Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Bảo Trân & Đồng Tâm trình bày sau đây.
HRW XẾP CỘNG SẢN VIỆT NAM VÀO NHÓM QUỐC GIA LỢI DỤNG DỊCH VIRUS VŨ HÁN ĐỂ VI PHẠM NHÂN QUYỀN
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch (HRW) kết luận rằng Cộng sản Việt Nam nằm trong số ít nhất 83 chính phủ trên thế giới đã dùng đại dịch virus Vũ Hán để biện minh cho hành động vi phạm quyền tự do ngôn luận và hội họp ôn hòa của người dân.
Theo phúc trình của HRW công bố ngày 11.02, cộng sản Việt Nam đàn áp tự do ngôn luận, quyền tụ tập ôn hoà, quyền tự do báo chí, ban hành những điều luật mơ hồ để hình sự hóa những phát ngôn mà các chính quyền cho là đe dọa đến sức khỏe cộng đồng.
Trong bản phúc trình này, tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho rằng các chính phủ nên chống lại đại dịch bằng cách “khuyến khích mọi người đeo khẩu trang, chứ không phải bịt miệng họ” và “Đánh đập, giam giữ, truy tố và kiểm duyệt những người chỉ trích ôn hòa vi phạm nhiều quyền cơ bản, bao gồm quyền tự do ngôn luận, không có tác dụng gì trong việc ngăn chặn đại dịch.”
Phúc trình cho biết cộng sản Việt Nam đã triệu tập 650 người dùng Facebook từ tháng 1 đến tháng 3 để thẩm vấn về việc đưa thông tin về đại dịch, buộc tất cả họ phải xóa bài đăng của mình và phạt hơn 160 người trong số họ.
SÀI GÒN LẮP ĐẶT HỆ THỐNG CAMERA GIÁM SÁT TRỊ GIÁ 650 TỶ ĐỒNG
Truyền thông nhà nước cộng sản Việt Nam đưa tin thành phố Sài Gòn đầu tư 650 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống camera giám sát, phục vụ an ninh trật tự, xử lý tội phạm.
Đây là dự án 3 nằm trong Đề án đầu tư hệ thống camera giám sát, trung tâm điều khiển thông minh tại Hà Nội, Sài Gòn và toàn tuyến quốc lộ 1 đã được chính phủ phê duyệt vào tuần trước với tổng kinh phí 2.150 tỷ đồng.
Trước khi dự án này được phê duyệt, Sài Gòn đã đầu tư 10 tỉ đồng lắp đặt hệ thống camera giám sát tại quận 9 trong tháng 7 năm ngoái.
Nhiều nhà hoạt động xã hội cho rằng an ninh Việt Nam sử dụng hệ thống camera để theo dõi giới bất đồng chính kiến thay vì chỉ đơn thuần nhằm vào việc bảo đảm an ninh trật tự.
CHỦNG VIRUS VŨ HÁN MỚI Ở SÀI GÒN CÓ NGUỒN GỐC Ở CHÂU PHI
Vào thứ Sáu ngày 12.02, giới chức y tế thành phố Sài Gòn xác nhận chủng virus Vũ Hán phát hiện ở điểm nóng phi trường Tân Sơn Nhất là chủng mới xuất phát từ Rwanda, Châu Phi, và lần đầu tiên xuất hiện ở Đông Nam Á.
Cho tới nay, Việt Nam đã ghi nhận sự xuất hiện của hai chủng virus Vũ Hán lây lan nhanh trên thế giới bao gồm chủng xuất hiện ở Anh và chủng xuất hiện ở Châu Phi. Chủng virus xuất hiện ở Anh được phát hiện lần đầu tại Việt Nam ngay khi đợt dịch thứ ba xuất hiện vào cuối tháng 1 vừa qua ở tỉnh Hải Dương.
Hiện chủng virus châu Phi mới chỉ được phát hiện ở một số nước bao gồm Hoa Kỳ, các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Úc, Anh và Đan Mạch.
Ổ dịch ở Tân Sơn Nhất hiện đã có 33 người nhiễm. Sài Gòn vẫn đang tiếp tục truy vết những người có tiếp xúc với những người nhiễm bệnh ở phi trường. Trong ngày thứ Tư, giới chức y tế thành phố đã tiến hành xét nghiệm lần 2 cho 1.600 nhân viên công ty VIAGS ở phi trường này. Sau đó 1 ngày, 2.500 người trong thành phố đã được lấy mẫu xét nghiệm.
