Cho dù Hoàng Sa còn nằm trong gông cùm của Trung cộng thì tình yêu và lòng quyết tâm giành lại Hoàng Sa trong tay giặc vẫn mãi mãi là ý nguyện bất di bất dịch trong tâm tưởng của toàn dân Việt.
Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gởi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề: “Hoàng Sa Việt Nam” của Trần Quốc Việt sẽ được Lê Khanh trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
Tôi bồi hồi xúc động tưởng như muốn khóc khi nhìn ảnh Trạm Không gian Quốc tế bay ngang qua Quần đảo Hoàng Sa. Phi thuyền con thoi Atlantis của Hoa Kỳ chụp bức ảnh này vào ngày 18 tháng Chín năm 2000. (1) Hoàng sa ở phía trên trái của ảnh trông như những chuỗi ngọc tạo hóa đã ưu ái ban cho Việt Nam. Những chuỗi ngọc đẹp và mỏng manh nhìn từ không gian ấy giờ đây bị Trung Cộng giày vò tàn nhẫn sau khi chúng đã cướp đoạt trắng trợn từ tay Việt Nam Cộng Hòa cách đây đúng 45 năm.
Hoàng Sa cát vàng ngày nào giờ là những giọt nước mắt nhỏ vào lòng bao trái tim yêu nước người Việt. Cách đây vài năm những giọt nước mất khóc cho phần đất quê hương ngoài biển cả đã phải kìm lại và ẩn kín dưới những hàng chữ viết tắt HS-TS-VN viết vội vàng, âm thầm và lén lút trên tường hẻm, trên thành cầu trong bóng đêm. Và cái giá cho sáu chữ hoa ấy là những năm dài sau song sắt cho biết bao người viết thôi thúc bởi lòng yêu nước. Mật mã ấy của lòng yêu nước mà đã gìn giữ Hoàng Sa từ ngàn xưa giờ càng công khai hơn trên mạng, ngoài đời, và đặc biệt trên đường phố dưới những bước chân và tiếng thét dâng trào gần đây: Hoàng Sa Việt Nam, Hoàng Sa Việt Nam, Hoàng Sa Việt Nam…
Hôm nay gặp nhau trên đường phố Lạng Sơn, Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ, Cà Mau người Việt chào nhau bằng câu “Hoàng Sa Việt Nam” và chia tay bằng câu “Sang năm đến Hoàng Sa.”
Hôm nay trên khắp thế giới người Việt quen thân nên nhắc tới Hoàng Sa. Mà nếu không quen thì ta cũng nên nhìn vào mắt đồng bào mình và nhủ thầm rằng “Hoàng Sa là của chúng ta. Nhớ nhé.”
Nhìn từ không gian, Hoàng Sa dưới những đám mây lững lờ trôi là nơi an nghỉ muôn đời của những người con dâng mình cho sơn hà, và biển cả của Việt Nam.Nhưng họ không chìm dưới biển sâu và trong lòng người. Họ hòa tan vào sóng biển vỗ vào những bờ cát vàng Hoàng Sa như vẫn còn muốn tiếp tục cuộc chiến đấu bảo vệ các đảo ngọc của tổ quốc. Nhưng hôm nay, nếu hiển linh, các anh hãy ngưng nhiệm vụ mà trở về quê hương để chứng kiến tình yêu những chuỗi ngọc ấy trong biết bao ánh mắt rưng rưng của đồng bào hôm nay.
Trần Quốc Việt
No comments:
Post a Comment