Lời dẫn: Ông Vũ Cao Quận sinh ngày 16/4/1033 tại Hải Phòng, đã tham dự vào cuộc chiến Quốc Cộng từ 1945 đến 1975 trong hàng ngũ những người CS. Ông được giải ngũ năm 1975 với cấp bậc Trung Úy. Tuy vậy, sau năm 1975, có được cơ hội nhìn ra bên ngoài, vượt khỏi vòng kìm tỏa của CS, Ông đã có cái nhìn tích cực hơn về Tự Do Dân Chủ và nhận rõ CS là gì . Ông tham gia vào phong trào đối kháng VN và trở nên một trong những tên tuổi nỗi bậc trong hàng ngũ những người CS phản kháng chế dộ. Ông qua đời ngày 19 tháng 1 năm 2021
Để tưởng niệm “Người Lính Già Vũ Cao Quận”, Đài DLSN trân trọng giới thiệu tập hồi ký “Chín ngày trong một đời người”. Sau đây, mời quý thính giả tiếp tục theo dõi tập hồi ký qua sự trình bảy của Bá Cơ…
Chín ngày trong một đời người ( Bài 3).
Tôi toan nói tiếp thì bị cắt ngang.
Hỏi: làm sao mà anh quen và có mối liên hệ với các ông: Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Lê Hồng Hà và Nguyễn Thanh Giang…?
Đáp: Trình bày thì dài, nhưng tôi xin nói ngắn gọn. Tình đời, tình người thôi… Khi ông Độ là tướng thì tôi mới là anh tiểu đội trưởng, không có mối liên hệ nào trực tiếp cả. Cách đây có dễ hơn 40 năm, tôi có được nghe, được đọc một số bài viết về thanh niên của ông Độ. Ông Độ hiểu thanh niên công nông đồng thời ông cũng hiểu những tâm tư của bọn thanh niên tiểu tư sản và tầng lớp trên chúng tôi, tự nhiên nảy sinh trong tôi lòng kính trọng vu vơ thôi, vì địa vị xã hội của ông so với tôi lúc đó xa cách quá. Tôi đến với ông khi ông bị “thất sủng” và đau yếu, một người lính già đến với một chủ tướng già. Giản đơn có vậy thôi, chứ không phải thấy người sang bắt quàng làm họ. Còn quen với các ông khác chẳng qua cũng là tất yếu, tình bạn của sự nổi dậy của tư duy.
Đang nói dở thì một công an bên ngoài đi vào không nói, không rằng quẳng một băng video vào trước mặt tôi. Hành động nghiệp vụ này hơi non một chút nên họ chẳng tìm thấy một phản ứng gì thay đổi trên nét mặt tôi. Tôi vẫn bình thản ngồi lặng lẽ để chờ câu hỏi tiếp nhưng lòng thầm nghĩ: “Thế là các chú em đã đến khám nhà tôi rồi”. Cái băng video đó là của anh Trần Độ tặng tôi quay cảnh các anh: trung tướng Trần Độ, Nguyễn Văn Đào (nguyên bí thư Thành ủy Hà Nội), Trần Khuê, Trần Dũng Tiến, đại tá Thế Kỷ, đại tá Võ Hạ, trung tá Vũ Đức Tĩnh, Vũ Cao Quận, được vợ chồng tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang mời đi viếng mộ Nhà báo lão thành cách mạng Thôi Hữu ở Thái Nguyên. Mãi về sau này lắm lúc tôi tự hỏi: các công an nghiệp vụ có tự cảm thấy xấu hổ khi mình vi phạm pháp luật đi thu những thứ không thuộc về chứng cứ phạm pháp. Những người trong băng video đều là những công dân tự do đi thăm viếng liệt sĩ và họ thu cả ảnh tôi chụp chung với vợ chồng Trần Trọng Hải và Anbina Trebontasova cùng cháu Ella Trần Hải Yến trong dịp ra thăm và tặng tiền cho cô gái Nga bán bia ở Cẩm Phả. Họ tịch thu cả chiếc máy chữ nhỏ của tôi.
