Thursday, February 25, 2021

Cẩm nang nuôi tù

Hồi Ký

Thưa quý thính giả,

Phạm Đoan Trang là một chiến sĩ tranh đấu cho tự do, dân chủ cho nước Việt. Cô không xa lạ gì nếu không muốn nói là nổi tiếng tại VN. Trong nhiều tác phẩm đấu tranh của cô chúng tôi đã chọn cuốn ”Cẩm nang nuôi tù” để giới thiệu với thính giả vì nó rất cần thiết cho rất nhiều gia đình có thân nhân đang bị bạo quyền cầm tù. Hơn nữa làn sóng bắt bớ đang lan rộng nên sẽ có nhiều người sẽ phải ở trong thân phận” nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. 

Mục Cẩm Nang Nuôi Tù sẽ đến với quý thính giả đài DLSN vào mỗi tối thứ Năm hàng tuần qua sự trình bày của Bảo Trân. Sau đây mới quý thính giả theo dõi chương “Vì Sao Bạn Nên Biết Về Cuốn Sách Này?

Câu trả lời ngắn gọn là: Vì nó liên quan đến bạn, và rất có thể một lúc nào đó bạn sẽ cần nó.

Để tôi kể cho bạn nghe một câu chuyện có thật sau đây. Có điều, để cho dễ hình dung, xin được thay tên nhân vật chính bằng từ “bạn”.

* * *

Bạn có một người thân đột nhiên nhận giấy mời của công an lên ủy ban nhân dân xã hay phường làm việc. Trên đường đến ủy ban nhân dân, hoặc là khi đang ở đó, người thân của bạn bị một xe công an đến bắt, đưa về đồn và biệt tích vài ngày.

Sau đó bạn được thông báo là thân nhân đã bị bắt vì phạm tội hiếp dâm, cướp của và giết người.

Hơn nửa năm sau bạn mới được gặp thân nhân lần đầu, trong trại giam, giữa vòng vây công an. Thân nhân của bạn kêu oan nhưng bị chặn lại. Công an chỉ cho phép hỏi thăm sức khỏe và tình hình gia đình thôi.

Bạn chạy vạy, thuê luật sư, tốn cả trăm triệu đồng. Nhưng luật sư có vẻ cũng không giúp gì được bạn, nghe nói là do “công an mạnh quá”.

Bạn có những người quen, hàng xóm sẵn sàng đứng ra làm nhân chứng để xác nhận thân nhân của bạn không có mặt ở nơi xảy ra vụ hiếp dâm, giết người cướp của – nghĩa là có bằng chứng ngoại phạm. Tuy nhiên, khi các nhân chứng đó “lên công an” trình bày sự việc, họ bị bắt giam luôn. Vài ngày sau, họ mới được thả, bầm dập tả tơi vì bị đánh trong đồn. Từ đó, chẳng một ai dám đứng ra làm nhân chứng nữa.

Một, hai năm sau thân nhân của bạn bị đưa ra tòa, bị kết án tử hình về tội giết người, bất chấp việc họ một mực kêu oan, khóc rằng họ bị tra tấn nên mới phải nhận tội.

Quá trình kêu gào đòi công lý cho thân nhân của bạn bắt đầu, bạn lê lết đi hết cơ quan này tới cơ quan kia, gặp hết người này đến người kia, theo kiểu “có bệnh thì vái tứ phương”. Nhiều lần, bạn hy vọng rồi lại thất vọng, thất vọng rồi lại hy vọng, rồi lại thất vọng. Cứ thế 10 năm trời.

Rồi một ngày bạn nhận thông báo từ tòa án về việc thi hành án tử hình với thân nhân của bạn. Tòa bảo bạn làm đơn xin nhận tử thi, nhớ “cam kết đảm bảo về an ninh, trật tự”, “chi phí vệ sinh môi trường gia đình tự chịu”.

Bạn hộc tốc chạy về Hà Nội, gọi là “lên trung ương”. Bạn đến Văn phòng Quốc hội, họ bảo bạn “đi ra Phòng tiếp dân ở Ngô Thì Nhậm mà hỏi”. Bạn đến Phòng tiếp dân, họ bảo bạn “đi ra viện kiểm sát mà hỏi”. Bạn đến Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, họ bảo bạn “ra tòa mà hỏi”. Bạn đến Tòa án Nhân dân Tối cao, họ bảo bạn “ra đồn mà hỏi”.

