Sunday, February 21, 2021

Tin Tức: Chủ Nhật 21.02.2021

Tin Tức

Sau đây, mời quý thính giả theo dõi bản Tin tóm lược với Khánh NgọcNguyên Khải

1) CPJ HỐI THÚC CỘNG SẢN VIỆT NAM TRẢ TỰ DO CHO NHÀ BÁO PHAN BÙI BẢO THY

Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) vừa ra thông cáo báo chí kêu gọi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho nhà báo Phan Bùi Bảo Thy, người hiện đang bị giam giữ do có nhiều bài viết trên Facebook phê phán một số viên chức cao cấp ở tỉnh Quảng Trị.

Ngoài ra, CPJ cũng kêu gọi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam ngưng đối xử với các nhà báo như là tội phạm, và cần cho phép báo giới loan những chủ đề vì lợi ích chung mà không phải lo sợ bị bỏ tù.

Hai tuần trước, công an cộng sản  tỉnh Quảng Trị bắt ông Thy, trưởng đại diện văn phòng báo Giáo dục & Thời đại, và cộng sự Lê Anh Dũng với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự. Cả hai bị cáo buộc lập ra một số tài khoản Facebook rồi đưa lên những bình luận, hình ảnh và video tố cáo lãnh đạo địa phương tham nhũng trong xây dựng cơ sở hạ tầng và bất động sản. Cả hai phải đối diện với mức án đến 7 năm tù nếu bị kết tội.

Thống kê mới nhất của CPJ cho thấy tính đến đầu tháng 12 năm ngoái, cộng sản Việt Nam giam giữ 15 nhà báo và Việt Nam chỉ đứng sau Trung Cộng về số lượng nhà báo nhất bị giam cầm nhiều nhất ở Châu Á.

Đầu tuần qua, tổ chức Ký giả Không Biên giới (RSF) cũng ra thông cáo kêu gọi cộng sản Việt Nam phóng thích hai ông Thy và Dũng cùng nhiều nhà báo khác đang bị giam cầm chỉ vì viết bài chỉ trích chế độ và chống tham nhũng.

2) VIỆT NAM TIẾP TỤC MỞ RỘNG ĐẢO, XÂY DỰNG NHIỀU CƠ SỞ QUÂN SỰ Ở TRƯỜNG SA

Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) của Hoa Kỳ nói rằng Việt Nam tiếp tục có những hoạt động cải tạo nhỏ ở quần đảo Trường Sa ở Biển Đông trong các năm gần đây.

Theo phân tích của AMTI, hoạt động này của Việt Nam cho thấy Hà Nội tiếp tục tập trung vào việc biến những thực thể do Việt Nam kiểm soát ở Trường Sa thành các căn cứ kiên cố hơn, có thể chống lại được sự xâm lược, đồng thời tăng cường khả năng đánh chặn qua việc có thể nhắm tới các cơ sở của Trung Cộng.

Tổ chức này cho rằng Việt Nam có các hoạt động xây dựng hệ thống phòng vệ bờ biển, các toà nhà hành chính, các bãi bê tông, một tháp lớn được dùng cho thông tin liên lạc và tín hiệu tình báo… ở các đảo Đá Tây, đảo Sinh Tồn, đảo Phan Vinh, Nam Yết, đảo Sơn Ca, và đảo Song Tử Tây.

Hiện Hà Nội kiểm soát 27 thực thể tại khu vực quần đảo Trường Sa, chưa kể 14 cơ sở Dịch vụ Khoa học Kỹ thuật được dùng với mục đích dân sự ở đây. Sau khi xâm chiếm Gạc Ma năm 1988 và một số đảo đá những năm sau đó từ Việt Nam, hiện Trung Cộng chiếm đóng 7 thực thể với 20 tiền đồn tại Trường Sa. Từ năm 2013 đến nay, Bắc Kinh đã gia tăng các nỗ lực xây dựng các đảo nhân tạo tại đây và triển khai vũ khí quân sự ra các đảo. 

3) VIỆT NAM CÓ 4 BIẾN THỂ CỦA VIRUS VŨ HÁN

Truyền thông nhà cầm quyền CS Việt Nam đưa tin có bốn biến thể của virus Vũ Hán gây nên đại dịch được phát hiện tại Việt Nam, trong đó có hai biến thể lây lan nhanh xuất phát từ Nam Phi và Anh.

