Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Khanh và Miên Dương trình bày sau đây.
1) TÂM LÝ SỢ TRUNG CỘNG KHI TƯỞNG NIỆM CUỘC CHIẾN VIỆT – HOA
Vào hôm thứ Tư 17/2, tức đúng 42 năm nổ ra cuộc chiến Việt – Hoa, các cơ quan tuyên truyền của đảng CSVN vẫn không dám nêu đích danh Trung Cộng trong các bài viết tưởng niệm hàng trăm ngàn quân dân Việt đã thiệt mạng trong cuộc chiến đẫm máu nói trên.
Đa số các bài viết trên các tờ báo lề đảng đều không dám nêu tên Trung Cộng trong hàng tít lớn, chỉ có 2 tờ báo Thanh Niên và Kiến Thức là gọi “quân xâm lược Trung Quốc”. Ngay cả tờ Tin Tức của thông tấn xã cũng đang bài viết có tựa đề “Ký ức về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc sau 42 năm”, nhưng nếu không am hiểu lịch sử, người đọc sẽ không biết được VN đã chiến đấu với nước nào trong cuộc chiến đẫm máu vào đầu năm 1979.
Chính vì thế trên mạng, có người đã đặt câu hỏi là tại sao đảng CSVN luôn mạnh miệng gọi “giặc Pháp, giặc Mỹ” nhưng lại né tránh hai chữ “giặc Tàu” khi tưởng niệm hàng trăm ngàn quân dân Việt đã chết tức tưởi trong cuộc chiến Việt – Hoa? Câu trả lời chính xác nhất là bạo quyền CSVN đã cam tâm khuất phục trước Trung Cộng, bất chấp truyến thống chống Tàu gần 5 ngàn năm qua của dân tộc Tiên Rồng.
2) TÀU KHẢO SÁT TRUNG CỘNG NGANG NHIÊN TIẾN VÀO HẢI PHẬN VN
Chỉ vài ngày sau khi quân đội VN khoe khoang là có đủ sức mạnh bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải, một chiếc tàu khảo sát biển cả của Trung Cộng đã ung dung tiến sâu vào hải phận VN, cách bờ biển Đà Nẵng vào khoảng 140 hải lý.
Chiếc tàu khảo sát có tên là Thám Tác 2, rời cảng Tam Á của đảo Hải Năm vào ngày 2/2 để tiến đến vùng biển VN với mục đích “thu thập các mẫu sinh học và thử nghiệm tàu lặn dưới đáy biển”, theo bản tin của Hoa Tấn Xã. Bản tin cho biết thêm là cuộc khảo sát đã hoàn tất vào ngày 9/2 vừa qua, tuy nhiên không một cơ quan chức trách nào của VN hay biết gì về hoạt động nói trên.
Cần biết là trong thời gian qua, ngoài việc gia tăng sự hiện diện của lực lượng hải cảnh trên Biền Đông, Trung Cộng đã điều động rất nhiều tàu bè đội lốt là “khảo sát và nghiên cứu khoa học” đến vùng biển này.
Điển hình là vào tháng trước, một chiếc tàu có tên là Gia Canh đã tiến vào vùng biển Philippines, cũng với mục đích khảo sát hải dương, nhưng không hề thông báo hay được sự cho phép của chính phủ Phi. Một tháng trước đó, ngư dân Indonesia bắt được một tàu lặn tí hon của Trung Cộng, chuyên thu thập các dữ liệu dưới biển để cung cấp cho các tàu ngầm Trung Cộng.
3) CHIẾN HẠM MỸ ÁP SÁT CÁC ĐẢO NHÂN TẠO CỦA TRUNG CỘNG Ở TRƯỜNG SA
Khu trục hạm Russell của Mỹ vào hôm qua đã áp sát các hòn đảo nhân tạo của Trung Cộng ở quần đảo Trường Sa nhằm chứng minh quyền tự do hàng hải tại Biển Đông.
Đây là chuyến tuần tra mới nhất của hạm đội 7 Hoa Kỳ trong chiến dịch cổ vũ cho quyền tự do hàng hải tại Biển Đông, phú hợp với công pháp quốc tế về luật biển và nhằm phản bác các áp đặt về chủ quyền của Trung Cộng ở vùng biển này.
Cần nhắc lại, vào ngày 5/2 vừa qua, khu trục hạm John McCain cũng áp sát quần đảo Hoàng Sa mà Trung Cộng tấn chiếm từ tay VNCH vào năm 1974. Bốn ngày sau đó, hai hải đội, do hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt và Nimitz cầm đầu, cũng mở cuộc tập trận phối hợp tác chiến trên Biển Đông.
