Tiếp theo đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục “Nói với người cộng sản”. Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. “Nói với người cộng sản” do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Tâm Anh
Tiến Văn
Thưa quí vị đảng viên cộng sản lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội,
Trong tháng Hai này người Việt Nam chúng ta lại bùi ngùi cùng nhau tưởng niệm lại cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra vào tháng 02 năm 1979 do Trung Cộng đưa quân tấn công Việt Nam nhằm “dạy cho Việt Nam một bài học”.
Sau ba tuần giao tranh, phía Việt Nam chúng ta có khoảng 2 vạn tới 3 vạn bộ đội bị giết, thường dân tử vong lên tới 100 ngàn người, số bộ đội và dân thường bị thương gấp nhiều lần số chết. Cả một sư đoàn mang tên Sao Vàng “bách chiến bách thắng” đã bị quân Trung Cộng xóa sổ sau vài ngày đụng độ.
Mức độ khốc liệt và đau thương còn ở chỗ chiến tranh đẫm máu lại xảy ra chỉ chưa đầy 4 năm sau khi dân Việt vừa thoát khỏi cuộc nội chiến Nam-Bắc kéo dài 20 năm với hàng triệu người bỏ mạng và hàng triệu người tàn tật; trớ trêu hơn nữa, cuộc chiến đẫm máu này lại là cuộc chiến với chính quan thầy Bắc Kinh, đàn anh “răng môi”, “núi liền núi sông liền sông” của Hồ và của đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhưng từ sau hội đàm bí mật tại Thành Đô năm 1990 giữa đảng cộng sản Việt Nam và đảng cộng sản Trung Quốc, bọn chóp bu Hà Nội đã dùng mọi cách để lãng quên cuộc chiến đẫm máu tháng 02 năm 1979. Không chỉ phá bỏ các di tích trên thực địa, xóa thông tin trong sử sách, chúng còn cấm đoán mọi hoạt động tưởng nhớ tự phát của dân ta và bỏ tù nhiều người dám tổ chức, phát động các hoạt động tưởng nhớ về cuộc chiến này.
Tuy nhiên, như anh chị em chúng ta đã thấy, nhân dân chúng ta không bao giờ có thể quên được cuộc chiến này vì chính máu xương của dân chúng ta đã đổ để bảo vệ biên cương Tổ quốc. Nhân dân chúng ta đã ý thức được ý nghĩa của việc tưởng niệm, giữ gìn kí ức về cuộc chiến này: không chỉ để ghi nhớ, vinh danh những người đã ngã xuống vì Tổ quốc mà còn là cách để nhắc nhở dân ta phải cảnh giác, đề phòng Trung Cộng – kẻ ôm mộng xâm lăng Việt Nam từ ngàn đời.
Theo những chứng nhân của cuộc chiến, binh lính Trung Cộng đã có những hành vi vô cùng dã man và tàn bạo kể cả đối với dân thường, người già, phụ nữ và con trẻ. Thái độ tàn nhẫn này là do giới lãnh đạo Trung Cộng đã có chỉ đạo hết sức sức sắt máu rõ ràng như thế này:
“Là Việt Nam dù già hay trẻ, nam hay nữ chúng đều là kẻ địch… phải giết hết. Thấy là giết!”
Đây là trích lời một công văn chỉ đạo của Tướng Hứa Thế Hữu, kẻ giữ chức Tổng chỉ huy lực lượng Trung Cộng tấn công Việt Nam vào ngày 17 tháng 02 năm 1979.
Chiểu theo Công ước Giơ Ne Vơ, hành động của binh sĩ Trung Cộng và sự chỉ đạo của tướng lãnh Trung Cộng đã phạm vào tội ác chiến tranh, chống lại loài người. Tuy nhiên, trong bối cảnh đương thời của chiến tranh lạnh tư bản-cộng sản vẫn đang tiếp diễn, sự đụng độ đẫm máu giữa hai nước, hai chính thể cộng sản “anh em”, “đồng chí” Việt Cộng và Trung Cộng không có khả năng làm cho dư luận thế giới lên tiếng. Thậm chí các tổ chức nhân quyền cũng không thể quan tâm vì đây là chuyện nội bộ trong khối cộng sản. Ngoài ra, nếu xét về chính trị, bọn chóp bu Hà Nội lúc đó chỉ biết có Liên Sô và khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu hay Cu Ba, Bắc Hàn; chúng còn coi tất cả các nước tư bản văn minh, nhân bản như Thụy Sĩ, Áo, Mĩ, Pháp, Anh, Tây Đức là kẻ thù, là những quốc gia đáng bị lật đổ.
Đó chính là bi kịch của nhân dân Việt Nam chúng ta, những người đã trót lầm lẫn đi theo, ủng hộ đảng cộng sản Hồ-Tàu. Chúng đã đẩy nhân dân ta vào hết cuộc chiến này đến cuộc chiến khác trên con đường thoán đoạt quyền lực độc tài của chúng.
Cuộc chiến biên giới phía Bắc tháng 02 năm 1979 mà nhân dân ta phải gánh chịu thực chất là hậu quả của chính sách đu dây, lá mặt lá trái của đảng cộng sản Việt Nam thời Lê Duẩn giữa hai quan thầy Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa. Chính sách đối ngoại có tính chất lưu manh này đã chọc tức Bắc Kinh khiến Đặng Tiểu Bình phải ra tay để cảnh cáo bọn chóp bu Hà Nội bằng việc đem quân tấn công Việt Nam bất ngờ trên toàn chiều dài biên giới Việt-Trung. Như vậy, cái đích của “bài học” mà Đặng Tiểu Bình muốn đưa ra là đảng cộng sản Việt Nam nhưng nhân dân ta lại chính là người phải hứng chịu mọi hậu quả.
Do đó, trong vấn đề tưởng niệm, ghi nhớ cuộc chiến biên giới phía Bắc tháng 02 năm 1979, bên cạnh việc phải ghi nhớ tội ác xâm lược của Trung Cộng, chúng ta càng cần phải ghi nhớ tội ác của đảng cộng sản Việt Nam – vì nguyên nhân sâu xa của cuộc chiến này là do đảng cộng sản Việt Nam đã có thái độ lưu manh với một chính thể quan thầy có mức độ lưu manh hơn nhiều.
Tâm Anh cùng Tiến Văn xin tạm biệt và hẹn gặp lại quí vị cùng anh chị em trong chuyên mục tuần tới. 28/02/2021
No comments:
Post a Comment