Bốn biến chủng được ghi nhận gồm chủng D614G từ Châu Âu. Đây là chủng gây nên đợt dịch ở Đà Nẵng hồi cuối năm ngoái, chủng B.1.1.7 từ Anh Quốc đang gây ra đợt dịch ở Hải Dương hiện nay, chủng B.1.351 từ Nam Phi trên bệnh nhân người Nam Phi nhập cảnh Việt Nam qua phi trường Nội Bài trong tháng 12 năm ngoái, và chủng A.23.1 từ Rwanda do người nhập cảnh tại phi trường Tân Sơn Nhất.

Chủng virus tại Hải Dương có khả năng lây lan nhanh hơn chủng ở Đà Nẵng. Trong hai tuần đầu bùng phát dịch tại Đà Nẵng, số ca mắc có xu hướng giảm, nhưng tại Hải Dương hiện nay vẫn chưa rõ xu hướng. Hải Dương hiện là địa phương có số người mắc virus Vũ Hán trong cộng đồng dẫn đầu, trung bình mỗi ngày có hơn 20 người và đã hơn 20 ngày tình hình dịch ở địa phương này được nói vẫn còn rất phức tạp.

Tính đến cuối chiều ngày 19.02, Việt Nam ghi nhận 770 người mắc bệnh trong đợt 3. Còn từ đầu mùa dịch đến nay có tổng cộng 2.352 ca. Trong số này cò 35 trường hợp tử vong.

4) HOA KỲ LO NGẠI VỀ LUẬT HẢI CẢNH MỚI CỦA TRUNG CỘNG, DUY TRÌ LẬP TRƯỜNG CỨNG RẮN VỚI BẮC KINH

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố Hoa Thịnh Đốn lo ngại về luật hải cảnh được ban hành gần đây của Trung Cộng và luật này có thể leo thang tranh chấp lãnh hải khi Bắc Kinh viện dẫn để khẳng định các tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.

Washington lo ngại về lời lẽ trong luật này rõ ràng gắn việc sử dụng vũ lực tiềm năng, bao gồm cả lực lượng vũ trang, được thực hiện bởi lực lượng hải cảnh Trung Cộng, với việc thực thi các yêu sách của Trung Cộng và các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải hiện thời ở hai biển trên.

Hoa Kỳ tái khẳng định một tuyên bố vào tháng 7 năm ngoái trong đó Hoa Thịnh Đốn bác bỏ các tuyên bố của Trung Cộng đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở hầu hết vùng Biển Đông. Hoa Kỳ tuyên bố giữ vững lập trường trong các cam kết liên minh với cả Nhật Bản và Philippines.

5) IRAN LẠNH NHẠT VỚI ĐỀ NGHỊ NỐI LẠI ĐÀM PHÁN HẠT NHÂN CỦA HOA KỲ

Hôm thứ Sáu ngày 19.02, ngoại trưởng Iran nói Tehran sẽ “lập tức đảo ngược” các hành động trong chương trình hạt nhân sau khi Hoa Kỳ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Phản ứng này của Iran được Reuters mô tả là ‘lạnh nhạt’ trước đề nghị của Hoa Kỳ về việc nối lại đàm phán song phương nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Một ngày trước đó, Hoa Kỳ tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Iran về khả năng hai nước quay trở lại với thỏa thuận hạt nhân mà mục đích là nhằm ngăn chặn Tehran thủ đắc vũ khí hạt nhân trong khi hầu hết các biện pháp trừng phạt quốc tế sẽ được dỡ bỏ.

Tehran cho rằng tuyên bố của Hoa Thịnh Đốn không đủ để thuyết phục Iran hoàn toàn tôn trọng thỏa thuận đã ký kết. Tuy vậy, một quan chức cấp cao của Iran nói với Reuters rằng Tehran đang cân nhắc đề nghị của Hoa Thịnh Đốn về việc hồi sinh thỏa thuận hạt nhân.

Vào năm 2018, Tổng thống Donald Trump từ bỏ thỏa thuận hạt nhân và áp đặt lại các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Kể từ đó, Tehran đã xây dựng lại các kho dự trữ uranium, và tinh chế nó tới mức độ tinh khiết phân hạch cao, đồng thời lắp đặt các máy ly tâm tiên tiến hơn để tăng tốc sản xuất.

No comments:

Post a Comment