Ngay sau đây, mời quý thính giả theo dõi sự kiện một dân biểu Úc vận động để đưa một người Úc gốc Việt về với gia đình. Bảo Trân có thêm thông tin chi tiết để mở đầu phần Tin Tức hôm nay …
DÂN BIỂU CHRIS HAYES LÊN TIẾNG TRƯỚC QUỐC HỘI LIÊN BANG ÚC VỀ TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ CHÂU VĂN KHẢM
Vào thứ Năm ngày 25.02, Dân biểu Chris Hayes nêu ra trước Quốc hội Liên bang Úc trường hợp ông Châu Văn Khảm, một công dân Úc gốc Việt, hiện đang bị cầm tù tại Việt Nam. Dân biểu Hayes cho rằng ông Khảm đang bị đày đoạ trong một trại giam ở Việt Nam và chính phủ Úc cần hành động để đưa ông về với gia đình.
Trong phát biểu trước Quốc hội Liên bang Úc, vị dân biểu khẳng định ông Khảm không được thăm viếng lãnh sự kể từ tháng 10 năm ngoái do các biện pháp hạn chế lây lan dịch virus Vũ Hán áp dụng bởi nhà cầm quyền cộng sản. Ngoài ra nguồn tin từ cựu tù nhân chính trị Michael Minh Phương Nguyễn rằng ông Khảm không được cung cấp thức ăn và nước uống hợp vệ sinh cũng như chăm sóc y tế trong khi bị buộc phải lao động khổ sai ở tuổi 71.
Ông Michael Minh Phương Nguyễn, một người Mỹ gốc Việt, bị kết án 12 năm tù giam giống như ông Khảm về tội danh nguỵ tạo “hoạt động nhằm chống chế độ cộng sản” nhưng ông được phóng thích vào cuối tháng 10 năm ngoái do có sự can thiệp của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Dân biểu Hayes cho rằng ông Khảm có thể được trả tự do nếu Chính phủ Úc hành động mạnh mẽ hơn. Ông Hayes đã hai lần viết thư cho Ngoại trưởng Úc để kêu gọi Bộ Ngoại giao Úc can thiệp cho ông Khảm.
Nhân quyền tại Việt Nam được đánh giá là rất tồi tệ, đã vậy còn bị cáo buộc là tiếp tay cho quân đội nước khác vi phạm nhân quyền. Bản tin sau đây sẽ nói rõ hơn các chi tiết qua sự trình bày của Đồng Tâm …
VIETTEL BỊ CÁO BUỘC TIẾP TAY CHO QUÂN ĐỘI MYANMAR VI PHẠM NHÂN QUYỀN
Vào cuối năm ngoái, tổ chức Justice for Myanmar công bố kết luận trong một phóng sự điều tra, cáo buộc Công ty viễn thông quân đội Việt Nam (Viettel) đồng lõa với những vi phạm nhân quyền tàn bạo tại Myanmar qua việc đầu tư vào doanh nghiệp của quân đội nước này. Viettel là cổ đông lớn nhất với 49% cổ phần trong công ty viễn thông Mytel của quân đội Myanmar.
Justice for Myanmar nói rằng người dân Myanmar đang phải đối mặt với nhiều mối nguy nghiêm trọng từ hoạt động kinh doanh của Viettel với quân đội Myanmar. Việc hợp tác giữa Viettel và Mytel mang lại nguồn thu nhập quan trọng, khả năng tiếp cận công nghệ, vũ khí nước ngoài và một bộ máy giám sát mở rộng mà quân đội Myanmar có thể áp dụng đối với người dân.
Nhiều tổ chức nhân quyền và giới đấu tranh kêu gọi tẩy chay quân đội Myanmar những nguồn tài chính của họ – trong đó có Viettel, doanh nghiệp viễn thông của Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Trong khi đó, nhà cầm quyền quân sự Myanmar tiếp tục gia tăng đàn áp những người ủng hộ đảng Liên minh Quốc gia vì Dân Chủ (NLD) và bà Aung San Suu Kyi. Cảnh sát đã nổ súng bắn chết ba người và gây thương thích cho 40 người bên cạnh việc bắt giữ hàng trăm người biểu tình phản đối việc quân đội lật đổ chính quyền dân sự.
Viettel bắt đầu đầu tư vào Mytel từ giữa năm 2018 và chỉ trong hai năm Mytel đã trở thành một trong hai nhà mạng lớn nhất của Myanmar với hơn 10 triệu thuê bao.