Theo nhận định của giới quan sát viên, các hoạt động nói trên là nhằm chứng tỏ tân chính phủ Mỹ, do Tổng thống Joe Biden cầm đầu, sẽ tiếp tục cứng rắn trước dã tâm làm bá chủ thế giới của Trung Cộng.
4) TỈNH HẢI DƯƠNG YÊU CẦU TRỢ GIÚP ĐỂ NGĂN DỊCH VŨ HÁN
Vào hôm qua, tỉnh Hải Dương ghi nhận thêm 18 trường hợp nhiễm mới, trong đó có 7 trường hợp thuộc ổ dịch Cẩm Giàng, 9 ở ổ dịch Chí Linh và 2 tại thành phố Hải Dương.
Trước tình hình lây lan quá nhanh, nhà cầm quyền tỉnh này vào hôm qua kêu gào nhà nước gia tăng hỗ trợ về y tế và giải quyết hàng trăm ngàn tấn nông sản không bán được vì toàn tỉnh đang bị phong tỏa. Trong khi đó, thì các quan chức địa phương và trung ương thì tiếp tục đỗ lỗi cho nhau cho việc thiếu hiệu quả trong cuộc ngăn chặn sự lây lan này.
Trong lời yêu cầu đưa ra vào hôm qua, nhà cầm quyền Hải Dương đề nghị bộ y tế thiết lập thêm các phòng xét nghiệm ở tỉnh này để gia tăng số người được xét nghiệm. Một yêu cầu khác là về hàng chục ngàn tấn rau cải đang bị tồn đọng trong kho lạnh sau khi thu hoạch nhưng không có nơi tiêu thụ.
Cần biết là vào hôm thứ Ba 16/2, nhà cầm quyền thành phố Hải Phòng ra lệnh ngưng tiếp nhận hàng hóa và người dân đến từ ổ dịch Hải Dương.
5) QUÂN ĐỘI HOA KỲ SẼ TÁI PHỐI TRÍ LỰC LƯỢNG TRÊN TOÀN CẦU
Bộ quốc phòng Mỹ đang lên kế hoạch tái phối trí lực lượng trên toàn thế giới, với mục tiêu là nhằm đối phó với Trung Cộng và Nga, cũng như các nhóm phiến quân do Iran đỡ đầu ở Trung Đông.
Kế hoạch nói trên được soạn thảo chỉ vào ngày sau khi tân bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin lên nhậm chức. Tương tự như nhận định của chính phủ Donald Trump, tân nội các Joe Biden đều xem Trung Cộng là mối đe dọa hàng đầu đối với nền an ninh Hoa Kỳ. Tuy nhiên ông Biden tin rằng khối NATO có thể nắm vai trò quan trọng trong việc ngăn chận dã tâm bành trướng của Trung Cộng.
Nhiều chuyên gia tin rằng, lực lượng Mỹ sẽ gia tăng sự hiện diện ở Á châu – Thái bình dương trong thời gian tới. Lý do là một báo cáo vừa được công bố cho thấy vấn đề Đài Loan sẽ trở thành một ngòi nổ cho cuộc chiến quân sự giữa hai nước Mỹ – Tàu. Báo cáo cho biết là quân đội Trung Cộng đang đẩy mạnh hoạt động nhằm ngăn chận sự can thiệp của Mỹ nếu Trung Cộng quyết định tấn công Đài Loan.
6) HOA KỲ KÊU GỌI NGĂN CHẬN DỊCH EBOLA ĐANG BỘC PHÁT Ở PHI CHÂU
Chính phủ Mỹ vào hôm qua lên tiếng kêu gọi thế giới phải khẩn cấp ngăn chận dịch Ebola đang bộc phát ở một số nước Phi châu trước khi dịch này lan rộng trong bối cảnh đại dịch Vũ Hán vẫn hoành hành trên toàn cầu.
Cần biết là trong tuần qua, dịch Ebola đã bộc phát ở một số nước thuộc miền trung và miền tây Phi châu, đặc biệt là ở hai nước Guinea và Cộng hòa Congo. Tổng cộng đã có hàng chục người nhiễm bệnh tại hai nước này, với 3 ca tử vong.
Trong tuyên bố đưa ra vào hôm qua, tòa Bạch Ốc khẳng định là mặc dù đang chật vật đối phó đại dịch Vũ Hán, nhưng chính phủ Mỹ cương quyết trợ giúp về nhân sự và tài chánh để ngăn chận các dịch bệnh khác trên toàn thế giới.
Cần nhắc lại, dịch Ebola bộc phát vào năm 2013 với hơn 10 ngàn người chết ở Phi châu trong 3 năm sau đó. Dịch này xuất phát từ một loài dơi, có tỷ lệ tử vong gần 90% nếu nhiễm bệnh.
No comments:
Post a Comment