậy, mùa Xuân thay đổi đất trời cũng làm thay đổi tâm hồn con người, khơi dậy niềm hy vọng mới.
Có một sự thay đổi thầm lặng về quan điểm chính trị, ít người chú ý, nhưng báo hiệu một xu hướng tốt mà hôm nay chúng tôi mạn phép trình bày hầu quý vị độc giả để cùng suy nghĩ bên chén rượu đầu Xuân.
Số là trong những ngày cuối năm Tý đầu năm Sửu, Trung Tâm Nghiên Cứu Đông Nam Á (ASEAN Studies Centre at ISEAS-Yusof Ishak Institute) – một “think-tank” hàng đầu của Singapore và khu vực có làm một cuộc khảo sát ý kiến cư dân 10 quốc gia Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) về nhiều vấn đề địa chính trị liên quan tới sự phát triển của khu vực này trong những năm tháng sắp tới.
Theo khảo sát… mặc dù Mỹ đang trải qua nhiều thách thức trong việc xử lý đại dịch COVID-19 với số người tử vong và nhiễm bệnh cao hàng đầu thế giới, nền kinh tế bị đình đốn do đại dịch, xung đột sắc tộc và bạo loạn tấn công nền dân chủ, các nước ASEAN vẫn hoan nghênh ảnh hưởng chiến lược của Washington. Khảo sát cho thấy có 75% số người được hỏi hoan nghênh ảnh hưởng kinh tế, 63.1% tán thành ảnh hưởng chính trị của Hoa Kỳ tại khu vực, tăng so với 52.7% của cuộc khảo sát năm ngoái.
Tương tự, tỷ lệ số người đặt niềm tin vào Mỹ như là một đối tác chiến lược, một nguồn cung cấp an ninh cho khu vực đã tăng từ 34.9% năm ngoái lên 55.4% năm nay.
Trong những lĩnh vực cụ thể như tranh chấp Biển Đông, mối lo ngại của người dân Đông Nam Á đối với Trung Quốc càng bộc lộ rõ. Có tới 62.4% số người được hỏi lo ngại về tình trạng Trung Quốc quân sự hóa các hải đảo ở Biển Đông và có hành động hung hăng; 59.1% lo ngại việc Trung Quốc xâm chiếm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của các nước ven biển; 45.2% lo ngại xung đột Trung Quốc-Hoa Kỳ ở Biển Đông có thể dẫn tới khủng hoảng chính trị và đại đa số (84.6% muốn khối ASEAN giữ vững lập trường nguyên tắc trong vấn đề Biển Đông là mọi giải pháp phải phù hợp với luật pháp quốc tế).
Đặc biệt, có tới 77.8% số người được hỏi cho biết họ đánh giá Trung Quốc là nước theo chủ nghĩa xét lại, có tham vọng lôi kéo Đông Nam Á vào khu vực ảnh hưởng của Bắc Kinh và đang dần dần thay thế vai trò của Hoa Kỳ như là cường quốc thống trị khu vực.
Tính chung, tại khu vực ASEAN sức thu hút và uy tín của Hoa Kỳ đang tăng lên trong khi của Trung Quốc đang giảm mạnh.
ASEAN đã vậy, Việt Nam thì sao?
Các tác giả nghiên cứu dành khá nhiều quan tâm tới ý kiến của người dân Việt Nam và những câu trả lời cho thấy người Việt về căn bản có cùng quan điểm với người dân các nước lân cận, nhưng cũng có đôi chỗ khác biệt.
Người Việt Nam rất lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc; 90.4% lo ngại về ảnh hưởng kinh tế (ASEAN = 72.3%) và càng lo ngại về ảnh hưởng chính trị và chiến lược của Bắc Kinh (97.7%) (ASEAN = 88.6%); Trong khi đó số người Việt có thiện cảm và chào đón Hoa Kỳ tăng từ 76.7% năm ngoái lên 91.7% năm nay.
Ngay trong một vấn đề nhỏ như cho con cái đi du học, có tới 33.7% số người Việt được hỏi chọn Hoa Kỳ, tiếp theo sau là Úc (20%), Anh (15.4%), Liên Minh Châu Âu (14.3%), chỉ có 1.1% chọn du học Trung Quốc.
Nhưng ở một quốc gia độc tài độc đảng như Việt Nam, lựa chọn của người dân không bao giờ trùng khớp với quan điểm của đảng cầm quyền. Đại hội đảng CSVN lần thứ 13 vừa kết thúc hồi đầu tháng này cho thấy Hà Nội quyết tâm đi vào con đường phụ thuộc Trung Quốc, mưu toan làm một “chư hầu” giữ phên giậu phía Nam của đất nước Trung Hoa ngăn chặn ảnh hưởng đang gia tăng của Hoa Kỳ.
Sự kiện ông Nguyễn Phú Trọng già nua lú lẫn vẫn bám chặt lấy chiếc ghế đảng trưởng, đưa ông Phạm Minh Chính – một viên tướng tình báo khét tiếng cúc cung tận tụy với “thiên triều Bắc Kinh” – vào ghế thủ tướng điều hành công việc hằng ngày của chính phủ bù nhìn, cùng với việc vô hiệu hóa các nhân vật có vẻ uy tín như Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh báo hiệu một bước lùi trong xu thế của Việt Nam những năm tới.
Các nhà quan sát chính trị cho biết, sở dĩ ông Phúc, Minh bị gạt khỏi các chức vụ có thực quyền về đối nội đối ngoại là vì ông Trọng lo ngại các nhân vật này đã “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” khỏi đường lối độc tài toàn trị của đảng Cộng Sản, và việc giữ ông Trọng ở lại vị trí lãnh đạo tối cao và đưa ông Chính lên nắm chính phủ là do sự sắp xếp của Bắc Kinh trong hậu trường, tiếp tục kiềm chế Việt Nam trong vòng cương tỏa của Trung Quốc không thoát ra được, thủ tiêu mọi ý định cải cách chính trị, đi về hướng tự do dân chủ nhân quyền do Hoa Kỳ dẫn dắt.
Cuộc khảo sát của Trung Tâm Nghiên Cứu ASEAN – một nghiên cứu được coi là “phong vũ biểu” (barometer) của chính trị Đông Nam Á – cho thấy gió đang xoay chiều, xu hướng thân Mỹ chống Trung Quốc mạnh dần lên trong khối ASEAN.
Năm con Trâu đã bắt đầu. “Trâu chậm thì uống nước đục”, đằng này Hà Nội chẳng những chậm mà còn đi ngược với con đường chung của cả khu vực thì sớm muộn cũng sẽ nhận hậu quả bi đát./.
Hiếu Chân
No comments:
Post a Comment