Ngay sau đây, mời quý thính giả theo dõi sự kiện việc ông Phạm Chí Dũng bị bắt cuối năm 2019, nhà cầm quyền CSVN có đàn áp được tiếng nói đối lập hay không? Bảo Trân sẽ có câu trả lời cho quý thính giả để mở đầu phần tin tức hôm nay …
HỘI NHÀ BÁO ĐỘC LẬP VIỆT NAM KHÔNG TAN RÃ DÙ BỊ ĐÀN ÁP DỮ DỘI
Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam liên tục hoạt động kể từ khi thành lập năm 2014 đến nay cho dù bị đàn áp khốc liệt trong thời gian gần đây với việc Chủ tịch Phạm Chí Dũng, Phó Chủ tịch Nguyễn Tường Thuỵ và thành viên Lê Hữu Minh Tuấn bị kết án từ 11 đến 15 năm tù giam và 3 năm quản chế về tội danh nguỵ tạo “tuyên truyền chống nhà nước.”
Trong bản lên tiếng mới đây, Hội NBDLVN tuyên bố ban lãnh đạo hội đang duy trì tờ báo mạng Việt Nam Thời báo với sự đóng góp bài vở của hàng chục thành viên và cộng tác viên ở trong và ngoài nước. Các bài báo là những tiếng nói phản biện trung thực, công khai, và mạnh mẽ đối với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.
Vào cuối năm 2019, khi ông Phạm Chí Dũng bị bắt, nhà cầm quyền CS Việt Nam đã làm gián đoạn trang mạng Việt Nam Thời Báo, nhưng chỉ 1 tháng sau, Hội đã lấy lại sự kiểm soát trang báo này và hiện vẫn duy trì trang tin này.
Bên cạnh việc cùng các tổ chức xã hội dân sự khác ở Việt Nam và trên thế giới tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ cho Việt Nam, và tự do của các tù nhân lương tâm đang bị giam giữ tại Việt Nam, Hội còn có kế hoạch thực hiện một số hoạt động cao hơn nhằm phổ cập rộng khắp tin tức và phản biện các chính sách của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.
Mối giao hảo giữa hai láng giềng có cùng ý thức hệ cộng sản diễn ra như thế nào sau đại hội 13 của đảng CSVN? Đồng Tâm có tin tóm lược như sau …
CÔNG AN CỘNG SẢN VIỆT NAM TIẾP TỤC HỢP TÁC CHẶT CHẼ VỚI CÔNG AN TRUNG CỘNG
Truyền thông nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đưa tin Bộ trưởng Công an Trung Cộng Triệu Khắc Chí đã có chuyến thăm Việt Nam với mục đích tăng cường hợp tác với công an Việt Nam, ngay sau khi đảng cộng sản Việt Nam tổ chức đại hội toàn quốc lần thứ 13.
Trong chuyến viếng thăm Việt Nam tuần này, ông Triệu Khắc Chí đã được tiếp bởi tổng bí thư đảng kiêm chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và làm việc với bộ trưởng công an cộng sản Tô Lâm.
Trong các buổi gặp, hai bên đã cam kết “quán triệt thực hiện nhận thức chung cấp cao, đặc biệt trong lĩnh vực thực thi pháp luật,” và cùng hợp tác để bảo vệ hệ thống chính trị của hai quốc gia cộng sản láng giềng.
Trong nhiều năm gần đây, công an Việt Nam gia tăng đàn áp giới bất đồng chính kiến và người hoạt động xã hội, bỏ tù hàng trăm người phản đối việc Trung Cộng vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Cũng liên quan đến những sự kiện diễn ra sau đại hội 13, ban tuyên giáo trung ương đảng được thay thế bởi một người trong quân đội. Chi tiết bản tin, được Bảo Trân tóm lược như sau …
TƯỚNG QUÂN ĐỘI ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU BỘ MÁY TUYÊN GIÁO CỦA ĐẢNG
Thượng tướng CSVN Nguyễn Trọng Nghĩa, phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của Quân đội vừa được Bộ Chính trị của đảng Cộng sản Việt Nam bổ nhiệm vào chức vụ trưởng ban tuyên giáo Trung ương, thay ông Võ Văn Thưởng sang làm thường trực Ban bí thư.
Việc bổ nhiệm này có thể nhằm mục đích chấn chỉnh việc đánh nhau giữa các phe phái trong đảng và siết chặt các bài viết liên quan đến quan hệ giữa Việt Nam và Trung Cộng, bên cạnh việc đàn áp tự do báo chí như trong nhiều năm qua.
