Tuesday, February 16, 2021

Bao giờ thương mại Việt – Trung mới cân bằng?

Bình Luận

Kính thưa quý thính giả, sự lệ thuộc chính trị của CSVN và CSTQ là nguyên nhân đưa đến sự lệ thuộc kinh tế của Việt Nam vào Trung Quốc. Cán cân thương mại Việt – Trung sẽ không bao giờ cân bằng bao lâu sự lệ thuộc này còn hiện hữu.  Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần bình luận của Trần Hoàng Nga với tựa đề: “Bao giờ thương mại Việt – Trung mới cân bằng?” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.

Mặc dù tình hình đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, gây khó khăn cho hoạt động hợp tác, trao đổi thương mại của nhiều nước, tuy nhiên, quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc trong năm 2020 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao.

Nếu tính trong 10 nước ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, đối tác nhập khẩu lớn nhất và đối tác xuất khẩu lớn thứ 2 (sau Malaysia). Nếu xét trên quy mô toàn thế giới, Việt Nam đã chính thức vượt qua Đức để vươn lên là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trên toàn cầu, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5; thị trường nhập khẩu lớn thứ 9 của Trung Quốc.

  1. a) Xuất khẩu: Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng như điện thoại di động, linh kiện, thiết bị điện tử, cao su, nông sản, thủy hải sản…

Theo thông tin từ phía Việt Nam, kết quả xuất khẩu trong năm cho thấy các nhóm mặt hàng nông, lâm, thủy sản đều ở mức tăng khá cao, hầu hết đều ở mức tăng hai con số. Cụ thể, nhóm hàng hoa quả tăng 12,7%. Trong đó, mặt hàng thanh long chiếm hơn một nửa kim ngạch xuất khẩu và đạt tăng trưởng 52,8%, mặt hàng xoài tăng đột biến với mức tăng hàng chục nghìn phần trăm. Ở nhóm thủy sản, mặc dù trong năm 2020 xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gặp rất nhiều vấn đề về hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật và kiểm tra liên quan đến dịch bệnh COVID-19, song vẫn đạt mức tăng 7,9%. Nhóm hàng lâm sản là gỗ và sản phẩm gỗ, cao su và sản phẩm cao su lần lượt tăng 7,3% và 19,2% và duy trì trên 1 tỷ USD/nhóm sản phẩm.

Trong nhóm hàng công nghiệp chế tạo thì nhóm sản phẩm điện máy, điện tử và linh phụ kiện (mã HS 85) cũng tăng trưởng mạnh và có kim ngạch xuất khẩu cao, chiếm khoảng 62% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, tăng khoảng 7 điểm phần trăm so với năm 2019.

  1. b) Nhập khẩu: Việt Nam nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc bao gồm máy móc, thiết bị, nguyên liệu sản xuất trong ngành may mặc, giày da, sắt thép, vật tư xây dựng…, cho đến các mặt hàng sinh hoạt hàng ngày. Trong đó, các nhóm mặt hàng phục vụ sản xuất (nguyên liệu, máy móc) có phần sụt giảm hoặc chỉ tăng nhẹ, ngược lại nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu như ô tô và linh kiện, phụ kiện, đồ chơi vẫn tăng khá cao, đều ở mức tăng hai con số.

Quan hệ kinh tế Việt Nam – Trung Quốc phát triển mạnh trong thời gian qua là một thực tế. Tuy nhiên, có một số vấn đề trong quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia này.

Thứ nhất, đó là cán cân thương mại Việt – Trung không cân bằng, trong đó Việt Nam luôn nhập siêu với mức lớn từ Trung Quốc. Đối với thương mại, đầu ra và đầu vào của một số mặt hàng chủ lực, như nông sản, dệt may, da giày, cao su… phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc. Tình trạng này khiến xuất nhập khẩu của Việt Nam gặp khó khăn, bị động khi Trung Quốc thực hiện chính sách biên mậu “thất thường”.

Thứ hai, yếu tố an ninh quốc phòng trong bố trí một số khu kinh tế, dự án đầu tư có yếu tố nước ngoài chưa được chú trọng hoặc chưa được quan tâm thường xuyên và đúng mức. Thực tế cho thấy, một số dự án có đối tác là các nhà đầu tư Trung Quốc được triển khai ở vị trí quan trọng, có ý nghĩa chiến lược về quốc phòng, an ninh, ảnh hưởng trực tiếp đến thế trận khu vực phòng thủ. Quản lý nhà nước đối với số công nhân sang làm việc tại các dự án của Trung Quốc ở Việt Nam còn nhiều lỏng lẻo.

Thứ ba, tình trạng buôn lậu, vận chuyển hàng lậu, hàng nhái, hàng giả, thực phẩm bẩn cùng những hàng hóa có những giá trị phản văn hóa, như phim ảnh, băng hình có các nội dung nhạy cảm … qua biên giới vẫn tiếp diễn. Các hoạt động mua bán theo kiểu “nâng rồi dìm giá” với những “mặt hàng không tưởng”, như sừng trâu, móng bò, hoa thanh long… của một số tiểu thương Trung Quốc, xét cả về trước mắt và lâu dài, đều ảnh hưởng xấu đến sản xuất, phá vỡ quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, ảnh hưởng gây tổn hại sức khỏe, tác động tiêu cực đến đời sống của người dân.

Trung Quốc là một “gã khổng lồ” ở châu Á nhưng luôn mang tư duy bành trướng lãnh thổ, chi phối và đe doạ các quốc gia khác. Trong hàng nghìn năm lịch sử, các triều đại phong kiến đã nhiều lần xâm lược Việt Nam. Hiện nay, trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, Việt Nam tuy không là quốc gia có vai trò quan trọng như các nước lớn, nhưng các chính sách đối ngoại nhằm nâng tầm ảnh hưởng trong khu vực của Trung Quốc đều có sự hiện diện của Việt Nam. Trung Quốc đang thúc đẩy Việt Nam cụ thể hóa chủ trương kết nối sáng kiến “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” với “Vành đai con đường – BRI”; tham gia “Cộng đồng chung vận mệnh”, đưa Việt Nam vào tập hợp lực lượng do Trung Quốc dẫn dắt. Nhiều quốc gia trên thế giới đang lo ngại về những ý đồ chính trị ẩn chứa đằng sau “Vành đai và Con đường”, như các vấn đề về “ngoại giao bẫy nợ” từ đó dẫn tới các sức ép về chủ quyền lãnh thổ. Việt Nam đương nhiên là đang nằm trong vùng ảnh hưởng và chịu sức ép của Trung Quốc về vấn đề này.

Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam cần có chiến lược phát triển rõ ràng để có thể tránh “vết xe đổ” mà nhiều quốc gia châu Á đã gặp phải đối với các đe doạ ẩn chứa trong “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.

Trần Hoàng Nga

No comments:

Post a Comment