Saturday, February 6, 2021

Tin Tức : Thứ Bảy 06.02.2021

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Bảo Trân & Đồng Tâm trình bày sau đây.

TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM ĐINH THỊ THU THUỶ NGẤT XỈU TRONG TRẠI GIAM 

Nhà hoạt động nhân quyền và môi trường Đinh Thị Thu Thuỷ, người bị cộng sản Việt Nam kết án 7 năm tù giam về một tội danh nguỵ tạo “tuyên truyền chống nhà nước” trong phiên toà ngày 20/01 vừa qua, đã phải nhập viện vì sức khoẻ suy kiệt. Gia đình cho biết vào cuối tháng 1 cô bị ngất xỉu trong phòng giam do bị bệnh và chế độ giam cầm hà khắc. Sau đó cô được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện dân sự của tỉnh Hậu Giang để điều trị các bệnh rối loạn tiền đình, hở van tim, thiếu canxi và mất ngủ trầm trọng.

NGƯỜI VIỆT BIỂU TÌNH PHẢN ĐỐI VIỆC 4 NGÂN HÀNG ĐÀI LOAN CHO FORMOSA VAY 2.5 TỶ MỸ KIM

Một nhóm người Việt thuộc Hội Công lý cho nạn nhân Formosa và Văn phòng Công nhân Di cư và Nhập cư Việt Nam cùng với đại diện một số tổ chức nhân quyền và môi trường Đài Loan đã biểu tình trước Viện Hành chính sáng ngày 04/02 nhằm phản đối việc 4 ngân hàng của nước này cho Formosa vay 2.5 tỷ Mỹ kim. 

Những người biểu tình yêu cầu Viện Hành chính Đài Loan chỉ đạo các tổ chức thúc đẩy tài chính xanh và xem xét kỹ lưỡng các trường hợp cho vay để không trở thành hành vi đồng lõa với việc phá hoại môi trường. Trong cuộc họp báo trước khi biểu tình, họ cho biết 4 ngân hàng là Ngân hàng Đài Loan, Mega, Đệ nhất và Ngân hàng Nam Trung Quốc cùng một số ngân hàng chứng khoán chính thức khác đã cùng quyết định cho Formosa Plastic – công ty mẹ của Formosa Hà Tĩnh, vay số tiền tổng cộng 2.5 tỷ Mỹ kim.

Nhóm biểu tình yêu cầu các ngân hàng chứng khoán chính thức phải tuyên bố rằng họ đã đánh giá đầy đủ tác động môi trường và xã hội của trường hợp tài trợ này, nếu không họ sẽ rút vốn.

Nhóm biểu tình sẽ gửi thỉnh nguyện thư đến một số cơ quan hành chính và ngân hàng của Đài Loan về việc Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường ở ven biển miền Trung Việt Nam và chưa khắc phục hết hậu quả.

VIỆT NAM XÁC MINH TIN TRUNG CỘNG XÂY CĂN CỨ HOẢ TIỄN GẦN BIÊN GIỚI HAI NƯỚC

Trong cuộc họp báo vào thứ Năm ngày 04.02, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam đang xác minh thông tin Trung Cộng xây dựng một căn cứ hoả tiễn ngay sát biên giới với Việt Nam. 

Trước đó một ngày, trang Đại Ký Sự Biển Đông công bố ảnh vệ tinh cho thấy Trung Cộng đang hoàn tất một căn cứ hoả tiễn đất đối không ở huyện Ninh Minh thuộc tỉnh Quảng Tây, chỉ cách biên giới Việt Nam khoảng 20 km. Căn cứ này cách phi trường trực thăng quân sự 40 kilomet.

Quân đội Trung Cộng gần đây tăng cường mở rộng căn cứ hải quân trên Biển Đông để giúp cho hạm đội của họ có nhiều ảnh hưởng hơn trên tuyến thủy lộ chiến lược đầy tranh chấp.

CHIẾN HẠM HOA KỲ ĐI VÀO VÙNG BIỂN QUẦN ĐẢO HOÀNG SA

Vào thứ Sáu ngày 05.02, khu trục hạm USS John McCain của Hải quân Hoa Kỳ đi qua vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa tại Biển Đông. Đây là chuyến thực hiện quyền tự do hàng hải của Hải quân Hoa Kỳ đầu tiên ở Biển Đông dưới thời tân Tổng thống Joe Biden.

Chuyến đi này thuộc chiến dịch tự do hàng hải, gọi tắt theo tiếng Anh là FONOPS, nhằm đề cao quyền tự do hàng hải và việc sử dụng vùng biển theo luật quốc tế mà Hoa Kỳ thực hiện trong nhiều năm gần đây nhằm đối phó lại với yêu sách phi lý của Trung Cộng ở Biển Đông.

Hoàng Sa là quần đảo Trung Cộng xâm chiếm của Việt Nam trong thời gian Chiến tranh Việt Nam. Bắc Kinh đã thành lập thành phố Tam Sa có trụ sở ở đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa để quản lý hành chính các đảo và vùng biển ở Biển Đông mà Trung Cộng tuyên bố có chủ quyền.

HỘI ĐỒNG BẢO AN LIÊN HIỆP QUỐC QUAN NGẠI VỀ ĐẢO CHÍNH Ở MYANMAR, HOA KỲ CÂN NHẮC CHẾ TÀI

Ngày 04.02, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc kêu gọi quân đội Myanmar phóng thích bà Aung San Suu Kyi cùng những quan chức khác bị quân đội bắt giam và lên tiếng quan ngại về tình trạng khẩn cấp ở Myanmar dù không lên án cuộc đảo chánh.

Hội đồng gồm 15 quốc gia thành viên được báo cáo tình hình hôm 02.02, một ngày sau khi quân đội Myanmar bắt bà Suu Kyi cùng nhiều người khác, trao quyền cho Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing, và ban hành tình trạng khẩn cấp một năm.  

Trước đó, vào ngày 3/2, Tổng thư ký Liên Hiệp quốc Antonio Guterres hứa hẹn tăng áp lực quốc tế lên quân đội Myanmar “để bảo đảm là cuộc đảo chánh này thất bại.” 

Cùng ngày, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden kêu gọi quân đội Myanmar trao trả lại quyền hành, phóng thích quan chức bị bắt giữ, và không có hành động bạo lực. Ông Biden đang cân nhắc ban hành một sắc lệnh phản hồi trước việc quân đội chiếm quyền tại Myanmar và có khả năng áp đặt chế tài lên những cá nhân và những cơ quan do quân đội kiểm soát. Đồng thời, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ tiến hành duyệt xét lại các viện trợ cho Myanmar.

No comments:

Post a Comment