Đảng cs VN muôn đời là tay sai của cs Tàu hầu bám víu độc tài độc đảng. Xây dựng nhà nước pháp quyền chỉ là một khẩu hiệu mị dân mà thôi. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần bình luận của Nguyễn Hoàng Trường với tựa đề: “Việt Nam có xây dựng nhà nước pháp quyền?” sẽ được Nguyên Khải trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.
Trên trang “Tiếng Dân” ngày 6/2/2021, có đăng bài viết của LS Ngô Ngọc Trai, nhan đề “Thượng tôn pháp luật” hay “Chính trị là thống soái”. Cuối bài, tác giả kết luận: “Việt Nam đang trên lộ trình xây dựng nhà nước pháp quyền và xã hội thượng tôn pháp luật, thay vì như Trung Quốc coi chính trị là thống soái”.
Không rõ “mô hình hệ thống” mà LS Ngô Ngọc Trai đề cập ở trên là hệ thống gì: Chính trị hay pháp luật, quản trị hay thể chế? Điều còn mơ hồ hơn nữa là nhờ những yếu tố nào mà Việt Nam “may mắn hơn” để có thể “tránh mắc phải sai lầm” như Trung Quốc?
Có thể những vấn đề này không hẳn là mục đích bài viết của LS Ngô Ngọc Trai. Tuy nhiên, những ngày này mọi con mắt của giới quan sát đều đang đổ dồn vào “Bố tứ” và tập trung vào “ngôi sao đang lên”, được coi là “nhân vật của năm” tức ứng cử viên (ƯCV) Thủ tướng Phạm Minh Chính. Vậy thử nhìn lại xem dàn lãnh đạo Đảng/ Nhà nước đã/ sẽ chuyển động theo hướng nào trên thực tế?
Hãy bàn đến sự giống nhau và khác nhau giữa Việt Nam và Trung Quốc vào một dịp khác. Ở đây chỉ nêu bật một lỗ hổng chết người của hệ thống hiện nay là chúng ta không hề có cơ sở “nền” để xây dựng một “nhà nước pháp quyền” (NNPQ). “Xã hội thượng tôn pháp luật” (XHTTPL) lại càng không.
Ở Việt Nam, Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Vậy lấy đâu ra pháp quyền khi việc bầu Tổng Bí thư (TBT) tại Đại hội 13, cùng lúc với việc vi phạm Điều lệ đảng, vi phạm Quy định “trường hợp đặc biệt”, theo đánh giá của Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam.
NNPQ khác với và cao hơn cai trị bằng luật pháp (rule by law) ở nhiều yếu tố. Tối thiểu, NNPQ phải bảo đảm ba yếu tố: i) Nhà nước bị giới hạn bằng luật pháp; ii) Nhà nước phải có hệ thống luật lệ công khai, được áp dụng tổng quát cho toàn xã hội, trong các luật lệ đó phải có quyền được xét xử công bằng; iii) Pháp quyền chỉ tồn tại trong một xã hội khi người dân không phải hứng chịu thói hành xử bất thường khó đoán của bất kỳ cá nhân nào (dù là Tổng bí thư hay bất kỳ ai khác).
Không một thiết chế nào sau Đại hội 13, từ Bộ Chính trị đến Ban Chấp hành Trung ương, có thể đáp ứng được một trong các yếu tố kể trên. Đáp ứng cả ba yếu tố cùng một lúc lại càng không.
Vì sao có thể khẳng định như vậy? Thứ nhất, như đã nói ở phần đầu, đến Điều lệ Đảng, các ông còn bỏ qua, nói chi đến “chịu sự giới hạn bằng luật pháp”.
Thứ hai, làm thế nào để có thể “công khai hoá” và “áp dụng tổng quát cho toàn xã hội” hệ thống luật lệ ấy, khi hệ thống tù mù đến mức thảm hại.
Thứ ba, bất cứ một thành tố nào trong hai thiết chế quyền lực vừa nhắc ở trên, chẳng may bị “trái gió trở giời” thì đám thần dân (chưa phải công dân đâu nhé!) rất dễ “bị hứng chịu thói hành xử bất thường khó đoán trước” của đám thành viên ấy.
Việt Nam không phải “đang trên lộ trình xây dựng nhà nước pháp quyền và xã hội thượng tôn pháp luật” như LS Ngô Ngọc Trai kết luận. Đại hội vừa kết thúc, cuộc đấu dường như lại tiếp tục. Bắt đầu từ việc tân UVBCT Trần Tuấn Anh không giành nổi cái ghế Ngoại trưởng của Phạm Bình Minh. UVBCT Tô Lâm cũng không muốn rời ghế Bộ trưởng Công an để nhường cho Phan Đình Trạc như dự kiến ban đầu.
Nhưng táo tợn nhất có lẽ là phán đoán râm ran mấy ngày nay trên các trang mạng: Giữa ba ông trong “Tứ trụ” (Chính – Phúc – Huệ) có thể có sự giao tranh mới. Phúc hoặc Huệ có thể “hất” Chính xuống ghế Quốc hội để một trong hai ông chiếm ghế Thủ tướng. Sau khi BCT có vẻ như đồng ý với phương án ông Tô Lâm “ngồi lại” ghế Bộ trưởng Công an, ông Tuấn Anh bị “đẩy sang” Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, bất ngờ ông Phúc cũng bày tỏ ý định không muốn “rời ghế” Thủ tướng đang giữ.
Nói phán đoán này táo tợn, vì như thế là chưa thấy rõ “bàn tay vô hình” của thiên triều. Từ Bắc Kinh, lần này chẳng có đoàn đại biểu cấp cao nào của đảng CSTQ thăm Việt Nam như các Đại hội trước, nhưng mọi chuyện diễn ra hình như theo một kịch bản có sẵn. Xem thế đủ thấy “bộ đôi” Nguyễn Phú Trọng – Phạm Minh Chính đã tuân thủ “chỉ dụ”. Đồng ý giữ ông Trọng lại, gạt Phạm Bình Minh khỏi Bộ Ngoại giao, bằng mọi giá đẩy Phạm Minh Chính lên Thủ tướng… là những phướng án được hoạch định từ đầu.
Thực tế nền kinh tế của Việt Nam hiện nay đang phụ thuộc rất lớn vào ngoại thương và đầu tư từ bên ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc. Sự phụ thuộc này ngày càng lớn và ngày càng gia tăng. Điều này đến lượt nó, sẽ có thể dẫn đến những thoả hiệp về chủ quyền biển đảo, đặc biệt là vấn đề khai thác chung trong các vùng EEZ của Việt Nam.
Tóm lại, xu hướng ngả theo Trung Quốc là thống soái, chứ khó có hy vọng Việt Nam đi vào giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền hay xã hội thượng tôn pháp luật.
Nguyễn Hoàng Trường
No comments:
Post a Comment