Bạn chạy tới chỗ dân oan, cùng họ tổ chức biểu tình đòi tha mạng cho thân nhân của mình. Công an giải tán đám biểu tình, bóp cổ, đấm đá và quẳng bạn lên xe mang về đồn, đe sẽ bắt giam bạn luôn vì tội gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ. Bạn sợ quá, ký đủ thứ biên bản, cam kết. Đến tối thì công an thả cho bạn về lại chỗ trọ.

Chẳng một cơ quan nhà nước, một cán bộ nhà nước nào hỏi bạn được một câu hay đồng ý tiếp bạn một cách đàng hoàng.

Đêm về, bạn thấy trên mạng có tin chánh án tòa địa phương bảo đã xem xét dừng lại việc thi hành án. Chưa kịp mừng thì hôm sau, bạn thấy tờ báo mạng nọ đưa tin với một giọng đầy hăm dọa rằng cơ quan chức năng không hủy kế hoạch tử hình, chỉ hoãn thôi. Và thế là hành trình kêu gào giữ mạng sống cho thân nhân của bạn lại tiếp tục, có thể không chỉ 10 năm mà sẽ là 15, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, nếu bạn còn sức.

Đó là thân phận người dân nghèo, thấp cổ bé họng trong xã hội Việt Nam ngày nay. Còn nếu bạn không nghèo, gia đình có thế lực, thì một vụ việc như vậy vẫn có thể làm cả gia đình bạn sạt nghiệp, kiệt quệ vì chạy án. Nhà có người dính vòng lao lý cũng không khác gì nhà có người bị bệnh hiểm nghèo.

 

* * *

Một chuyện khác: Chỉ trong khoảng gần một năm kể từ tháng 6 năm 2018, trên nhiều tỉnh thành trong cả nước, bạn nghe tin đã có hàng chục người bị bắt vì tội “gây rối trật tự công cộng” và vì “tuyên truyền chống Nhà nước”. Tìm hiểu thêm một chút thì bạn biết là họ đi tù vì tham gia biểu tình phản đối dự luật Đặc khu, và vì đăng tải lên faceook những bài phản đối chủ trương chính sách của Nhà nước, những thông tin bị công an cho là “gây hoang mang dư luận”.

Trong số đó, có nhiều người bị bắt giam chỉ vì đã “yêu thích” (like), “chia sẻ” (share) hay “bình luận” (comment) vào một đoạn video hay bài viết phản biện nào đó trên mạng xã hội. Có người bị bắt vì họ là thành viên (member) của những nhóm Facebook như “Tôi yêu BBC tiếng Việt”, “Đô thành Sài Gòn”.

Người khác nữa bị bắt vì tham gia livestream, nói chuyện chính trị với một số facebooker nổi tiếng – ấy thế nhưng người đó bị bắt còn facebooker nổi tiếng kia lại chẳng làm sao. Bạn có thể nghĩ “chắc do đăng tải nội dung liên quan đến chính trị”. Nhưng lại có người bị bắt chỉ vì đã đưa tin về dịch sán lợn ở Bắc Ninh. Chưa bao giờ mà việc về đồn công an hay thậm chí đi tù vì viết bài trên mạng lại dễ dàng như thế.

Từ khi có mạng xã hội (khởi đầu là Yahoo! 360, và phổ biến nhất hiện nay là Facebook), lần đầu tiên trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc, người Việt Nam có thể xuất bản và chia sẻ ngay lập tức với người khác những suy nghĩ, cảm nhận, quan điểm cá nhân của mình, những gì mình trông thấy, nghe thấy.

Lần đầu tiên chúng ta có thể tự mình xuất bản, đưa tin, viết bài, ra sách, chụp ảnh, quay phim và phổ biến tác phẩm của mình, mà không phải qua một tòa soạn hay nhà xuất bản nào, không phải nhờ cậy ai. Nhu cầu thể hiện, phát triển bản thân, chia sẻ và khẳng định mình được thỏa mãn hơn lúc nào hết trong lịch sử.