Ông Nghĩa từng xác nhận thông tin quân đội có Lực lượng 47 với hơn 10.000 người là “hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng, vừa hồng vừa chuyên, kiên định lập trường, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao thực hiện nhiệm vụ.” Ông này còn nói quân đội có chức năng đấu tranh chống diễn biến hòa bình trên không gian mạng.
Lực lượng 47 cùng với dư luận viên không chỉ tấn công nhắm vào giới bất đồng chính kiến và người hoạt động xã hội mà còn tấn công fanpage của Toà Đại sứ Hoa Kỳ và Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam.
Nhiều chục ngàn tấn nông sản tại Hải Dương có cơ nguy không nơi tiêu thụ do đại dịch Vũ Hán bùng phát trở lại. Đồng Tâm có thêm tin chi tiết như sau …
NGƯỜI DÂN HẢI DƯƠNG BỊ PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ VÌ DỊCH VIRUS VŨ HÁN
Người dân sống ở tỉnh Hải Dương bị phân biệt đối xử sau khi tỉnh này là trung tâm của làn sóng nhiễm bệnh virus Vũ Hán lần thứ 3 ở Việt Nam.
Sau khi thành phố Hải Phòng tạm dừng tiếp nhận hàng hoá từ Hải Dương vì sợ lây nhiễm coronavirus, hàng chục ngàn tấn nông sản của người dân Hải Dương đã bị “tắc nghẽn” nằm trong kho lạnh chờ xuất cảng qua cảng Hải Phòng. Cụ thể, Hải Dương hiện đang có khoảng 10 ngàn tấn cà rốt, 4 ngàn tấn rau đang nằm trong kho lạnh chờ xuất khẩu. Ngoài ra còn có hơn 50 ngàn tấn rau củ đang được thu hoạch nhưng lại gặp khó khăn trong việc tiêu thụ vì thương lái không đến được do tỉnh này đang thực hiện cách ly rất nghiêm ngặt.
Hiên nay nhiều nông dân và doanh nghiệp trong tỉnh đang trong tình trạng khó khăn vì ế hàng và thiếu kho chứa cùng công nghệ bảo quản.
Không chỉ nông sản mà người lao động đến từ Hải Dương cũng bị phân biệt đối xử. Báo chí cũng đưa tin chủ doanh nghiệp tại Bắc Ninh, Thái Bình và Hưng Yên được yêu cầu tạm ngừng sử dụng lao động đến từ Hải Dương.
Và tin sau cùng là việc ngoại trưởng các nước Mỹ, Nhật, Ấn và Úc đồng loạt lên tiếng phản đối nhà cầm quyền quân phiệt Miến, yêu cầu tái lập dân chủ cho quốc gia này bằng con đường hòa bình. Bảo Trân có thêm thông tin như sau …
HOA KỲ, NHẬT, ẤN ĐỘ VÀ ÚC KÊU GỌI KHÔI PHỤC DÂN CHỦ TẠI MYANMAR
Ngoại trưởng các nước thuộc nhóm Bộ tứ “Đối thoại An ninh Bốn bên” gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc kêu gọi khôi phục dân chủ tại Myanmar trong cuộc họp trực tuyến vào thứ Năm ngày 18.02 do Hoa Kỳ tổ chức.
Trong cuộc họp này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken yêu cầu “khẩn cấp tái lập chính quyền được bầu lên bằng con đường dân chủ tại Myanmar” và “ưu tiên cho việc tăng cường sức bền vững dân chủ tại khu vực, trên một quy mô lớn hơn hiện nay.” Về phần mình, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi hối thúc quân đội Miến Điện ngừng ngay lập tức các hành động bạo lực nhắm vào thường dân, người biểu tình chống đảo chính và đòi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi bị giam giữ từ ngày 01.02. Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar nhấn mạnh đến việc tôn trọng nhà nước pháp quyền và tiến trình chuyển sang chế độ dân chủ và các tranh chấp ở Myanmar phải được giải quyết một cách hòa bình.
Trong khi đó, đã có một người biểu tình đầu tiên qua đời vì đạn của cảnh sát Myanmar. Cô Mya Thwate Thwate Khaing, 20 tuổi, bị thương do đạn trúng đầu hồi tuần trước, đã qua đời tại bệnh viện. Trong cuộc biểu tình tại thủ đô Naypyidaw hôm 09.02, cảnh sát đã bắn đạn cao su vào người biểu tình phản đối đảo chính, tuy nhiên, theo các bác sĩ, ít nhất có hai người bị trúng đạn thật, trong đó có người phụ nữ nói trên.
No comments:
Post a Comment