MỰC NƯỚC SÔNG MEKONG XUỐNG RẤT THẤP VÌ THUỶ ĐIỆN CỦA TRUNG CỘNG
Vào thứ Sáu ngày 12.02, Uỷ hội Sông Mekong (MRC) cho biết nước sông Mekong đã xuống thấp đến mức đáng ngại một phần do Trung Cộng giữ nước ở đập thuỷ điện. Uỷ ban đồng thời kêu gọi Bắc Kinh chia sẻ các dữ liệu về nguồn nước của sông Mekong.
Theo ủy hội này, nước sông Mekong đoạn chảy qua biên giới Thái Lan và Lào đã chuyển từ màu nâu thường có sang màu xanh dương, báo hiệu mực phù sa rất thấp trong nước. MRC nhận định nguyên nhân là do việc giữ nước ở đập Cảnh Hồng thuộc tỉnh Vân Nam của Trung Cộng.
Tình trạng lên xuống thất thường của nước sông Mekong thời gian qua ngay sau đập Cảnh Hồng. Điều này làm ảnh hưởng đến sự di cư của cá, nông nghiệp và giao thông trên sông nơi có khoảng 70 triệu người đang sống dựa vào nguồn nước sông Mekong.
MRC kêu gọi Trung Cộng và các nước hạ nguồn sông Mekong chia sẻ dữ liệu nguồn nước với uỷ ban này.
NGA ĐE DOẠ CẮT ĐỨT QUAN HỆ VỚI EU NẾU BỊ TRỪNG PHẠT NẶNG NỀ
Trong một cuộc phỏng vấn ngày 12.02, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói Mạc Tư Khoa sẵn sàng cắt đứt quan hệ với Liên minh Châu Âu (EU) nếu khối này tấn công Nga bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề.
Quan hệ giữa Nga và phương Tây đang có những căng thẳng mới liên quan đến vụ bắt giữ và bỏ tù ông Alexei Navalny, người thường chỉ trích chính phủ của tổng thống Putin. Sự việc này gần đây làm dấy lên cuộc thảo luận về khả năng có thể có các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga. EU có khả năng sẽ áp đặt lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với các đồng minh của Putin, có thể ngay trong tháng này, sau khi Pháp và Đức tỏ ý họ sẵn sàng thực hiện.
Áp lực phải tiến hành trừng phạt đã tăng lên kể từ khi Nga khiến EU tức giận hồi tuần trước với việc trục xuất nhiều nhà ngoại giao Đức, Ba Lan và Thụy Điển.
HÀNG TRĂM NGÀN NGƯỜI VẪN BIỂU TÌNH CHỐNG CHẾ ĐỘ QUÂN PHIỆT Ở MYANMAR
Hàng trăm ngàn người vẫn biểu tình phản đối chế độ quân phiệt ở Myanmar và ủng hộ bà Aung San Suu Kyi cho dù phe quân sự nắm quyền sau đảo chính kêu gọi dừng các cuộc tụ tập đông người và đụng độ vào thứ Sáu ngày 12.02 dẫn đến 3 người bị chết.
Văn phòng nhân quyền của Liên Hiệp Quốc cho biết đến nay có hơn 350 người, bao gồm cả các công chức, nhà hoạt động và nhà sư, đã bị bắt ở Myanmar kể từ cuộc đảo chính quân sự hôm 01.02, trong đó có một số người phải đối mặt với các cáo buộc hình sự “mập mờ.”
Điều tra viên về nhân quyền đặc trách Myanmar phát biểu trong một phiên họp đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền ở Geneva rằng ngày càng có nhiều “báo cáo và chứng cứ bằng ảnh” cho thấy lực lượng an ninh đã sử dụng đạn thật để bắn vào người biểu tình, như vậy là vi phạm luật pháp quốc tế.
Các bác sĩ cho biết cô gái 19 tuổi bị bắn bằng đạn thật trong cuộc biểu tình ở thủ đô Naypyitaw hôm 09.02 ít có khả năng hồi phục.
No comments:
Post a Comment