Rồi giờ nghỉ cũng đã tới, sau khi ký vào biên bản hỏi đáp trung tá V.L. thu xếp nhường giường ngủ ở phòng làm việc của anh. Khoảng 18 giờ vợ tôi mang cặp lồng phở đến cho tôi và được V.L. đưa vào tận phòng cho tôi. Tôi tuyên bố: “Tôi tuyệt thực sẽ không ăn cho đến khi nào tôi được gặp vợ tôi”. Và tôi bỏ đi nằm, khoảng 30 phút sau, anh V.L. vào gặp tôi và nói: “Bác phải ăn đi, chả lẽ bác lại để tôi lập biên bản không ăn thì thật buồn cười quá”. Tôi nói: “Lập biên bản là quyền của các ông, còn nếu tôi không được gặp vợ tôi thì tôi sẵn sàng chuẩn bị cho cái chết của tôi rồi. Tôi sẽ tuyệt thực đến chết vì tôi chẳng còn gì để mất cả”. Lại khoảng 1 giờ 30 phút sau (tức là khoảng 20 giờ) anh V.L. lại vào phòng giục tôi ăn. Tôi kiên quyết không ăn. Thấy vậy anh đấu dịu: “Thôi bác ăn đi. Sau khi bác ăn xong tôi sẽ để bác gái vào gặp bác”. Tôi cảnh giác hỏi lại: “Anh bảo đảm chứ?”. V.L. đáp có vẻ hơi bực: “Chẳng lẽ tôi lại nói dối bác sao…?”
Dù suốt từ sáng tôi mới uống một tách cà phê mầu ở Hà Nội với Đắc Kính cho tới bây giờ tôi cũng không hề thấy đói. Bởi lẽ sau biến cố bệnh tật hôm 27 tết âm lịch, tôi bị liệt nửa người phải đi bệnh viện quân đội 203 cấp cứu nên đầu tôi luôn bị như say sóng và nhu cầu ăn tôi có thể nhịn vài ba ngày cũng được. Để có sức “chiến đấu” cho ngày mai tôi chỉ ăn hết nửa xuất phở, chủ yếu là ăn hết số thịt bò để tăng thêm sức chịu đựng.
Giữ đúng lời hứa, sau khi tôi ăn xong trung tá Vũ Lương cho phép vợ tôi vào gặp tôi. Khi vợ tôi bước vào phòng, tôi vội quệt nước mắt trong bóng tối và lòng thấy thanh thản lạ thường.
Chỉ có biết được mình sắp bước vào cuộc đời giam giữ, lao tù mới thấy việc được gặp vợ là quý giá biết chừng nào. Tội nghiệp vợ tôi, khi lấy chồng mới mặc chiếc áo cưới hôm trước thì hôm sau đã phải khoác áo tang trắng trong đám ma của bố chồng. Ở với chồng chưa kịp bén hơi nhau thì lại tiễn đưa chồng vào Nam chiến đấu. Cuộc chiến tranh chống Mỹ ngày càng ác liệt, người vợ trẻ tiễn chồng ra mặt trận hẳn biết rằng cái ngày trở về là không hẹn trước.
“Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”… Liệu có mấy người chinh chiến trở về. Đằng đẵng chờ chồng, gánh nặng đè lên vai với đồng lương kế toán ít ỏi nuôi mẹ đẻ lẫn mẹ chồng. Hoà bình trở lại cũng chưa được một ngày sung sướng thì hôm nay… chồng chưa đỡ đần được bao nhiêu thì lại mang gánh nặng vì chồng. Với bản lĩnh vững vàng vợ tôi không hề khóc lóc, vẫn bình tĩnh kể sơ qua việc nhà tôi bị lục soát một cách vô cớ. Các con lo lắng và thương bố lắm. Về phần tôi cũng chưa hình dung những gì sẽ xẩy ra tiếp theo với số phận tôi, nhưng trong suốt chiều dài về lịch sử đàn áp của đất nước này như: Vụ “H.122”, “Cải cách ruộng đất”, “Nhân văn giai phẩm”, “Nhóm chống Đảng”… thì tôi lại trở lại với bản năng của người lính: cảnh giác và sẵn sàng ứng phó với hoàn cảnh xấu nhất. Thật trớ trêu, gần hết cả cuộc đời cầm súng chiến đấu từ lúc tóc còn xanh đến khi đầu bạc luôn luôn sẵn sàng chiến đấu và cảnh giác với mọi kẻ thù thì hôm nay… cũng lại cảnh giác và sẵn sàng ứng phó với cái trước mặt: chẳng bạn, chẳng ta, cũng chẳng phải thù.
No comments:
Post a Comment