Hoa Kỳ lên tiếng việc một số trang mạng và chợ ở Việt Nam chuyên bán hàng giả đồng thời vi phạm bản quyền, trước sự ngó lơ của nhà nước Việt Nam. Bảo Trân có thêm thông tin như sau …
HOA KỲ LIỆT KÊ 3 TRANG MẠNG, 2 CHỢ Ở VIỆT NAM TRONG DANH SÁCH BÁN HÀNG GIẢ, VI PHẠM BẢN QUYỀN
Văn phòng Đại diện Thương mại (USTR) của Hoa Kỳ xếp chợ Bến Thành ở Sài Gòn, chợ Đồng Xuân ở Hà Nội và các trang mạng shopee.vn, phimmoi và phimmoizz vào danh sách bán hàng giả hoặc vi phạm bản quyền năm 2020.
Báo cáo của USTR cho rằng tại Bến Thành và Đồng Xuân có nhiều hàng hoá giả mạo hoặc vi phạm bản quyền ở mức đáng kể và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không có các nỗ lực cần thiết để đối phó với tình trạng này.
USTR cáo buộc shopee không có thủ tục điều tra với bên bán hàng thứ ba, còn phimmoi.net cung cấp hàng ngàn phim vi phạm quyền sở hữu của chủ sở hữu Hoa Kỳ. Trang này đã bị Việt Nam chặn trong năm 2020, nhưng sau đó các sản phẩm đã chuyển sang trang phimmoizz.net, và trang mới này vẫn là một trong những trang web phổ biến nhất tại Việt Nam.
Ngân sách quốc phòng vốn là một bí mật quốc gia của các nước theo chế độ cộng sản, nhà nước Trung cộng cũng không ngoại lệ. Các chuyên gia tin là Bắc Kinh sẽ gia tăng ngân sách quốc phòng trong năm nay, nhưng tăng bao nhiêu thì chỉ có trời mới biết con số thật sự. Đồng Tâm đưa ra những dự đoán của các chuyên gia để kết thúc phần Tin Tức hôm nay …
TRUNG CỘNG BỊ NGHI NGỜ SẼ GIA TĂNG CHI TIÊU QUỐC PHÒNG
Nhiều chuyên gia an ninh Trung Cộng và Tây phương dự báo Bắc Kinh sẽ loan báo gia tăng chi tiêu quốc phòng vào dịp khai mạc quốc hội thường niên ngày 05.03, giữa lúc nền kinh tế nước này đang hồi phục sau đại dịch virus Vũ Hán và căng thẳng quân sự leo thang.
Năm ngoái, vào lúc coronavirus đang vùi dập nền kinh tế, Trung Cộng tuyên bố tăng ngân sách quốc phòng 6,6% tương đương với 178 tỷ Mỹ kim, mức tăng thấp nhất trong ba thập kỷ.
Giáo sư Ni Lexiong, từng giảng dạy tại trường Khoa học Chính trị và Luật thuộc Đại học Thượng Hải, dự đoán ngân sách quốc phòng của Trung Cộng sẽ gia tăng đáng kể, viện lý do Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan, thường xuyên đưa hàng không mẫu hạm tới vùng biển ngoài khơi Trung Cộng và sự hiện diện gần đây của tàu ngầm hạt nhân của Pháp ở Biển Đông.
Ông Ross Babbage, nghiên cứu viên tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách có trụ sở tại Washington, dự báo mức tăng chi tiêu quốc phòng của Trung Cộng sẽ vào khoảng 7%.
Nhiều chuyên gia phương Tây tin rằng chi tiêu quốc phòng của Bắc Kinh trên thực tế cao hơn nhiều so với các số liệu chính thức. Ngũ Giác Đài ước tính Trung Cộng đã chi ra hơn 200 tỷ Mỹ kim cho quân sự trong năm 2019.
Theo một báo cáo hàng năm của Ngũ Giác Đài hồi tháng 9, chi tiêu quân sự được công bố cho năm 2019 của Trung Cộng là 174 tỷ đô la sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát, chiếm 1,3% GDP. Số liệu này không bao gồm các khoản chi cho nghiên cứu và phát triển và mua vũ khí nước ngoài.
Ngũ Giác Đài ước tính Bắc Kinh trên thực tế đã chi ra hơn 200 tỷ Mỹ kim trong năm 2019 trong khi Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm ước tính con số này có thể lên tới 261 tỷ.
No comments:
Post a Comment