Wednesday, February 24, 2021

Hồi Ký Vũ Cao Quận Chín ngày trong một đời người (Bài 4)

Hồi Ký

Ông Vũ Cao Quận sinh ngày 16/4/1033 tại Hải Phòng, đã tham dự vào cuộc chiến Quốc Cộng  từ 1945 đến 1975 trong hàng ngũ những người CS. Ông được giải ngũ năm 1975 với cấp bậc Trung Úy. Tuy vậy, sau năm 1975, có được cơ hội nhìn ra bên ngoài, vượt khỏi vòng kìm tỏa của CS, Ông đã có cái nhìn tích cực hơn về Tự Do Dân Chủ và nhận rõ CS là gì . Ông tham gia vào phong trào đối kháng VN và trở nên một trong những tên tuổi nỗi bậc trong hàng ngũ những người CS phản kháng chế dộ. Ông qua đời ngày 19 tháng 1 năm 2021

Để tưởng niệm “Người Lính Già Vũ Cao Quận”, Đài DLSN trân trọng giới thiệu tập hồi ký “Chín ngày trong một đời người”.  Sau đây, mời quý thính giả tiếp tục theo dõi tập hồi ký qua sự trình bảy của Bá Cơ…

Chín ngày trong một đời người.

Bài 4:

Đêm ấy (24-04-2001) sau những thao thức rồi tôi cũng thiếp đi sau một ngày căng thẳng. Khoảng 5 giờ 30 sáng tôi bị đánh thức bởi tiếng mở khóa buồng tạm giữ và tiếng oang oang của viên công an trực: “Dậy đi ông, sáng rồi”. Rất chu đáo anh chỉ cho tôi chỗ rửa mặt và các nhu cầu vệ sinh khác. Chỉ ít phút sau tôi biết anh là trung tá Th. với vóc dáng to đậm, ngăm ngăm, khuôn mặt mang dáng dấp của một nông dân, với vẻ hồn nhiên, chất phác và thái độ ân cần, vồn vã. Tất nhiên đây chỉ là một nhận xét bên ngoài của tôi… Chợt chuyện ngụ ngôn về mẹ con nhà Chuột lại hiện trong tôi. Cách đây hai hôm trước khi bị bắt, một ông bạn tôi đã từng có chức vụ cỡ thứ, vụ trưởng của ngành công an bảo tôi: “Ông chớ có tin bọn công an”. Tôi nói vui hỏi lại: “Thế thì chính tôi tin ông sao được. Vì ông cũng cỡ tổ sư của ngành công an đó sao?”. Nhưng riêng trung tá Th. đã gây cho tôi một cảm giác nhẹ nhõm khi tiếp xúc. Và cũng trung tá Th. là người cùng trung tá V.L. là người hỏi cung tôi nhiều nhất trong 9 ngày bị giam giữ.

8 giờ sáng ngày 25-04-2001, ngày làm việc thứ hai của công an với tôi. Người hỏi cung tôi là thiếu tá V.N.C. cùng trung tá V.L. . Hình như V.N.C. có quân hàm thấp hơn nhưng chức vụ lại cao hơn V.L.

Sau khi bố trí đặt micro trước mặt tôi và thợ camera đã sẵn sàng chĩa máy thẳng vào mặt tôi, V.N.C. nói:

– Chúng ta bắt đầu làm việc; trước khi làm việc anh có ý kiến gì không?”

Đáp: “Thứ nhất, tôi lấy quyền của một công dân xin được xem lệnh bắt tôi. Thứ hai, nếu tôi có tội, tôi yêu cầu được xét xử trước tòa án. Thứ ba là, khi nói với các ông về nỗi thống khổ của nhân dân, của đồng đội tôi, tôi hay dễ xúc cảm, tôi mong các ông đừng xuyên tạc những giọt nước mắt xúc động của tôi thành biểu lộ của sự ăn năn hối lỗi trước cơ quan công an như kiểu Như Phong làm trên báo An ninh Thế giới để bôi xấu, để vu khống một số nhà trí thức và nhân sĩ”.

Tôi cảm tưởng họ chẳng hề có lệnh bắt tôi, nhưng đòi hỏi của tôi đối với họ chẳng có ý nghĩa gì, vì chỉ khoảng 5 phút sau họ đã mang tới cho tôi xem lệnh bắt giữ tôi có đủ chữ ký của Viện kiểm sát nhân dân thành phố. Có nghĩa là họ có hàng mớ lệnh ký lưu khống của Viện Kiểm sát, còn khi họ định bắt ai thì cứ việc bắt chứ không cần qua thủ tục bắt giữ, khám xét công dân của pháp luật.

V.N.C.: Tôi xin trả lời yêu cầu thứ hai của ông là ông yên tâm nếu ông phạm tội thì chúng tôi sẽ đưa ông ra tòa xét xử.

Tiếp theo, sự hỏi cung tôi cũng chẳng có một quy trình trật tự nào, theo kiểu tiện đâu hỏi đó hay đó là thủ pháp của công an thì tôi cũng không rõ.

V.N.C.: Tôi đã đọc những bài viết của anh. Anh có nhiều ngoa ngôn lắm.
Đáp: Xin ông cho dẫn chứng.

V.N.C.: Trong một đoạn bài viết của anh có câu: “Vợ tôi khóc không phải vì cái lý tưởng quái đản này mà vì sợ tôi theo chân anh vào nhà đá”. (Câu này trích trong thư riêng của tôi gửi cho Thanh Giang, thư hoàn toàn riêng tư giữa tôi và Thanh Giang. Thanh Giang đưa cho một ông bạn đọc. Rồi chả hiểu từ lúc nào lá thư được vi tính cho nhiều người đọc). Vậy theo ông cái cụm từ “lý tưởng quái đản” đó, ông định nói lên điều gì?
Đáp: Thưa ông, từ lý tưởng chỉ là một danh từ chung, nó chẳng chỉ rõ một vấn đề cụ thể nào. Nó chỉ có ý nghĩa cụ thể khi nó gắn liền với một mục đích nào đó. Ví như: Lý tưởng vì lợi nhuận, vì danh lợi, vì đồng tiền. Còn tôi nói chữ “lý tưởng quái đản” đó theo nghĩa của riêng tôi. Tôi đang ở trong một tổ chức, cùng theo một ý tưởng, một mục đích tốt đẹp, một lý tưởng cao cả. Đang là đồng chí, đồng đội của nhau, chỉ vì tự ái vì một câu nói hoặc một ứng xử hoặc một phản ánh trung thực dễ bị lãnh đạo bực mình nhưng cũng chỉ có tính chất giữa cá nhân với cá nhân. Thế mà cậy có chút quyền lực cấp phường vu cáo đẩy đồng chí mình về phía đối kháng. Tìm mấy kẻ cò mồi, chân gỗ dưới quyền moi móc chuyện cũ đã qua bốn năm năm “dám đề nghị đổi tên nước, đổi tên đảng, đổi cờ đảng”. Và trắng trợn đến bẩn thỉu vu cho là “hay bàn chuyện đa nguyên, đa đảng”. Cho nên tôi dùng cụm từ “lý tưởng quái đản” là để chỉ một cái mục đích đẹp đẽ, một “lý tưởng cao cả” lại sản sinh ra lũ quái đản này.

No comments:

Post a Comment