Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục “Nói với người cộng sản”. Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. “Nói với người cộng sản” do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Tâm Anh
Tiến Văn
Thưa quí vị đảng viên cộng sản lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội,
Trước tiên, chuyên mục Nói Với Người Cộng Sản xin kính chúc quí vị, quí bạn có năm mới Tân Sửu với vạn sự hướng thiện đều được hanh thông.
Đại hội 13 của đảng Hồ-Tàu đã kết thúc, về cơ bản, đúng như những gì chúng ta đã cùng nhau bàn luận trước đó. Tuy nhiên, hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau điểm lại Đại Hội 6.
Đại hội 6 thường được nhiều người cho là đại hội đổi mới, cải cách nhưng thực chất đây là một đại hội nhằm tìm lối để thoát hiểm cho bọn chóp bu trước tình hình quốc nội và quốc tế đang biến động nguy hiểm.
Sau Đại hội 5 năm 1982, đời sống của người dân trên toàn Việt Nam ngày càng đói kém, thiếu thốn tất cả các nhu yếu phẩm cơ bản như đường, muối, xà-bông, nước sinh hoạt vì sức sản xuất, khả năng kinh doanh, buôn bán đã bị triệt tiêu hoàn toàn do chính sách quản lí xã hội chủ nghĩa. Làn sóng vượt biên, bỏ nước ra đi bằng mọi giá tiếp tục dâng cao tại các tỉnh miền Nam và lan tràn ra cả miền Bắc. Cộng đồng doanh nhân người Hoa tại miền Nam tẩy chay, chống đối chính quyền và lần lượt rời Việt Nam trở về cố quốc hoặc chạy sang nước thứ ba để sinh sống.
Trong khối cộng sản quốc tế, Bắc Kinh vẫn giữ thái độ khiêu khích và thù địch với Hà Nội sau cuộc đụng độ đẫm máu năm 1979; tại Liên Sô, Goóc-Ba-Chốp nắm chức Tổng Bí Thư từ tháng 03 năm 1985 với tinh thần cải cách xã hội theo hướng cởi mở về thông tin và minh bạch hóa, dân chủ hóa về chính sách; khối cộng sản Đông-Âu đang bị nhân dân đòi xóa bỏ chính quyền cộng sản; cấm vận kinh tế của Hoa Kì đối với Việt Nam vẫn được duy trì. Các khoản viện trợ từ khối cộng sản thế giới cho bộ sậu Hà Nội coi như chấm dứt.
Nhân dân trong nước ngày càng chán nản, tuyệt vọng, bức xúc chỉ chờ cơ hội là vùng lên chống lại bọn cầm quyền. Tại hải ngoại, các nhân sĩ, trí thức, tổ chức của người Việt quốc gia nỗ lực gia tăng mọi hoạt động hướng về quê nhà với nhiều hoạt động, chiến dịch nhằm tố cáo, tấn công bản chất độc tài, phản quốc của chế độ cộng sản.
Trước sự bế tắc không có lối thoát, bọn bộ sậu Hà Nội không nghĩ được phương kế nào khác ngoài cách thức đổi tiền có tính chất cướp đoạt tài sản của dân. Tuy nhiên cuộc đổi tiền lần ba trong vòng 10 năm vào tháng 9 năm 1985 càng làm cho tình trạng lạm phát tăng cao, lên tới 800% vào năm 1986. Tháng 7 năm 1986, cái chết của Lê Duẩn trong khi đang giữ ghế Tổng bí thư làm cho bọn chóp bu thêm bối rối. Sau nhiều tranh cãi, bọn bộ sậu đồng ý Trường Chinh nắm chức Tổng bí thư tạm quyền.
Trong bối cảnh đó, chóp bu đảng Hồ-Tàu tổ chức Đại Hội 6 tại Hà Nội từ ngày 15 tới ngày 18 tháng 12 năm 1986. Cũng giống kỳ Đại Hội 5, lần này bọn chóp bu cũng lén lút họp kín trước đó trong 10 ngày.
Trong bản báo cáo chính trị đọc trước đại hội, Trường Chinh phải thừa nhận rằng:
“Năm năm qua là một đoạn đường đầy thử thách, bên cạnh những thắng lợi giành được, chúng ta đã mắc một số khuyết điểm và sai lầm…Những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện… Những khuyết điểm trong hoạt động tư tưởng, tổ chức và công tác cán bộ của Đảng. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.”
Tuy nhiên, bọn chóp bu vẫn giữ nguyên những ảo tưởng vào chủ nghĩa xã hội, Trường Chinh tự tin khẳng định rằng:
“Lực lượng mọi mặt của hệ thống xã hội chủ nghĩa, do Liên Xô làm trụ cột, ngày càng được tăng cường…Hệ thống xã hội chủ nghĩa tiến vào giai đoạn phát triển mới với chất lượng mới. Những thành tựu mọi mặt của cộng đồng xã hội chủ nghĩa, sức mạnh phối hợp về chính trị, kinh tế, khoa học, kĩ thuật, văn hóa và quốc phòng của cả cộng đồng là nhân tố quyết định thắng lợi của chủ nghĩa xã hội trong cuộc đấu tranh giữa hai hệ thống chính trị-xã hội đối lập trên thế giới.”
Đại Hội 6 đã đưa Nguyễn Văn Linh lên nắm chức Tổng Bí thư để thực hiện mục tiêu khẩn cấp là chống đói, chống thiếu thốn cho toàn xã hội bằng một loạt các chính sách hoàn toàn không có gì mới mà thực chất chỉ là bỏ dần hay nới lỏng những cấm đoán, trói buộc như: cấm người dân buôn bán; cấm người dân lưu thông hàng hóa để tự chuyển đổi theo nhu cầu; cấm dân tự sản xuất, tự kinh doanh và đặc biệt là cấm nông dân tự trồng cấy không theo quản lí của hợp tác xã. Nhưng sự cởi trói này chỉ có tính chất bộ phận và vẫn nằm trong tính toán của bọn chóp bu với mục đích bọn chúng vẫn nắm hoàn toàn mọi quyền lực để dể bề kiểm soát, bóc lột dân chúng.
Đó chính là bản chất của Đại Hội 6 của đảng Hồ-Tàu cách đây 34 năm.
Tâm Anh cùng Tiến Văn xin tạm biệt và hẹn gặp lại quí vị cùng anh chị em trong chuyên mục tuần tới.
No comments:
Post a Comment