Nhưng giờ đây, nhu cầu ấy đang bị bóp nghẹt lại, khi mà chỉ “like”, “share” hay “comment” cũng đủ khiến bạn phải vào đồn công an, thậm chí bị bỏ tù; gia đình bạn bị xáo trộn, cuộc sống đảo lộn, tan nát.

Trong những vấn đề tồi tệ nhất của Việt Nam đương đại, chúng ta có thể nhanh chóng kể đến thực phẩm độc hại, môi trường bẩn thỉu ô nhiễm, cơ sở hạ tầng lởm chởm, tai nạn giao thông cao, giáo dục nhồi sọ và xa rời thực tế, bệnh viện quá tải, y tế đắt đỏ và không đáng tin cậy…

Nhưng có một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng mà lại không dễ nhìn ra ngay, đó là tình trạng thiếu vắng công lý.

Thiếu vắng công lý là nguồn sản sinh ra tất cả những vấn nạn kể trên, bởi vì khi một quốc gia không có công lý, tội ác không bao giờ bị trừng phạt; kẻ làm điều sai, điều ác không bao giờ bị xử tội (mà có khi còn được lên lương, tặng thưởng), trong khi các nạn nhân tan nát cả cuộc đời mà không bao giờ có thể được bù đắp. Khi cái sai, cái xấu, cái ác không bị ngăn chặn, nó chẳng có lý do gì để dừng lại: Vi phạm nhân quyền tràn lan trên mọi lĩnh vực. Khi cái thiện bị vùi dập, nó chẳng có lý do gì để nảy mầm, lan rộng. Ngay cả người giàu nhất cũng khó mà sống hạnh phúc trong một xã hội quá ít lòng tốt.

Suy thoái về đạo đức, bất an và hỗn loạn về an ninh trật tự, là những điều mà không ai sống ở Việt Nam hiện nay có thể thoát khỏi. Và nếu bạn không may phải “ra cửa quan”, “đáo tụng đình”, thì đó là cái hạn lớn của bạn và gia đình. Một lần nữa xin nhắc lại: Nhà có người dính vòng lao lý cũng không khác gì nhà có người bị bệnh hiểm nghèo.

Đó là lý do khiến bạn rất nên biết về cuốn cẩm nang này, một khi bạn hoặc người trong gia đình bạn vướng vòng lao lý. Nó không làm cho bạn hay thân nhân thoát khỏi những ức chế, tủi nhục, đau khổ… nhưng nó có thể giúp bạn bình tĩnh, sáng suốt hơn để nhìn ra nhiều điều, từ đó, bạn có thể bảo vệ mình hoặc thân nhân tốt hơn. Nếu bạn tin chắc rằng cả bạn và gia đình sẽ không bao giờ có chuyện dính dáng đến pháp luật, thì bạn cũng vẫn nên biết về cuốn sách, giống như khi ta nghiên cứu các sách dạy phòng chống bệnh ung thư, tiểu đường, xơ gan… vậy.

Chắc chắn cuốn sách sẽ bị lực lượng công an căm ghét, bị họ coi là “tài liệu chống phá”, “xuyên tạc”, “bôi xấu chế độ”, “gây khó khăn cho công tác điều tra tội phạm”, “hướng dẫn tội phạm đối phó với cơ quan chức năng”…

Sự thật hoàn toàn ngược lại: “Cẩm nang nuôi tù” này là một “bản án chế độ”, một báo cáo vạch trần nhiều vấn đề của nền hành pháp và tư pháp trong chế độ hiện hành. Quan trọng hơn, nó chính là một công cụ để người dân tự bảo vệ mình, đồng thời buộc các cơ quan nhà nước phải chấp hành pháp luật, tôn trọng nhân quyền.

Cuối cùng, cuốn sách giúp bạn hiểu biết về luật pháp và chính trị hơn, đặc biệt là hiểu về thể chế mà chúng ta đang sống. Tự trang bị kiến thức luôn là một cách để chúng ta có thể tự chủ với cuộc đời mình.

No comments:

Post a Comment